Sáng nay 4-6, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Đã có 49 đại ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm.
Mở đầu phát biểu trước khi các ĐB chất vấn, Đại tướng Tô Lâm bày tỏ cảm ơn QH đã chọn những vấn đề an ninh trật tự để chất vấn, điều này cho thấy cử tri, QH rất quan tâm đến lĩnh vực này. "Nó cũng giúp cho ngành công an làm tốt hơn. Bộ Công an sẵn sàng cầu thị, lắng nghe"- Bộ trưởng khẳng định.
Là ĐB đầu tiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho biết các loại tội phạm ma túy, tội phạm "tín dụng đen" gây bức xúc nhân dân. Vậy trách nhiệm của lực lượng chức năng trong công tác quản lý địa bàn thế nào? Vấn đề con người trong ngành công an, là yếu về nghiệp vụ hay là vấn đề đạo đức công vụ. Giải pháp sắp tới là gì?
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết có điều rất lo ngại khi 5 tháng đầu năm 2019 triệt phá 933 băng nhóm tội phạm "tín dụng đen", như vậy là giảm không nhiều so với năm ngoái. Một điều rất quan tâm là trong 2.500 vụ tín dụng đen 2018 chỉ có 34 vụ bị xử tội cho vay nặng lãi - chỉ chiếm 2% bị xử lý. Vậy đâu là giải pháp để giải quyết dứt điểm loại tội phạm này?
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho biết qua báo cáo của Bộ Công an đánh giá lượng ma túy tổng hợp thu được từ các vụ án tăng kỉ lục, lớn nhất từ trước đến nay. Từ đó, đại biểu đặt vấn đề: Chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy ở đâu; việc kiểm tra, kiểm soát ma túy thế nào?
ĐB Nguyễn Văn Hển (Lâm Đồng) và ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng hiện nay tình trạng tội phạm vận chuyển, buôn bán ma túy không tính bằng kg mà tính bằng tạ, bằng tấn. Hiện ma túy đã len lỏi khắp nơi, cho thấy công tác phòng ngừa còn hạn chế. Vậy trách nhiệm của Bộ Công an ở đâu? Phải chăng ta đánh chưa mạnh như các nước trong khu vực nên tội phạm chọn nước ta làm nơi trung chuyển ma túy? Giải pháp của ngành công an?.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an
Trả lời theo nhóm vấn đề, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định Việt Nam đã rất quan tâm và dành nhiều nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm ma tuý. QH cũng thông qua Luật Phòng, chống ma túy với hình phạt rất nghiêm khắc cho loại tội phạm này, cụ thể 9/13 hình phạt ở khung cao nhất (tử hình). Chính phủ có kế hoạch triển khai phòng, chống ma tuý; các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để đối phó với loại tội phạm này.
Theo Đại tướng Tô Lâm, lực lượng công an đã dự báo trước tình hình, triển khai nhiều biện pháp, kết quả đấu tranh phòng chống ma tuý vừa qua với các con số đã nói lên điều này. Tội phạm ma tuý là vấn đề tội phạm quốc tế, Việt Nam lại ở gần trung tâm sản xuất ma tuý là Tam Giác Vàng nên nguy cơ phát triển tội phạm này rất cao.
Tình hình ma tuý trên thế giới diễn biến phức tạp, nhiều nước hợp pháp hoá việc sử dụng ma tuý. Ở ASEAN, từ tháng 10-2018, Bộ Công an đăng cai hội nghị cấp Bộ trưởng Công an và ra tuyên bố chung không chấp nhận hợp pháp hoá ma tuý.
"Nhờ dự báo trước tình hình, từ 2018, công an đã ngăn chặn các vụ vận chuyển qua Tây Bắc gồm các tỉnh Điện Biên, Hoà Bình, Sơn La. Sau đó,chúng chuyển hướng hoạt động vào miền Trung, miền Nam" - Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Công an khẳng định: "Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn tội phạm ma tuý, không để Việt Nam thành địa bàn trung chuyển. Dù ở gần vòng xoáy trung tâm thứ 2 sản xuất ma tuý lớn trên thế giới, nguồn cung lớn, nhu cầu trong nước đang phát triển nhưng so với ASEAN thì Việt Nam có thể kiểm soát được. Số người nghiện ở Việt Nam chỉ bằng 1/10 Philippines".
Đề cập đến vướng mắc trong công tác phòng, chống tội phạm ma tuý, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết điều 199 Bộ Luật Hình sự đã bỏ quy định về xử lý hình sự người sử dụng ma tuý; quy trình đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc... và Bộ Công an đang nghiên cứu để sửa đổi quy định của luật pháp liên quan, đề ra biện pháp hữu hiệu hơn.
Ông đề nghị QH, Chính phủ ưu tiên tháo gỡ khó khăn về pháp luật, thực hiện đồng bộ giải pháp chặn nguồn cung, giảm nhu cầu trong nước; tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng về phòng, chống ma tuý.
"Trong quản lý cửa khẩu, thủ tục hàng hoá nhập khẩu thông quan rất thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng lại bị tội phạm lợi dụng. Chúng tính toán là làm 3 vụ, bị bắt 2 vụ thì vẫn có lời"- đại tướng Tô Lâm nói và cho rằng thời gian tới, các lực lượng ở cửa khẩu như biên phòng, công an... cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng phòng chống ma tuý là cuộc chiến gian khổ, khốc liệt; đấu tranh với loại tội phạm này không chỉ nhiệm vụ của ngành công an mà của cả xã hội, gia đình. Nhắc tới một cán bộ chiến sĩ biên phòng vừa hy sinh trong quá trình bắt giữ tội phạm ma túy vào hôm qua, Chủ tịch QH nói, vừa qua ngành công an, biên phòng đã phối hợp rất tốt, ngăn chặn và phát hiện nhiều vụ ma tuý. "Nếu không phát hiện được thì lượng ma túy này sẽ gây tác hại rất lớn tới từng gia đình, thế hệ trẻ"- Chủ tịch QH nói.
Trấn áp mạnh mẽ tội phạm tín dụng đen
Trả lời câu hỏi chất vấn về loại tội phạm tín dụng đen, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định từ lĩnh vực này sẽ nảy sinh tội phạm. Bản chất của tín dụng đen là quan hệ dân sự, quan hệ về kinh tế nhưng nó vượt quá giới hạn đó thì trở thành vấn đề hình sự.
Vì vậy tới đây lực lượng chức năng sẽ tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ loại tội phạm này.
Bộ Công an cũng đã tham mưu với Thủ tướng ban hành Chỉ thị 12 để cùng các cơ quan quản lý như ngân hàng có giải pháp đa dạng hoá cho vay, tạo điều kiện để người dân vay vốn lành mạnh, không để "tín dụng đen có đất phát triển".
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề xuất cấp có thẩm quyền hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới tội phạm tín dụng đen; giải quyết ranh giới giữa tội phạm dân sự, kinh tế và hình sự.
Tác giả bài viết: Văn Duẩn - Nguyễn Hưởng
Nguồn tin: nld.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn