Cải cách thể chế và môi trường kinh doanh đã giúp doanh nghiệp vượt cạn thành công, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2022

Thứ sáu - 25/11/2022 01:55
(Phản biện) – Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2022, doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với hàng loạt khó khăn thách thức: Đại dịch COVID-19 còn tiềm ẩn phức tạp; kinh tế thế giới phục hồi song còn nhiều rủi ro; trong nước lạm phát gia tăng; sức chống chịu của doanh nghiệp còn hạn chế… Thế nhưng nhờ Chính phủ quyết tâm cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp trong nước đã vượt qua khó khăn và đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế…
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội XV đã thông qua dự án luật đặc biệt
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội XV đã thông qua dự án luật đặc biệt
Một luật sửa 8 luật: Gỡ hàng loạt điểm nghẽn cho doanh nghiệp

Tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường thứ nhất (chiều 11/01/2022), Quốc hội XV đã biểu quyết chính thức thông qua một dự án luật đặc biệt, chưa từng có tiền lệ: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Việc ban hành một dự án luật điều chỉnh cả 8 luật, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát 252 văn bản pháp luật liên quan đến việc phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư, phát hiện một số quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, gây khó khăn cho việc triển khai dự án trong 19 văn bản (8 luật, 10 nghị định, 1 thông tư)... Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát 440 văn bản liên quan đến đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng và kinh doanh bất động sản, đã chỉ ra 30 văn bản có nội dung chưa thống nhất, đồng bộ, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp…

Trong đó có những bất cập rất lớn gây lãng phí rất nhiều các nguồn lực và thiếu hụt cung cầu về nhà ở, làm cho giá nhà ở tăng ảo. Điển hình như tại Điều 75 của Luật Đầu tư công và Điều 23 của Luật Nhà ở quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại của Luật Nhà ở còn có tình trạng phân biệt đối xử với các trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất, nhưng không phải là đất ở hoặc là không có một phần đất ở, dù chỉ là 1m2 thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngoài ra, các quy định này cũng không thống nhất với quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 29 của Luật Đầu tư và quy định về người sử dụng đất được quyền chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 52, 57, 58 của Luật Đất đai. Từ đó dẫn tới hơn 300 dự án nhà ở thương mại ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bình Dương bị đóng băng không giao dịch được…

Vì vậy việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi 8 luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật; khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, tình trạng khác biệt giữa các quy định của pháp luật đang được bộc lộ là rào cản đáng kể, làm chùn chân các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, cả trong thủ tục đầu tư và đầu tư công.

Trước thực trạng trên, Điều 75 Luật Đầu tư sửa đổi cho phép các nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất, gồm cả 3 loại đất gồm: đất ở; đất ở và các loại đất khác; các loại đất khác mà không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại theo phương thức chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư và không phải qua đấu giá, đấu thầu… Đối với Luật Đầu tư công sửa đổi, từ nay đối với dự án nhóm A của địa phương sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, chuyển thẩm quyền quyết định cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (thay vì Chinh phủ quyết định) tương tự như các dự án nhóm B, C…

Đặc biệt đối với Luật Doanh nghiệp 2020 sau khi sửa đổi một số điều cấp thiết, từ nay báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin không bắt buộc kiểm toán nhằm giảm bớt chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp. Điều kiện để các nghị quyết tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành…

Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh

Trong số 11 dự án Luật sửa đổi được Quốc hội khóa XV thông qua năm 2022, có thể nói Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã có tác động trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp trong nước năm 2022. Luật SHTT được Quốc hội thông qua năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019, là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ. Qua thực tiễn 16 năm thi hành, Luật SHTT đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý về SHTT, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. SHTT là yếu tố quan trọng quyết định tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế và quốc gia. Bởi quyền SHTT được bảo vệ, doanh nghiệp không chỉ được bảo hộ để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách an toàn, hợp pháp, mà còn có thể chuyển giao hoặc chuyển nhượng các độc quyền này cho các chủ thể khác để thu lợi, bảo đảm giá trị pháp lý đối với giá trị gia tăng.

Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ thúc đẩy DN thương mại hóa tài sản trí tuệ

Nhận thức được tầm quan trọng đó, doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng quan tâm xác lập quyền SHTT. Theo báo cáo của Cục SHTT, giai đoạn 2010-2021, có hơn 65.000 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, trên 5.000 đơn đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích, 31.000 đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, 480.000 đơn đăng ký nhãn hiệu cùng hơn 313.000 văn bằng được cấp. Trong số đó, năm 2021, chủ thể là doanh nghiệp chiếm 40,15% tổng số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế (tăng từ 30,47% của năm 2010) và chiếm 30% tổng số đơn đăng ký giải pháp hữu ích (tăng từ 25,6% năm 2010). Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, thực tiễn thi hành cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam cho thấy Luật SHTT còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định, cần được sửa đổi bổ sung để đáp ứng…

Theo đó tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2022, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Luật sửa đổi, bổ sung 102 Điều của Luật SHTT (trong đó sửa đổi, bổ sung 88 điều hiện hành, bổ sung 14 điều mới) và bãi bỏ 2 điều, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật khác có liên quan. Nội dung sửa đổi tập trung vào 07 nhóm chính sách lớn như: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp…

Đặc biệt, Luật SHTT 2022 được sửa đổi theo hướng quy định rõ ràng và chi tiết hơn với việc trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ ngân sách Nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì, qua đó nhằm khuyến khích biến các kết quả nghiên cứu thành các tài sản được bảo hộ quyền SHTT, tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này trên thị trường được hiệu quả hơn. Lần sửa đổi này mang tính toàn diện và sâu rộng nhất từ trước đến nay. Trong đó, các thay đổi liên quan đến các chế định bảo hộ nhãn hiệu là điều mà các doanh nghiệp quan tâm trước hết.

Liên quan đến nhãn hiệu, Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đã mở rộng việc bảo hộ đến nhãn hiệu âm thanh bên cạnh nhãn hiệu chữ, nhãn hiệu hình phù hợp với lộ trình cam kết đối với các FTA mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Các tiêu chí đánh giá các nhãn hiệu nổi tiếng, cũng như các căn cứ đề từ chối, hủy bỏ hay chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu cũng là những điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm và nắm được các quy định mới để vận dụng tốt nhất cũng như bảo hộ nhãn hiệu của mình.

Được biết, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật SHTT sửa đổi, Cục SHTT đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo kế hoạch mà trước mắt là việc sửa đổi một số Nghị định của Chính phủ như Nghị định số 103/2006/NĐ-CP về sở hữu công nghiệp, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP về quản lý nhà nước và bảo vệ quyền SHTT…

Tiếp tục cắt giảm các quy định liên quan đến kinh doanh

Sau gần 10 năm nỗ lực cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, Việt Nam luôn được coi là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới. Do đó, trong nhiều năm liên tiếp, các tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam luôn có bước cải thiện rõ rệt, được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức đánh giá quốc tế ghi nhận.

Một trong những yếu tố làm nên sự thay đổi đó là nhờ Chính phủ đã quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Mặc dù đến cuối năm 2021, về cơ bản, số lượng điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm hơn 50%. Nghĩa là, hàng ngàn điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không tiên liệu trước được hoặc can thiệp quá mức vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã được bãi bỏ hoặc đơn giản hóa. Tuy vậy, phần lớn những thay đổi đó nằm ở giai đoạn hoạt động của doanh nghiệp, nghĩa là khi DN triển khai các hoạt động kinh doanh cụ thể. Còn khi DN có ý tưởng đầu tư tới lúc quyết định bỏ tiền đầu tư dự án hay thành lập DN, các rào cản dù đã được nhắc đến, có đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhưng chưa thực sự được các cơ quan quản lý thực hiện rốt ráo. Đặc biệt, kể từ năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19, việc cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta có xu hướng chững lại, một số tiêu chí chưa bền vững, thậm chí bị giảm thứ hạng.

Ngay từ đầu năm2022, bên cạnh việc ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngày 6/4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ký Quyết định số 42/QĐ-BCĐCCHC ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo này. Mục tiêu của Kế hoạch là nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) trong công tác cải cách hành chính, tạo đột phá trong cải cách hành chính năm 2022.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, bảo đảm chỉ tiêu cắt giảm, đơn giản hóa số quy định, chi phí tuân thủ, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đạt ít nhất 10%. Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 01/6/2022, tại Bộ phận Một cửa cấp huyện từ ngày 01/12/2022…

Trong khi đó với nhiệm vụ cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Hướng xử lý được xác định là thu hẹp phạm vi một số ngành nghề; đưa ngành nghề ra khỏi danh mục nếu có biện pháp quản lý khai thác hiệu quả hơn. Cùng với đó là kiểm soát việc đề nghị bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh mới.


Thực hiện việc số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh và cấp huyện từ năm 2022
 

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 10/2022, cả nước có 125.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.379,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 835.000 lao động, tăng 34,3% về số doanh nghiệp, tăng 5,7% về vốn đăng ký và tăng 18% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. 

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng năm 2022 đạt 11 tỷ đồng. Nếu tính cả 2.794,1 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 42.600 lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng năm 2022 là 4.173,3 nghìn tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, có 52.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2022 lên gần 178.500 doanh nghiệp, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 17.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Đến cuối tháng 10, có 19 tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước hoàn thành vượt mức các mục tiêu theo kế hoạch đề ra cho cả năm nay. Trong đó có hơn một nửa các doanh nghiệp nhà nước đã đạt mức tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không chỉ đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng cho quốc gia, mà còn đạt doanh thu gần gần 700.000 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2022, cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

Một dấu ấn quan trọng của dòng vốn FDI trong 10 tháng qua là vốn tăng thêm rất tích cực, khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Theo đó số lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 142%, cao hơn mức tăng trưởng 13,4% trong 9 tháng. Quy mô điều chỉnh vốn bình quân đạt hơn 9,9 triệu USD/lượt điều chỉnh, cao hơn so với con số 9,1 triệu USD/ lượt điều chỉnh của cùng kỳ năm 2021.

Trong 10 tháng qua có nhiều dự án FDI có quy mô lớn đã tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Điển hình là Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 2 lần 920 triệu USD và 267 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng trên 841 triệu USD; Dự án Nhà máy Chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD…

Nhờ sự tăng trưởng của doanh nghiệp, đã góp phần đưa nền kinh tế - xã hội nước ta trong 10 tháng tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh với nhiều điểm sáng, nổi bật là kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Đặc biệt là GDP ước cả năm 2022 tăng trưởng 8%, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.


Năm 2023, không để tinh thần kinh doanh nguội lạnh

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 tháng năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 66.400 doanh nghiệp; 40.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 15.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có 12.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong khi đó mục tiêu của Quốc hội đặt ra tại Nghị quyết 31/2021/QH15, phấn đấu đến năm 2025 cả nước khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tối thiểu có 05 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế…

Từ thực trạng đó, đòi hỏi năm 2023 và những năm tiếp theo tinh thần cải cách môi trường kinh doanh, cải cách thể chế phải tiếp tục được “hâm nóng”, không để “nguội lạnh”, nếu như muốn gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động hoặc hạn chế số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

+ Để thực hiện mục tiêu trên, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục, một việc hết sức quan trọng là Chính phủ tập trung ưu tiên hơn cho các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới nhằm giúp các doanh nghiệp này có thể trụ vững và phát triển trên thị trường. Các thể chế, môi trường kinh doanh này sẽ tác động rất lớn đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội của doanh nghiệp. Chỉ với những thể chế được cải cách, môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng và thuận lợi sẽ là những yếu tố cơ bản không thể thiếu để doanh nghiệp phục hồi kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững. 

+ Tỷ lệ các doanh nghiệp quy mô lớn của nước ta vẫn còn thấp, chỉ khoảng 2,6%, trong khi có tới 94% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề trong phát triển, nhất là về quy mô. Việc thiếu vắng lực lượng các doanh nghiệp có quy mô đủ lớn đã khiến Việt Nam khó tiếp cận các công nghệ mới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chưa tận dụng được lợi thế về quy mô, khiến năng suất lao động còn thấp. Hơn bao giờ hết, đây chính là thời điểm doanh nghiệp cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương trong việc cải cách quy định, thủ tục, dỡ bỏ rào cản để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch còn tiềm ẩn.

+ Để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách về thể chế về hỗ trợ thị trường, tiếp cận nguồn lực nhằm giúp các doanh nghiệp phát triển hơn nữa tinh thần kinh doanh, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động. Áp lực cải cách cần được tạo ra thường xuyên, nói đến nhiều lần, nhiều nơi một cách chi tiết và cụ thể. Bên cạnh đó, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương dành thời gian nhiều hơn, tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để tạo thói quen trong việc liên tục nắm bắt những vấn đề, rào cản của doanh nghiệp trong lĩnh vực mình được theo dõi, quản lý để nhìn nhận và kịp thời tháo gỡ, giảm bớt tầng nấc trung gian…

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây