Vụ án tại VN Pharma: Cục Quản lý dược vô can sao?

Thứ năm - 24/08/2017 22:27
(Phapluat News) - Đơn vị cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu thuốc giả là Cục Quản lý dược, cao hơn là trách nhiệm của Bộ Y tế, sao không bị xem xét trách nhiệm hình sự?!
Vụ án tại VN Pharma: Cục Quản lý dược vô can sao?

 

Phiên tòa xét xử các cán bộ - nhân viên Công ty CP VN Pharma (VN Pharma) buôn lậu, làm giả hồ sơ, nhập thuốc trị bệnh ung thư kém chất lượng đang diễn ra với nhiều tình tiết cho thấy ngành y tế đã buông lỏng công tác quản lý dược phẩm nhập khẩu.

"Dính" hàng loạt

Trong vụ này, có một đơn vị phải hiện diện tại tòa nhưng không thấy, đó là Cục Quản lý dược - Bộ Y tế.

Theo hồ sợ vụ án, toàn bộ giấy tờ như: FSC (giấy chứng nhận bán hàng tự do để được lưu hành thuốc trên thế giới), GMP (giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc) do Bộ Y tế Canada cấp và cả con dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada… đều là giả nhưng qua mặt hết những cán bộ trong Tổ Thẩm định thuộc Cục Quản lý dược.

Chính đơn vị này đã duyệt hồ sơ kỹ thuật giả mạo thuốc H-Capita (thuốc giả chống ung thư) chấp thuận cho VN Pharma nhập 200.000 hộp H-Capita 500mg Caplet, trong đó có 9.300 hộp đã nhập về Việt Nam.

Vụ án tại VN Pharma: Cục Quản lý dược vô can sao? - Ảnh 1.

Các bị cáo trong vụ án VN Pharma tại phiên tòa - Ảnh: QUỐC CHIẾN


Đáng chú ý nữa là, công văn do Cục trưởng Cục Quản lý dược ký ngày 30-12-2013 đồng ý cho phép VN Pharma nhập khẩu số thuốc nói trên thông qua nhà cung cấp là Công ty Austin (Hồng Kông) nhưng giấy phép hoạt động tại Việt Nam của công ty này đã hết hạn trước đó gần 2 tháng!

Liên quan vụ án, các cơ quan pháp luật đã nhắc tên hàng loạt cán bộ của Bộ Y tế sai phạm. Cụ thể là ông Nguyễn Tấn Đạt (Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược), ông Phạm Công Chiến (Trưởng Phòng Quản lý kinh doanh dược, Trưởng Phòng Pháp chế), bà Lê Thúy Hương (chuyên viên). Đây là những người trong Tổ Thẩm định, có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita 500 mg Caplet của VN Pharma.

Không chỉ mắc những sai phạm đã nêu, những người thẩm định ở Cục Quản lý dược còn không phát hiện cả những bất nhất trong hồ sơ về tên thuốc, hạn dùng, nhiệt độ bảo quản, thành phần dược tá...

Nhưng không bị xử lý hình sự

Thực tế, các cán bộ đó đã gây ra hậu quả cho xã hội, bởi cùng đợt nhập khẩu này, Cục Quản lý dược đã cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu 7 loại thuốc cùng đều do Công ty Helix Canada sản xuất. Thuốc đã lọt qua nhiều vòng thẩm định hồ sơ, được cấp số đăng ký, đã trúng thầu cung cấp cho nhiều bệnh viện lớn trong toàn quốc. Sau khi vụ việc bị phát hiện, Cục Quản lý dược mới cấm lưu hành 7 loại thuốc nói trên.

Điều này có nghĩa là hành vi cho phép nhập khẩu 7 loại thuốc kém chất lượng và cho phép lưu hành đã gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Dấu hiệu "thiếu trách nhiệm…"

Hôm 23-8, tại tòa, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng qua vụ án này cho thấy có những kẽ hở trong quản lý đối với ngành dược hiện nay. Ông nhấn mạnh bên cạnh việc mua bán thuốc giả, kém chất lượng, để lại hậu quả nặng nề cho người dân thì còn có sự tha hóa của các bác sĩ khi đưa tay nhận hoa hồng để kê đơn thuốc kém chất lượng đến tận tay người bệnh. Luật sư Tú kiến nghị Bộ Y tế cần phải chấn chỉnh ngay.

Là đại diện cơ quan chức năng của nhà nước, gác cửa cho toàn bộ hệ thống dược phẩm nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, nếu có đầy đủ tinh thần trách nhiệm, những người ở Cục Quản lý dược sẽ không để xảy ra vụ hàng ngàn hộp thuốc chữa ung thư chưa đủ chất lượng lọt qua được tổ thẩm định với nhiều quy trình, thủ tục với các trang thiết bị hiện đại ở Bộ Y tế.

Cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự các công chức mắc sai phạm của Bộ Y tế vì thiếu trách nhiệm gây ra mất lòng tin ở người dân chứ không phải kiểm điểm qua loa chỉ vì "trong quá trình khởi tố vụ án, điều tra vụ án do Cục Quản lý dược đã tích cực phối hợp, cung cấp tài liệu phục vụ điều tra" - như quan điểm của đại diện viện kiểm sát.

Bộ Y tế tuyên bố không bao che

Văn phòng Chính phủ chiều 24-8 có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Bộ Y tế có văn bản báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ trong vụ án tại VN Pharma, trình Thủ tướng trước ngày 31-8-2017.

Cùng ngày, Bộ Y tế cũng đã có văn bản khẳng định: Sau khi có phán quyết cuối cùng của tòa án, Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm khắc, theo đúng pháp luật, không bao che đối với những đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của bộ nếu có vi phạm. Bộ Y tế còn đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc các trường hợp đăng tải và phát tán thông tin sai sự thật và vô căn cứ làm ảnh hưởng uy tín của ngành y tế và Bộ trưởng Bộ Y tế.

 

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (ĐOÀN LUẬT SƯ TP HCM):

Phải truy cứu trách nhiệm!

Cục Quản lý dược được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát những hoạt động liên quan đến dược ở các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện lớn.

Liên quan đến việc nhập thuốc giả để trị bệnh ung thư thì trách nhiệm trước tiên thuộc về Cục Quản lý dược. Toàn bộ hồ sơ nhập khẩu thuốc phải qua Cục Quản lý dược, vậy mà cục để lọt hồ sơ, để thuốc giả vào Việt Nam rồi công khai đấu thầu ở các bệnh viện, dẫn đến việc người bệnh phải dùng thuốc giả thì trách nhiệm đầu tiên phải là cục này, không thể nói khác. Vì vậy, cơ quan điều tra cần phải điều tra xem có góc khuất nào hay không? Tại sao "con voi lại chui lọt lỗ kim"? Có cán bộ nào tiếp tay cho hành vi quá tàn độc của lãnh đạo VN Pharma hay không?

Hậu quả lớn nhất là người bệnh ung thư mua nhầm thuốc giả với số tiền lớn nhưng lại có thể mất đi sự sống, tức là "thủ phạm" đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.


Luật gia HUỲNH BÁCH - LƯU NHI DŨ

Tác giả bài viết: T.DŨNG - N.DUNG

Nguồn tin: NLĐO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây