Vụ chạy thận 9 người chết tại BVĐK Hòa Bình: Cựu Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thừa nhận trách nhiệm

Thứ ba - 15/01/2019 20:31
(CLO) Ngày 15/1, phiên tòa xét xử vụ án chạy thận nhân tạo tại Hòa Bình khiến 9 người tử vong tiếp tục ngày làm việc thứ 2. Khai báo trước tòa, bị cáo Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã thừa nhận trách nhiệm của mình trước hội đồng xét xử.
Vụ chạy thận 9 người chết tại BVĐK Hòa Bình: Cựu Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thừa nhận trách nhiệm

Theo đó, bị cáo Trương Qúy Dương (SN 1962) nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bị đưa ra truy tố, xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, 4 bị cáo khác trong vụ án cũng bị xem xét cùng tội danh với nguyên Giám đốc BVHB.

Riêng Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, trú tại phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh) và Hoàng Công Lương (SN 1986, nguyên Bác sĩ Khoa hồi sức tích cực – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) cùng bị đưa ra xét xử về tội “Vô ý làm chết người”, theo quy định tại khoản 2, Điều 98-BLHS năm 1999.


Bị cáo Trương Quý Dương - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình 

Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa, bị cáo Trương Quý Dương thừa nhận là người ký các hợp đồng, thanh lý hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO (dùng trong chạy thận) nhưng không phát hiện việc Đơn nguyên thận (thuộc Khoa Hồi sức tích cực) thường xuyên sử dụng hệ thống RO ngay sau sửa chữa, không chờ kết quả xét nghiệm nguồn nước.

Vì vậy mà ngày 29/5/2017, bị cáo Hoàng Công Lương - nguyên bác sĩ Đơn nguyên thận đã ký y lệnh cho sử dụng nước từ hệ thống RO nhiễm axit sau sửa chữa để lọc máu chạy thận khiến 9 người tử vong.

Tại tòa, bị cáo Trương Quý Dương khai hệ thống lọc nước RO số 2 của BVHB hoạt động yếu nên đã phê chuẩn việc sửa chữa trong quý 2 năm 2017. Do bệnh viện không thể tự sửa chữa nên chiều 25/5/2017, bị cáo thay mặt bệnh viện ký hợp đồng số 315, thuê Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) do bị cáo Đỗ Anh Tuấn là giám đốc sửa chữa.

Nguyên Giám đốc BVHB thừa nhận đã ký hợp đồng 315 nhưng không biết thời gian sửa chữa vào ngày 28/5/2017, chỉ đến hôm sau khi sự cố xảy ra và có người chết, bị cáo mới được biết.

Giải thích, bị cáo này khẳng định, bản thân đã giao hệ thống RO cho bị cáo Hoàng Đình Khiếu - nguyên Phó giám đốc bệnh viện, kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực quản lý và chính khoa Hồi sức cấp cứu và Phòng vật tư đã đề xuất việc sửa chữa hệ thống RO. Bản thân bị cáo có trách nhiệm người đứng đầu.

Nói về bị cáo Hoàng Công Lương, nguyên Giám đốc BVHB cho rằng giữa 2 người “tình như chú cháu, nghĩa như thầy trò”. Bị cáo Lương cũng nhiều lần khẳng định như vậy. Chính bị cáo Dương đã cử Hoàng Công Lương đi học chuyên môn về chạy thận sau khi trao đổi với bị cáo Hoàng Đình Khiếu. Ngoài ra, bị cáo Dương cũng có kế hoạch bổ nhiệm bị cáo Trần Văn Sơn - nhân viên Phòng Vật tư lên chức phó phòng trước khi sự cố xảy ra. 

Bị cáo Trương Quý Dương nói thêm: “Nỗi đau của Hoàng Công Lương cũng là nỗi đau của bị cáo. Bị cáo thấy pháp luật là vô tình nhưng người xét xử là có tình. Mong HĐXX xem xét cho các em ấy vì tuổi đời còn rất dài. Bị cáo không dám nói mình bị oan vì mỗi người phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình nhưng mong HĐXX cho bị cáo cơ hội nói rõ, sau đó việc phán xét là quyền của HĐXX”.

Chiều cùng ngày, bị cáo Đỗ Anh Tuấn (SN 1976) – Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn tiếp tục với phần xét hỏi tại phiên tòa. Bị cáo Đỗ Anh Tuấn phản đối kết luận của cáo trạng truy tố bị cáo tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Tuấn cho rằng trong vụ việc ở BVHB, ông ta là đại diện của Công ty Thiên Sơn, cá nhân bị cáo không phải là chủ thể của tội danh này. Theo Đỗ Anh Tuấn, bị cáo là Giám đốc Công ty Thiên Sơn, công ty cho bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thuê hàng loạt máy chạy thận từ năm 2009, hai bên có ký tổng cộng 4 hợp đồng. Trong đó vẫn còn lại 5 máy chạy thận hiện vẫn đang thuộc sở hữu của Công ty Thiên Sơn.

Đứng trên phương diện pháp nhân, khi BVHB có nhu cầu đặt máy thì Công ty Thiên Sơn đặt máy tại đó. Bị cáo Tuấn cho rằng tất cả những vấn đề bị cáo Dương trình bày trước tòa đều đúng với thực tế. Hai bên ký kết hợp đồng đặt máy đầu tiên vào tháng 12/2009.

Về mặt pháp lý, bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật lọc máu, có đầy đủ năng lực pháp lý mới có thể thực hiện, đó là trách nhiệm của bệnh viện. Theo nội dung giao kết giữa hai bên, nghĩa vụ của bệnh viện là phải đảm bảo được cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân viên y tế có chuyên môn.

“Bản chất của việc ký kết hợp đồng là Công ty Thiên Sơn cho bệnh viện thuê máy chạy thận. Đây là hình thức cho thuê mua, sau khi chạy đủ số ca chạy thận, công ty sẽ bàn giao lại máy cho bệnh viện sở hữu” – Giám đốc Công ty Thiên Sơn nhận định.

Cũng trong chiều ngày thứ 2 xét xử vụ án chạy thận nhân tạo tại BVHB khiến 9 người tử vong, những bị cáo liên quan cũng bước đầu trả lời các câu hỏi do HĐXX đặt ra.

 Báo Điện tử Congluan.vn tiếp tục thông tin diễn biến vụ án này.

 

Tác giả bài viết: Nhóm PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây