Ngày 20.11, sau khi xét hỏi xong bị cáo Phan Văn Vĩnh, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa được mời lên bục khai báo để HĐXX thẩm vấn.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa bị VKS tỉnh Phú Thọ truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đứng trước tòa, bị cáo Hóa nói, Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm Công nghệ cao (C50) có 9 nhiệm vụ, trong đó Cục trưởng phải chịu trách nhiệm mọi mặt của C50
Chủ tọa đặt câu hỏi, ai là người đề xuất cho CNC là công ty nghiệp vụ của Bộ Công an.
Bị cáo Hóa khai đây là một vấn đề dài xin được trình bày như sau: Khi nhận được công văn về việc này, quân số của Cục chỉ có hơn 30 người, thiết bị chưa có, quan hệ chưa có... sau đó tập trung vào việc khác và lãng quên đi.
Tuy nhiên, khi cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ gọi lên hỏi C50 có chức năng bình phong không? Ông Hóa nói có. Lúc này, ông Ngọ bảo có đứa cháu xin về làm và ông Hóa đồng ý nhận về, hiện giờ đứa cháu vẫn đang ở C50.
“Sau đó một thời gian có gặp anh Vĩnh và anh Nguyễn Văn Dương ở Hàng Bài. Anh Vĩnh giới thiệu đây là anh Dương và rất yêu công nghệ và anh Dương sẽ phối hợp để làm công ty bình phong. Anh Vĩnh yêu cầu làm tờ trình để trình lên Tổng cục duyệt”, bị cáo Hóa trình bày.
Khi được giao như vậy, bị cáo Hóa nói đã họp và giao cho đồng chí trưởng phòng tham mưu tìm hiểu tất cả các quy định, các lực lượng đã làm về loại hình này. Sau đó đồng chí trưởng phòng tham mưu đó báo cáo lại là Bộ không có quy định cụ thể cho một đơn vị nào và không quy định chung.
“Tôi hỏi học tập các đơn vị khác, thì đồng chí đó bảo là bí mật. Ai làm thì người đó biết. Họ chỉ hướng dẫn ba cách. Thứ nhất là bỏ tiền ra, thứ hai là liên doanh, liên kết. Thứ ba là có thể lợi dụng sản phẩm trí tuệ của mình để đóng góp làm”, bị cáo Hóa khai.
Khi có ba cách như vậy, bị cáo Hóa hỏi về sản phẩm trí tuệ của C50 là gì thì được cấp dưới nói loại hình sản phẩm chống virus, loại hình bảo mật có thể đóng góp thành lập công ty bình phong.
Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi ai là người ký tờ trình số 1068 đề xuất thành lập Công ty nghiệp vụ? Ông Hóa thừa nhận do mình ký gửi cho ông Vĩnh.
Đối với văn bản 1185 ngày 14.9.2011 gửi ông Nguyễn Tiến Lực – Phó Tổng cục trưởng đề nghị xin phê và thành lập Công ty bình phong là ai ký? Bị cáo Hóa tiếp tục trả lời do ông ký.
Đối với văn bản 1186 ngày 14.9.2011 gửi ông Phan Văn Vĩnh cũng do bị cáo Hóa ký. Trong văn bản này thì có nói rằng góp 20% cổ phần và cử cán bộ tham gia.
Giải thích lý do tại sao tại việc đề nghị phê duyệt công ty bình phong có hai văn bản trong một ngày (gửi cho ông Nguyễn Tiến Lực và bị cáo Phan Văn Vĩnh - PV) trong đó có hai nội dung khác nhau.
Cụ thể, 1 văn bản đề nghị góp vốn 20 % và cử cán bộ tham gia, còn 1 văn bản thì chỉ ghi đóng góp chỉ là hình thức mà vẫn do bị cáo Hóa ký.
“Đầu tiên một văn bản gửi cho anh Nguyễn Tiến Lực là góp vốn bằng hình thức. Đây là sản phẩm trí tuệ nhưng nhìn lại không có sản phẩm trí tuệ nào cả nên tôi có báo cáo anh Vĩnh mà không báo cáo anh Lực. Việc báo cáo anh Vĩnh là báo cáo bằng góp vốn”, bị cáo Hóa nói.
Bị cáo có ký văn bản nào về thỏa thuận đối với đại diện CNC không? - Chủ tọa hỏi thêm.
“Từ trước đến nay chúng tôi chưa bao giờ ký bản thỏa thuận nào hay cam kết nào với Cty CNC mà chỉ là bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh”, bị cáo Hóa trả lời.
Bị cáo Hóa giải thích thêm do không rõ nên hỏi anh Võ Tuấn Dũng (đã mất) và được anh Dũng ví rằng giống như đi dạm ngõ, đặt chỗ dạm ngõ. Không có sự ràng buộc pháp lý nào cả. “Anh Dũng giải thích là ký hợp tác thì có thể thực hiện hoặc không thực hiện nên tôi đồng ý ký”, bị cáo Hóa nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: CAO NGUYÊN - NGÔ CƯỜNG
Nguồn tin: laodong.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn