Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ ba - 08/11/2022 05:16
Năm 2022, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến mạnh, đột phá, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế. Tuy nhiên, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để PCTN còn có những hạn chế; cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; ..
Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tiêu cực, tham nhũng

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, vừa phải phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhưng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nên công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

anh-2-1667894690.jpg
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tiêu cực, tham nhũng và dư luận quan tâm; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Trong đó, việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng: các Cơ quan điều tra đã thụ lý 687 vụ án, 1.439 bị can; đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can. Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 506 vụ/1.332 bị can; đã giải quyết 426 vụ/1.084 bị can. Tòa án Nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 577 vụ /1.399 bị cáo; đã giải quyết 533 vụ /1.272 bị cáo; trong đó đã xét xử 410 vụ/945 bị cáo. Công tác thi hành án đã thi hành xong 1.895 việc (tăng 290% so với năm 2021)…

Cần ngăn chặn 5 chiêu trò lách luật phổ biến trong hoạt động đấu thầu

Tham gia thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, đại biểu Nguyễn Thị Thủy Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XV cho biết, qua theo dõi các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian qua, có thể nhận diện 5 chiêu trò phổ biến để lách luật trong hoạt động đấu thầu: chia nhỏ gói thầu; cài cắm các điều khoản để chèn thầu quen; thiết lập liên minh quân xanh, quân đỏ để thông thầu; móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống gói thầu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu.

Đại biểu kiến nghị các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là với các sự việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm. Đồng thời, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo thực hiện chặt chẽ 6 công khai trong đấu thầu, bao gồm: công khai về điều kiện dự thầu; danh sách, năng lực của nhà thầu; điều kiện trúng thầu; quá trình chấm thầu; kết quả chấm thầu; kết quả giải quyết khiếu nại của nhà thầu.

Xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn. Cẩn trọng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Báo cáo kết quả công tác năm 2022, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, công tác của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có nhiều tiến bộ. Theo ông Trí, trong năm, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 81.756 vụ án hình sự, giảm 4,9% so với năm 2021.

Trong đó đã phát hiện, xử lý hình sự các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực chứng khoán với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường giảm 7,6%; tội phạm về trật tự xã hội giảm 2,9%; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, tổ chức đánh bạc và tội phạm ma túy xảy ra nhiều với quy mô rất lớn. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất 37,6%; đáng lưu ý, một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn, gây bất bình trong dư luận xã hội.

anh-3-1667894690.jpg
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí.

Cũng trong năm, toàn ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 148.478 nguồn tin về tội phạm (tăng 2,8%); ban hành 117.673 văn bản yêu cầu cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm (tăng 7,2%). Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm 1.617 cuộc tại cơ quan điều tra (tăng 23,2%)… Yêu cầu khởi tố 560 vụ án; ra quyết định hủy 94 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án không đúng pháp luật. Trực tiếp ra 18 quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra.

Viện kiểm sát tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; đã thu hồi gần 9.600 tỉ đồng.

Về công tác chỉ đạo của viện trưởng trong năm 2022, ông Trí cho hay đã xác định chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành. Viện trưởng đã chỉ đạo tập trung kiểm sát điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Cạnh đó thực hiện nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội, "trọng chứng hơn trọng cung", "án tại hồ sơ", không được suy diễn, chứng cứ đến đâu xử lý đến đấy. Cẩn trọng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho người vi phạm khắc phục hậu quả (theo quy định của pháp luật)...

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để phòng, chống tham nhũng tiêu cực

Trình bày các Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, UBTP nhận thấy, năm 2022, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến mạnh, đột phá với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm. Kết quả công tác PCTN đã tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được bạn bè quốc tế ghi nhận…

anh-4-1667894690.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày các Báo cáo thẩm tra tại phiên họp.

Về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, năm 2022, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, từng bước gắn kết đồng bộ giữa PCTN với phòng, chống tiêu cực; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực tiếp tục được quan tâm với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp; công tác đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch được tăng cường; đã xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng, xuyên tạc về tình hình và công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực; nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ tích cực chỉ đạo thực hiện…

Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng trong năm 2022: công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có bước đột phá mạnh mẽ; kết hợp giữa xử lý kỷ luật, hành chính của Đảng, Nhà nước với xử lý hình sự; cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra phát hiện, làm rõ nhiều sai phạm và thi hành kỷ luật đối với nhiều đảng viên vi phạm pháp luật về PCTN, tiêu cực; tổ chức bộ máy các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục được kiện toàn, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; các cơ quan chức năng đã làm rõ, khởi tố mới nhiều vụ án, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương quản lý; nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài và những hành vi tham nhũng trước đây ít được phát hiện như nhận hối lộ, đưa hối lộ… đã được khám phá, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời…

Tuy nhiên, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để PCTN còn có những hạn chế; một số quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất; cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý; một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế; công tác kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa tham nhũng chưa cao; chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu…

Đáng chú ý, Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục. Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Về công tác của ngành Kiểm sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận thấy, năm 2022, VKSND các cấp tiếp tục chú trọng và tăng cường công tác này. Nhiều biện pháp được thực hiện đạt kết quả tích cực hơn so với năm 2021 như: số cuộc kiểm sát trực tiếp tăng 23,2%; số kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm tăng so với năm 2021. VKSND các cấp đã kịp thời phát hiện, huỷ bỏ nhiều quyết định trái pháp luật của Cơ quan điều tra; ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và được tiếp thu, thực hiện vượt 19,4% chỉ tiêu Quốc hội giao. VKSND các cấp đã kịp thời phát hiện, huỷ bỏ nhiều quyết định trái pháp luật của Cơ quan điều tra; ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và được tiếp thu, thực hiện vượt 19,4% chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, vẫn còn 20 trường hợp bị đình chỉ trong giai đoạn điều tra, truy tố liên quan đến trách nhiệm của VKSND do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

Về công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận thấy, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm giảm mạnh so với năm 2021 và chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Có tới 30,4% tố giác, tin báo trong năm 2022 phải tạm đình chỉ (trong khi tỷ lệ trung bình của các cơ quan điều tra khác chỉ từ 13-14%). Còn 68,6% tố giác, tin báo tạm đình chỉ giải quyết từ năm 2020 đến nay chưa được phục hồi…

UBTP đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp chính quyền, xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong PCTN, tiêu cực. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Cùng với đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật;

UBTP đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện vi phạm, sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng...

Theo https://phaply.net.vn/tiep-tuc-hoan-thien-dong-bo-the-che-de-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-a256090.html
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây