Các bị cáo khai hợp đồng sai phạm nhưng PVN liên tục ép ký

Thứ tư - 10/01/2018 20:56
(Thanh Niên) - Ngày 10.1, HĐXX TAND TP.Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ 3 xét xử vụ án tham ô, cố ý làm trái tại Tập đoàn dầu khí và Tổng công ty xây lắp dầu khí.
Các bị cáo khai hợp đồng sai phạm nhưng PVN liên tục ép ký
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (trái) và bị cáo Nguyễn Anh Minh trả lời câu hỏi của luật sư chiều 10.1 /// Ảnh: TTXVN
Theo cáo trạng truy tố, thực hiện chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí (PVN), ngày 28.2.2011, ông Vũ Huy Quang, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực dầu khí (PVPower) và Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC), đã ký hợp đồng số 33 của dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. 
 
 
Tiếp tục xét hỏi về trách nhiệm cá nhân trong hợp đồng số 33, LS Nguyễn Văn Quỳnh hỏi bị cáo Trịnh Xuân Thanh: “Cáo trạng cho rằng bị cáo quanh co chối tội. Bị cáo có ý kiến gì không?”. Trả lời, bị cáo Thanh nhận trách nhiệm vai trò người đứng đầu khi không đọc hợp đồng số 33, nhưng không nhận tội cố ý làm trái và nói mình không quanh co chối tội.
LS lập tức mời điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) lên đối chứng. LS hỏi điều tra viên “có bằng chứng gì để chứng tỏ bị cáo Thanh quanh co?”. Điều tra viên cho biết theo quy định, sau khi hỏi cung bị can, điều tra viên cho bị can đọc lại và ký biên bản theo đúng nội dung lời khai... "Nội dung lời khai của bị can Trịnh Xuân Thanh không đúng với phần chúng tôi đã kết luận", điều tra viên C46 khẳng định.
 


3 lần thúc ép ký hợp đồng
Cáo trạng xác định hợp đồng EPC số 33 được lập, ký không đúng quy định pháp luật. Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 báo cáo PVN vẫn đang đàm phán và chưa đi đến thống nhất tỷ lệ tạm ứng hợp đồng với PVC, nhưng theo đề nghị của PVC, PVN đã căn cứ hợp đồng này, tạm ứng hơn 6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng cho PVC.
Trả lời câu hỏi của luật sư (LS) Nguyễn Thị Hoài Linh (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó tổng giám đốc PVN), ông Vũ Huy Quang nói PVN đã có đến 3 văn bản đốc thúc PVPower phải ký hợp đồng số 33 trước ngày 28.1.2011. Theo ông Quang, hợp đồng số 33 chỉ nhằm khởi công đúng tiến độ, ngoài ra không có mục đích nào khác. LS hỏi “hợp đồng này có giá trị pháp lý không?”, ông Quang đáp: “Hoàn toàn không có giá trị pháp lý”.
Lý giải về việc buộc phải ký hợp đồng khi chưa đủ điều kiện pháp lý, ông Quang nói do chịu sức ép của PVN. Khi đó, ông Nguyễn Quốc Khánh liên tục gửi văn bản yêu cầu hoàn thiện để ký hợp đồng. LS cũng hỏi thêm bị cáo Quang là ông Khánh có chỉ đạo ký hợp đồng thiếu căn cứ pháp lý không, thì bị cáo trả lời là “không”.
LS tiếp tục hỏi bị cáo Quang về trách nhiệm của người đứng đầu, bị cáo trả lời: tại phiên tòa có rất nhiều lời khai nói không biết về sự thiếu sót của hợp đồng số 33 cho đến ngày 30.5.2011 là hoàn toàn không đúng. Bởi trước đó, tại cuộc họp tổng thể của PVN ra mắt Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, thành phần có cả PVC và PVPower dự, ông Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị có liên quan như PVC, PVPower báo cáo những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai dự án. “Tại cuộc họp này, tôi đã nói rõ là hợp đồng này cực kỳ thiếu sót, chưa đủ cơ sở pháp lý, cần phải ký lại. Chính vì có báo cáo của tôi, ông Thăng đã đưa vào kết luận yêu cầu ban quản lý mới phải rà soát các điều khoản hợp đồng để ký hợp đồng mới”, ông Quang nói. Trước đó, LS hỏi bị cáo Nguyễn Quốc Khánh vì lý do gì những sai phạm của hợp đồng EPC số 33 đã không được báo cáo lên ban giám đốc một cách kịp thời, mà bị che đậy suốt một thời gian dài? Ai phải chịu trách nhiệm trong việc chậm trễ báo cáo này? Bị cáo Khánh trình bày: hợp đồng do PVPower ký trực tiếp với tổng thầu là PVC. Hợp đồng được ký kết dựa trên văn bản ủy quyền của HĐQT PVN ủy quyền cho HĐQT của PVPower thực hiện. “Qua sai sót của các đơn vị cấp dưới, bị cáo nhận thấy mình chưa kiểm tra giám sát để xảy ra việc ký hợp đồng số 33. Bị cáo tự nhận mình có phần trách nhiệm trong việc để xảy ra sai phạm, cảm thấy với tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, nên bị cáo nhận trách nhiệm về mình. Bị cáo cũng rất ăn năn và đã trao đổi với LS đề nghị gia đình nộp 2 tỉ đồng khắc phục hậu quả, để thể hiện tinh thần của bị cáo đối với sai sót của cấp dưới”, bị cáo Khánh nói. Bị cáo Đinh La Thăng chối việc chỉ đạo chuyển tiền
Trong phần xét hỏi tiếp theo, LS hỏi bị cáo Đinh La Thăng có biết hợp đồng 33 sai phạm hay không? Bị cáo trả lời: “Bị cáo chưa nhận được bất cứ văn bản báo cáo trực tiếp nào của PVPower về việc hợp đồng 33 không đủ điều kiện, thiếu căn cứ pháp lý”. Liên quan Công văn số 2120 ngày 20.5.2011 của Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 gửi PVN về việc xin tạm ứng hơn 6 triệu USD và 1.300 tỉ đồng, bị cáo Thăng trả lời việc tạm ứng tiền không thuộc trách nhiệm của HĐTV cũng như Chủ tịch HĐTV nên trong các văn bản đề nghị tạm ứng gửi lên bị cáo đều không giải quyết.
Đáng chú ý, thời điểm triển khai dự án, PVC vay của OceanBank 700 tỉ đồng với lãi suất 5,5%/năm, trong khi tại thời điểm đó lãi suất chung trên thị trường là 23%/năm. Khi được hỏi liệu có phải vì PVN góp vốn vào OceanBank nên PVC được vay ưu đãi, bị cáo Đinh La Thăng trả lời: “Đây không phải trách nhiệm của tôi, xin luật sư hỏi tổng giám đốc là anh Thực (bị cáo Phùng Đình Thực, cựu Tổng giám đốc PVN)”. Bị cáo Thăng nói thêm: “PVC là công ty thành viên hạch toán độc lập, phụ thuộc vào tính toán của bản thân doanh nghiệp để quyết định chứ PVN không quyết định thay”.
“Lệnh” giao bằng miệng, không làm phải “ra đi”
Tại cuối phiên xét xử hôm qua, LS tiếp tục hỏi các vấn đề để làm rõ tội danh tham ô tài sản đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và các bị cáo khác tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Quảng Trạch 1.
Bị cáo Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC, khai trong nhiều lần nhận chỉ đạo từ bị cáo Nguyễn Anh Minh (nguyên Tổng giám đốc PVC) về việc chuyển tiền về PVC để lập quỹ chi đối nội, đối ngoại thì bị cáo Minh đều nói đây là yêu cầu của bị cáo Thanh và bị cáo Thuận. Bị cáo Hòa khai thêm rằng tại PVC có văn hóa là những mệnh lệnh hành chính được giao bằng miệng mà nếu không làm thì “không thể tồn tại” ở PVC, thậm chí có thể mất việc. Bị cáo này cho biết khi nhận mệnh lệnh từ lãnh đạo cấp trên về việc chuyển tiền về tổng công ty (PVC) thì bằng mọi cách phải chuyển được tiền về.
Bị cáo Nguyễn Anh Minh trong phần trả lời sau đó thừa nhận những lời khai của bị cáo Lương Văn Hòa là đúng sự thật, song giải thích rằng trước khi chỉ đạo Hòa, bị cáo cũng nhận sức ép từ cấp trên là bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận. Khi được hỏi ý kiến về trả lời của các bị cáo Hòa và Minh, bị cáo Trịnh Xuân Thanh dẫn cáo trạng nêu 7 lần rút tiền chiếm hưởng của các bị cáo thì 5 lần đầu các bị cáo Minh, Hiển, Thuận và Hòa sử dụng 7 tỉ đồng trong thời gian từ ngày 12.7.2011 - 14.10.2011. “Theo lời khai của các bị cáo Hòa, Minh tôi nghe từ sáng tới giờ đều nói chung chung là bị cáo Thanh và bị cáo Thuận chỉ đạo, nhưng tôi xem trong cả 5 lần này không thấy hình bóng của mình đâu cả...”, bị cáo Thanh nói. Dù khẳng định lại sẽ đền bù khắc phục khoản tiền 4 tỉ đồng mà cáo trạng nêu, nhưng bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp tục nói mình không tham ô và đề nghị HĐXX xem xét các chứng cứ ngoại phạm của mình trong việc nhận tiền từ bị cáo Lương Văn Hòa cũng như các lời khai “quanh co” của bị cáo Minh, bị cáo Hiển và bị cáo Hòa.
 

 

Tác giả bài viết: Anh Vũ - Lê Hiệp

Nguồn tin: Theo Thanhnien.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây