Nhà báo phải học cách sinh tồn như linh dương trên đồng cỏ châu Phi

Thứ ba - 20/06/2017 21:23
(PL News) - Bất kỳ ai trong chúng ta với chiếc điện thoại thông minh, có kết nối internet đều có thể thành một nhà báo công dân, một nguồn phát thông tin trong ma trận tin tức. Chưa bao giờ chúng ta thấy báo chí chính thống, nhất là báo điện tử, phải chạy đua với cơn bão thông tin từ mạng xã hội quyết liệt như bây giờ.
Nhà báo phải học cách sinh tồn như linh dương trên đồng cỏ châu Phi

Thời đại của “báo chí tăng cường”

7 giờ sáng ngày 4.6, khi ngủ dậy và tắt chuông báo thức trên điện thoại, tôi đã nhận được thông báo cô em họ đánh dấu an toàn trên ứng dụng của Facebook để bạn bè và người thân yên tâm trong cuộc tấn công khủng bố ở khu nhà em tôi sống ở London. Tôi bàng hoàng vội Google tin tức xem thực hư thế nào trước khi hỏi thăm dù trong tiềm thức nghĩ rằng báo chưa kịp đưa tin. Trên màn hình cho ngay ra kết quả tìm kiếm The Guardian, The Independent và 1 vài tờ báo khác đã cập nhật bài tin rất ngắn cách đó khoảng 7 phút.

 nha bao phai hoc cach sinh ton nhu linh duong tren dong co chau phi hinh anh 1
TS Phạm Hải Chung - giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền - tiến sĩ chuyên ngành truyền thông tại Anh quốc. Ảnh: NVCC

Trong vụ 11.9.2001, những hình ảnh đầu tiên về vụ nổ toà tháp đôi của CNN thu được là từ những nạn nhân chứng kiến. Ngay sau đó CNN nhận ra tầm quan trọng của nhà báo công dân và họ đã có mục Ireport. Chúng ta dần chứng kiến thế hệ công chúng mới không còn phải ngồi chờ trước màn hình tivi vào giờ cố định để xem tin tức, hay các tiết mục giải trí. Họ cũng không cần đánh tên miền của các tờ báo mạng để đọc tin tức. Họ xem, đọc và tương tác trên mạng xã hội.

Theo một nghiên cứu của Pew 2013, 72% người lớn tiếp nhận tin tức từ bạn bè và gia đình, trong đó thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Chính vì vậy các nhà báo đang chuyển sang phương tiện truyền thông xã hội để thu thập thông tin, tìm kiếm nguồn tin và thu hút khán giả. Paul Bradshaw thuộc Đại học Birmingham City, hiện đang giảng dạy thạc sĩ báo chí đa nền tảng và báo chí di động, cho rằng các cuộc chiến thông tin đã tạo ra ngày càng nhiều "báo chí tăng cường" (augmented journalism) như các tổ chức tin tức phát triển trên nền tảng mạng xã hội và các ứng dụng công nghệ như một vũ khí chống lại.

Ví dụ như một số tờ báo phát triển các “tạp chí tương tác” với bạn đọc dựa trên các ứng dụng mới của công nghệ, hay thực tế ảo. Nếu trước đây các tờ báo in có thể vẽ tranh biếm hoạ để thu hút độc giả hơn thì trong kỷ nguyên số này, các ứng dụng cho thực tế tăng cường hay đồ họa được tận dụng ở một số tờ báo đi đầu. Ranh giới giữa nền tảng chính thức và nền tảng mạng xã hội đang bị xâm chiếm. Nowthisnews là một ví dụ, có khoảng hơn 11 triệu người theo dõi tin tức trên facebook. Báo chí trên thế giới đã tham gia vào thời kỳ đa nền tảng. Hầu hết các hãng truyền hình đều có kênh trên YouTube, các trang báo mạng điện tử đều có Fanpage. Nhiều nhà báo ở Việt Nam trở thành người định hướng dư luận (KOLs – Key Opinion Leaders), cổng phát tán các tin tức cho bài viết và tờ báo của mình.

Bởi một bài viết hay chia sẻ của một facebooker hay blogger nổi tiếng có thể có lượng người đọc và tương tác cao hơn cả 1 tờ báo bình thường. Đó là sự thật. Bởi họ chính là bộ lọc thông tin nóng cho bạn đọc.

Ranh giới giữa báo chí đẳng cấp - thương mại sẽ ngày càng rõ

Việt Nam đang có khoảng 40 triệu tài khoản facebook. Đây chính là nhóm công chúng lý tưởng cho thời đại báo chí đa nền tảng khai thác. Nhiều tờ báo phải đóng cửa chỉ bởi vì họ không thể cạnh tranh, nhưng ngược lại nhiều tờ báo biết tận dụng thì đây lại là thời kỳ vàng. Ranh giới giữa báo chí đẳng cấp, tin tức được công chúng trả tiền và báo chí thương mại hay câu view cũng sẽ ngày càng rõ ràng.

“Tin tôi đi, dù nhiều nhà báo không thích gì việc trở nên lệ thuộc vào mạng xã hội, nhưng Internet đã được ví như đồng cỏ châu Phi. Vì thế, họ sẽ phải học cách sống chung và sinh tồn như chú linh dương mỗi sáng thức dậy và tận dụng lợi thế trong cạnh tranh với nó”.

Tin tôi đi, dù nhiều nhà báo không thích gì việc trở nên lệ thuộc vào mạng xã hội, nhưng Internet đã được ví như đồng cỏ châu Phi. Vì thế, họ sẽ phải học cách sống chung và sinh tồn như chú linh dương mỗi sáng thức dậy và tận dụng lợi thế trong cạnh tranh với nó. Mạng xã hội đã trở thành một phần quan trọng trong nghề nghiệp của nhà báo. Tuy nhiên, hãy coi mạng xã hội là một nguồn mở để tìm kiếm tin tức và là công cụ mới để tiếp cận nhiều công chúng hơn. Mặt trái của mạng xã hội lại là nền tảng dễ phát tán tin giả và làm cho công việc kiểm chứng thông tin của nhà báo vất vả hơn.

Nghiên cứu mới nhất của hãng thông tấn AP về cuộc sống của một phóng viên vào năm 2027 đã khẳng định rằng, công việc mất hàng tuần hay hàng tháng của một nhóm phóng viên điều tra ngày nay có thể chỉ cần một ngày với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo.

Một viễn cảnh mới về làm tin, đưa tin và tương tác trên các nền tảng sẽ còn thay đổi rất nhiều.

Tác giả bài viết: TS Phạm Hải Chung

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây