Sau khi Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) đề xuất xóa sổ xăng A95, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao đề xuất này và cho hay sẽ báo cáo Chính phủ xem xét.
Tuy nhiên, PGS-TS Huỳnh Quyền (ảnh), nhà nghiên cứu nhiều năm về nhiên liệu sinh học (NLSH), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cảnh báo: Nếu thiếu cơ sở mà đã vội vàng khai tử xăng A95 (95% RON95 cộng thêm 5% ethanol) sẽ tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững trong lộ trình ứng dụng loại nhiên liệu này và sẽ có những tác động không nhỏ đến sự phát triển ổn định kinh tế Việt Nam.
Khai tử xăng A95 là thiếu cơ sở
. Phóng viên: Từ đầu năm 2018, xăng sinh học E5 (95% là RON92 cộng thêm 5% ethanol) được bán đại trà trên phạm vi toàn quốc. Ông đánh giá thế nào về tình hình tiêu thụ loại xăng này?
+ PGS-TS Huỳnh Quyền: Theo những thông tin mà tôi nắm được, thời gian qua việc triển khai bán đại trà xăng E5 là chưa thành công. Do vậy các cơ quan chức năng, nhà kinh doanh, nhà cung cấp nhiên liệu nên tìm câu trả lời vì sao người tiêu dùng không muốn mua hoặc ngại sử dụng loại xăng này.
. Trong bối cảnh người dân còn hoài nghi về chất lượng xăng sinh học E5 mà lại đề nghị loại bỏ xăng A95 ra khỏi thị trường, thay vào đó chỉ cho phép bán xăng sinh học. Ông nhìn nhận gì về đề xuất này?
+ Tôi cho rằng việc khai tử A95 có thể sẽ tạo ra dư luận không tốt, thiếu ủng hộ từ người dùng. Việc dự định tiếp tục khai tử xăng A95, thay bằng E5RON95 đáng lẽ ra phải xuất phát từ sự thành công của E5 chứ không phải từ sự “chưa thành công” của xăng E5.
. Nhưng doanh nghiệp cho rằng đề xuất loại xăng A95 ra khỏi thị trường là ý tưởng không mới mà thực chất chỉ là thực hiện sớm lộ trình của Chính phủ?
+ Theo tôi biết, trong đề án NLSH và lộ trình áp dụng tỉ lệ pha trộn loại nhiên liệu này với nhiên liệu truyền thống không đề cập một cách cụ thể đến loại bỏ hoàn toàn xăng khoáng A95 mà chỉ nêu “từng bước tăng dần tỉ lệ pha trộn E5, E10RON92 đối với nhiên liệu xăng…”. Văn bản số 255 của Chính phủ nói rất rõ về việc này.
Do vậy việc quyết định khai tử xăng truyền thống cần phải cân nhắc thật kỹ. Nó phải được dựa trên những kết quả khảo sát thực tế như phương tiện giao thông đang lưu hành tại Việt Nam. Đồng thời cần phải tham khảo ý kiến của các nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông có sử dụng nhiên liệu xăng tại Việt Nam; khảo sát người sử dụng xăng E5 xem họ nói gì, đang gặp vấn đề gì.
Trong bối cảnh người tiêu dùng đang có sự hoài nghi đối với chất lượng xăng sinh học E5 mà lại đề xuất sử dụng thêm xăng sinh học E5A95 sẽ khiến người tiêu dùng bất an. Ảnh: TÚ UYÊN
Lắng nghe người dùng, nhà sản xuất xe
. Điều này có nghĩa thời gian qua xăng E5 vẫn chưa được bảo chứng từ các nhà sản xuất ô tô, xe máy?
+ Đứng trên góc độ kỹ thuật, việc pha chế 5% NLSH ethanol (E100) vào xăng khoáng là hoàn toàn có thể sử dụng cho động cơ sử dụng nhiên liệu xăng truyền thống, không có sự thay đổi nào. Tuy nhiên, chúng ta cần có sự khảo sát ý kiến đánh giá từ người dùng trong suốt thời gian triển khai bán xăng sinh học vừa qua. Nếu xảy ra những vấn đề về kỹ thuật thì phải giải đáp rõ ràng, khoa học với chủ phương tiện, từ đó sẽ giúp họ hiểu hơn về xăng sinh học.
. Ông có cho rằng khi xăng E5 chưa được người dân chào đón mà lại tiếp tục đưa mặt hàng xăng sinh học mới vào là quá hấp tấp, bắt ép người dân?
+ Tôi cho rằng với sự ra đời của E5 thời gian qua, chúng ta cần có những khảo sát đánh giá một cách có khoa học, thực tế để làm cơ sở cho việc triển khai một loại nhiên liệu mới E5RON95. Khi thực hiện được điều này và khi E5 thực sự có sức cạnh tranh với A95 thì lúc đó việc thay đổi hay khai tử A95 cũng chưa muộn.
Trả lời tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3-5 về đề xuất khai tử xăng RON95, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ Công Thương sẽ tập hợp, báo cáo Chính phủ vấn đề này với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, cạnh tranh trên thị trường. Nếu áp dụng bán tất cả xăng sinh học sẽ không ảnh hưởng đến những vấn đề trên thì không có vấn đề gì. |
Người mua được quyền lựa chọn
. Kinh nghiệm triển khai bán xăng sinh học ở các nước như thế nào, thưa ông?
+ Có thể nói đến nay Brazil là quốc gia duy nhất thành công trong việc sản xuất và ứng dụng NLSH. Còn hầu hết các nước phát triển khác, NLSH và nhiên liệu dầu mỏ truyền thống luôn luôn tồn tại một cách hài hòa.
Nói cách khác, sự phát triển NLSH vẫn đang trên lộ trình. Chẳng hạn đến nay ở Thái Lan, NLSH đã thay thế được một phần cho nhiên liệu truyền thống. Tuy nhiên, quyền lựa chọn mặt hàng nào, xăng sinh học hay xăng khoáng 100% là quyền của người dùng.
Còn tại Pháp, khi triển khai NLSH E7, họ đã thực hiện khảo sát một cách cụ thể thực trạng phương tiện giao thông trên toàn quốc gia, dựa vào đó họ mới triển khai NLSH.
. Liệu đó có phải là bài học tốt cho các nhà kinh doanh, cơ quan hữu quan của Việt Nam?
+ Tôi nghĩ đó là những kinh nghiệm quý báu để chúng ta triển khai chương trình NLSH tại Việt Nam theo cách bền vững, không nóng vội đốt cháy giai đoạn. Từ đó hạn chế tối đa những hậu quả, sự biến động lớn.
Nói cách khác là cần phải có sự đồng thuận từ người dùng, sự cam kết của nhà cung cấp, sản xuất phương tiện giao thông. Đồng thời phải có các bộ tiêu chí về kỹ thuật của loại NLSH được hoàn thiện và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Có như vậy mới đáp ứng được mục tiêu cũng như chỉ đạo rất đúng đắn của Chính phủ đã đề ra trong lộ trình đưa NLSH vào sử dụng tại Việt Nam.
. Xin cám ơn ông.
Đi ngược với nguyên tắc thị trường Việc đề xuất khai tử xăng A95 và chỉ dùng xăng sinh học là bất hợp lý, mang tính áp đặt lên người tiêu dùng, đi ngược với nguyên tắc thị trường. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, tác động đến mọi mặt của đời sống. Đây là mặt hàng đang được điều hành theo thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhưng Nhà nước luôn tôn trọng quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Cho nên đề xuất chỉ bán xăng sinh học bị dư luận phản ứng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh người tiêu dùng đang có sự hoài nghi đối với chất lượng và giá bán xăng sinh học E5, doanh nghiệp lại đề xuất sử dụng thêm xăng sinh học E5A95 là thêm một lần nữa người tiêu dùng thật sự bất an. Dù chỉ pha trộn 5% ethanol nhưng ai kiểm soát chất lượng, công đoạn pha trộn ra sao? Việc sử dụng xăng E5 có ảnh hưởng tới động cơ hay không còn phải chờ thời gian kiểm chứng nhưng thực tế khó kiểm soát các khâu pha trộn xăng khoáng và ethanol. Ngoài ra, liệu có lợi ích nhóm trong đề xuất trên hay không? TS NGÔ TRÍ LONG, chuyên gia kinh tế TRÀ PHƯƠNG ghi |
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn