Vụ đất rừng Sóc Sơn: Thanh tra xong, vi phạm có hết?

Thứ sáu - 22/03/2019 21:10
Thanh tra TP.Hà Nội đã công bố cùng lúc 2 kết luận thanh tra liên quan đến đất rừng Sóc Sơn, nhưng liệu có tái diễn cảnh thanh tra xong vi phạm vẫn còn nguyên?
Vụ đất rừng Sóc Sơn: Thanh tra xong, vi phạm có hết?
'Rừng phòng hộ Sóc Sơn đang bị xẻ ngang dọc bởi hàng trăm công trình
 Ảnh: Lê Quân'

Sau thanh tra vi phạm còn nhiều hơn

Thanh tra việc thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ (TTCP) từ năm 2006, Thanh tra TP.Hà Nội cho biết sau kết luận của TTCP, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và UBND TP.Hà Nội, UBND H.Sóc Sơn đã tổ chức kiểm điểm, dừng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2004 và công bố công khai quy hoạch rừng năm 2008. Tuy nhiên, các hành động này hầu như chỉ mang tính đối phó. Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trong một lần đề cập đến vi phạm ở Sóc Sơn cũng nhấn mạnh: vấn đề kéo dài là do xử lý cán bộ xong nhưng vi phạm vẫn còn đấy.
Đơn cử, cho đến thời điểm này, UBND H.Sóc Sơn vẫn chưa thu hồi 2/10 sổ đỏ cấp không đúng đối tượng được nêu trong kết luận thanh tra. Chủ sử dụng 2 thửa đất trên đã chuyển nhượng, sau đó UBND H.Sóc Sơn, Văn phòng Đăng ký đất và nhà Hà Nội chi nhánh Sóc Sơn thậm chí còn làm thủ tục cấp đổi sổ đỏ cho người mua vào năm 2009 và 2017.
Theo kết luận thanh tra, UBND huyện cũng ban hành 63 quyết định và thông báo thu hồi sổ đỏ nằm trong quy hoạch rừng, nhưng thực tế chưa thu hồi, khiến các hộ vi phạm vẫn sử dụng đất để ở. Thêm vào đó, mặc dù ra quyết định hiệu chỉnh 115 trường hợp cấp vượt hạn mức, nhưng thực chất chỉ hiệu chỉnh 20 sổ đỏ.
Chính quyền Sóc Sơn còn để xảy ra hiện tượng hộ dân phải hiệu chỉnh sổ đỏ từ 3.856 m² đất ở xuống 400 m² chuyển nhượng cho các hộ khác để tách ra nhiều sổ đỏ khác nhau như hộ bà Ngô Thị Loan (xã Minh Phú) đã chuyển nhượng cho 4 hộ khác.
UBND H.Sóc Sơn cũng không kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý đối với 336 trường hợp chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng theo kết luận của TTCP. Sau khi có quy hoạch rừng phòng hộ vào 2008, UBND H.Sóc Sơn cũng không thống kê, rà soát, để phát sinh nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất nằm trong quy hoạch rừng, làm tình hình phức tạp hơn, đặc biệt là khu vực ven hồ Đồng Đò, hồ Đồng Quan và khu vực lâm trường Sóc Sơn.
Hầu hết các trường hợp mua bán, chuyển nhượng đều không có giấy tờ sử dụng đất nhưng vẫn được UBND xã chứng thực, xác nhận vào hợp đồng.

Vẫn tồn tại gần 800 công trình vi phạm

Đối với việc xử lý công trình vi phạm đất rừng Sóc Sơn, UBND H.Sóc Sơn đã không tổ chức xử lý 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp theo kết luận của TTCP và chỉ đạo của UBND TP. Thậm chí, sau khi thanh tra, các công trình vi phạm vẫn tiếp tục mọc lên, nhiều công trình xây dựng với quy mô lớn trong quy hoạch rừng phòng hộ. Đến năm 2017, UBND H.Sóc Sơn mới kiểm tra, rà soát và xác định có 555 công trình vi phạm, nhưng không kiên quyết xử lý, đến nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý.   Thanh tra TP cho rằng thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong khu vực quy hoạch rừng đến thời điểm hiện tại có 797 công trình vi phạm.
Cũng giống như các vi phạm xảy ra trên toàn H.Sóc Sơn, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất rừng tại 2 xã Minh Trí và Minh Phú vẫn tràn lan với 659 trường hợp (475 trường hợp và Minh Phú 184 trường hợp). Trên địa bàn 2 xã này đã có 688 trường hợp các hộ dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình, nhà ở trên đất nhưng không được kiểm tra, xử lý.
Ngoài các trường hợp vi phạm lớn mà Thanh Niên đã đưa tin như hộ ông Ngô Văn Cam, nhà ca sĩ Mỹ Linh, Hoàng Lê Gia Garden... tại khu vực hồ Đồng Quan, Đồng Đò Hàm Lợn cũng có 111 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình kiên cố trên đất rừng.
Đơn cử, hộ ông Hoàng Trọng Nguyên (nhà hàng Ngọc Linh) đã sử dụng hơn 10.000 m² thuộc đất Lâm trường Sóc Sơn giao khoán bảo vệ phát triển rừng và 3.600 m² mặt nước do UBND xã Quang Tiến giao thầu và xây trên đó 21 hạng mục công trình với diện tích 2.800 m², trong đó
5 công trình kiên cố từ 2 - 4 tầng. Hộ ông Nguyễn Tiến Thành (nhà hàng Hương Tràm) đã sử dụng 9.342 m² thuộc đất Lâm trường Sóc Sơn, diện tích xây dựng 500 m² gồm 12 công trình, trong đó có 1 nhà bê tông 65 m² xâm phạm lòng hồ.
Khu vực hồ Kèo Cà có hộ ông Nguyễn Văn Hùng được Sở TN-MT cấp sổ đỏ diện tích hơn 1.608 m² (400 m² đất ở, còn lại là đất vườn) nhưng ông Hùng đã sử dụng hơn 2.680 m², trong đó có một phần diện tích nằm trong quy hoạch rừng năm 2008, xây dựng 8 công trình tổng diện tích 433 m² trong đó có một nhà 137,6 m² xâm phạm lòng hồ.

Lo ngại lặp lại “chu kỳ 5 năm”

Trao đổi với Thanh Niên chiều 22.3 về kết luận thanh tra đất rừng Sóc Sơn, đặc biệt là việc vắng bóng các công trình vi phạm lớn cũng như giải pháp giải quyết dứt điểm tình hình, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng ông không bất ngờ về kết luận này. Đó là vì Thanh tra TP.Hà Nội thực hiện sẽ có những mắc mứu riêng và sẽ không thể đưa ra giải pháp quyết liệt. Theo ông, cần thiết phải có sự chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT vì đây là vấn đề liên quan đất rừng.

Bình luận về việc Thanh tra TP.Hà Nội lại kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND H.Sóc Sơn có giải pháp cho các công trình vi phạm đất rừng Sóc Sơn trước giai đoạn 2017 - 2018 (các công trình vi phạm lớn đều trong diện này), GS Võ cho rằng Hà Nội có thể sẽ lại lặp lại “chu kỳ 5 năm” như trước đây với Sóc Sơn - phát hiện vi phạm nhưng không xử lý dứt điểm, để vi phạm nặng hơn, lại thanh tra, kỷ luật nhiều cán bộ hơn nhưng vi phạm vẫn còn đấy. “Kết luận của TTCP có rồi, tôi cho rằng hãy thực hiện dứt điểm kết luận đó đi để cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật”.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Để xảy ra các vi phạm ở đất rừng Sóc Sơn, Thanh tra TP.Hà Nội xác định trách nhiệm thuộc về các cán bộ và cơ quan chức năng từ cấp xã trở đi. Đó là chủ tịch, các phó chủ tịch phụ trách đất đai tại các xã; Trưởng phòng TN-MT H.Sóc Sơn, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất và nhà H.Sóc Sơn; Đội trưởng Đội thanh tra xây dựng H.Sóc Sơn; Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện; Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn; Văn phòng Đăng ký đất và nhà Hà Nội chi nhánh Sóc Sơn và Chủ tịch UBND H.Sóc Sơn; Giám đốc Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Sóc Sơn; Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển thủy lợi Hà Nội; chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng; trách nhiệm của Sở NN-PTNT, Sở TN-MT trong công tác quản lý nhà nước về đất đai (giai đoạn từ 2008 đến nay).

Nguồn tin: thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây