Sở Y tế tỉnh Cà Mau vừa có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua thuốc tập trung để sử dụng năm 2019. Theo phê duyệt này, mặt hàng dịch lọc thận trúng thầu lần này (của hãng Braun) có giá 110.000 đồng/can. Trong khi tháng 8-2018, BV đa khoa tỉnh Cà Mau tự đấu thầu dịch lọc thận cũng cùng hãng Braun nhưng có giá đến 172.000 đồng/can.
Giá chênh nhau đến 156%
Như chúng tôi từng phản ánh, tháng 8-2018, BV đa khoa tỉnh Cà Mau đấu thầu lại dịch lọc thận mặc dù tỉnh đã đấu thầu tập trung trước đó và đang còn trong thời hạn thực hiện hợp đồng với nhà cung cấp.
Cụ thể, tháng 1-2018, Sở Y tế Cà Mau có kết quả đấu thầu mua thuốc tập trung để các cơ sở y tế của tỉnh sử dụng trong năm. Mặt hàng dịch lọc thận của Công ty Dược Bình Định trúng thầu với giá cho loại A là 149.000 đồng/can và loại B là 135.000 đồng/can (loại 10 lít). Theo hợp đồng, Công ty Dược Bình Định sẽ cung cấp cho Sở Y tế Cà Mau các loại dịch trên trong 18 tháng.
Đến tháng 8-2019, khi vẫn còn hợp đồng với Công ty Dược Bình Định, BV đa khoa tỉnh Cà Mau đã tổ chức đấu thầu lại loại dịch này vì cho rằng dịch lọc thận của Công ty Dược Bình Định không tương thích với máy lọc thận của bệnh viện sử dụng.
Lần này Công ty Lọc thận Việt Nam đã trúng thầu với giá can loại A và loại B cùng mức 172.000 đồng/can. Giá này cao hơn giá trúng thầu của Công ty Dược Bình Định: Với can loại A cao hơn 23.000 đồng, can loại B cao hơn 37.000 đồng.
Trong khi đó, ngày 13-8, Sở Y tế Cà Mau ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thuốc trong mua sắm tập trung, trong đó dịch lọc thận cả hai loại A và B (của hãng Braun) trúng đồng giá 110.000 đồng/can.
Như vậy, cùng dịch lọc thận của hãng Braun do Công ty cổ phần Lọc thận Việt Nam cung cấp nhưng ở BV đa khoa tỉnh Cà Mau có giá trúng bằng 156% so với giá của Sở Y tế tỉnh Cà Mau phê duyệt (172.000 đồng/110.000 đồng).
Bệnh nhân chạy thận ở BV đa khoa tỉnh Cà Mau sử dụng dịch lọc Braun đồng bộ với hệ thống máy lọc do chính Braun sản xuất. Ảnh: TRẦN VŨ
Lãnh đạo Sở Y tế, BV đa khoa Cà Mau nói gì?
Lý giải về sự chênh lệch mức giá trên, ông Bùi Đức Văn, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Cà Mau, cho biết: “Cùng là dịch lọc thận của hãng Braun nhưng có thể khác nhau về loại dịch lọc, có hàm lượng hóa chất khác nhau. Thời điểm đấu giá cũng khác nhau, cho nên không so sánh thế được”.
8.474 là số lần bệnh nhân chạy thận ở BV đa khoa tỉnh Cà Mau trong năm 2018. Chi phí cho lần chạy thận năm 2017 là 524.000 đồng/lần, năm 2018 là 543.000 đồng/lần. (Theo biên bản thẩm định nguyên nhân vượt nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT năm 2018 tại BV đa khoa tỉnh Cà Mau doBảo hiểm xã hội lập) |
Về nguyên nhân đấu thầu lại dịch lọc thận, ông Bùi Đức Văn cho hay do dịch lọc của Công ty Dược Bình Định làm nghẹt ống, hư lược hệ thống máy lọc của bệnh viện nên phải đấu thầu lại dịch lọc tương thích hơn. Đó chính là dịch lọc thận Braun dùng cho hệ thống máy lọc do chính hãng Braun sản xuất.
Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, khẳng định toàn bộ quy trình đấu thầu dịch lọc thận là đúng. Ông Dũng nói: “Theo quy định, mặt hàng nào tỉnh đã đấu thầu tập trung rồi thì bệnh viện không được tổ chức đấu thầu lại, trừ trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, do sử dụng dịch lọc của Công ty Dược Bình Định không tương thích, gây hỏng máy lọc thận nên BV đa khoa tỉnh Cà Mau mới tổ chức đấu thầu lại”.
Cũng theo ông Dũng, dịch lọc thận có hai danh xưng là vật tư y tế và là thuốc, tùy theo đăng ký danh xưng nào. “Ở đây, BV đa khoa tỉnh Cà Mau tổ chức đấu thầu lại dịch lọc với danh xưng là vật tư y tế, còn Sở Y tế đấu thầu với danh xưng là thuốc nên không trái quy định” - ông Dũng cho hay.
Hai bệnh viện đang sử dụng dịch lọc với hai mức giá khác nhau Theo xác nhận từ Phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế Cà Mau, hiện nay BV đa khoa Cái Nước và BV đa khoa tỉnh Cà Mau sử dụng dịch lọc thận cùng của hãng Braun nhưng có hai mức giá khác nhau. BV đa khoa tỉnh Cà Mau sử dụng dịch lọc thận của hãng Braun với danh xưng là vật tư y tế có giá 172.000 đồng/can 10 lít. Còn BV đa khoa Cái Nước cũng sử dụng dịch lọc thận của hãng Braun, do Sở Y tế đấu thầu, với danh xưng là thuốc, mức giá là 110.000 đồng/can 10 lít (chênh lệch đến 156%). Cả hai loại dịch có cách gọi tên khác nhau này đều cùng do Công ty cổ phần Lọc thận Việt Nam cung cấp. Chúng tôi đề nghị ông Nguyễn Văn Dũng lý giải về sự chênh lệch này. Ông Dũng cử cán bộ Phòng dược của Sở trả lời. Theo cán bộ này, do BV đa khoa tỉnh Cà Mau tự đấu giá, Sở không nắm hồ sơ đầy đủ nên không thể lý giải rõ ràng sự chênh lệch như trên. |
Tác giả bài viết: TRẦN VŨ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn