Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước kiến tạo

Thứ hai - 30/01/2017 08:01
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước kiến tạo

 

(PhapluatNews) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Nhà nước Việt Nam, đứng đầu nhà nước trong vòng 24 năm, để lại dấu ấn sâu đậm về một phong cách lãnh đạo nhà nước, trở thành chuẩn mực cho các thế hệ lãnh đạo sau này.

Người đã xác lập các cơ sở, nền móng pháp lý tổ chức, hoạt động của một nhà nước liêm khiết, kiến tạo và hành động vì nhân dân. Các cơ sở pháp lý đó là nền tảng tư tưởng để tổ chức, xây dựng, hoàn thiện nhà nước qua các giai đoạn cách mạng của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời là người khơi nguồn cho truyền thống dân chủ hiện đại ở Việt Nam, đã làm cho dân ta được hưởng các quyền tự do, dân chủ, hướng dẫn nhân dân làm chủ, thực hành dân chủ trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu, trình độ dân trí thấp, từng bước quá độ dần lên chủ nghĩa xã hội. 
 
Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt tháng 8/1945.
 
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà nước kiến tạo kiểu mới ở Việt Nam phải là một nhà nước dân chủ triệt để và Người đã khắc họa rõ nét những đặc trưng này.
Nhà nước kiến tạo phải đảm bảo dân là chủ của nhà nước
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng nhà nước, cơ quan quyền lực nhà nước phải là của dân, do dân là chủ. Nhà nước mới theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết phải là nhà nước của cả dân tộc, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp được đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và tài năng tham gia vào công cuộc xây dựng nhà nước. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập, thống nhất đất nước không tách rời với tự do, hạnh phúc của nhân dân.
 
Do vậy, khi đã tìm được con đường giải phóng dân tộc, lựa chọn một mô hình nhà nước mới cho dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng, cùng dân ta bắt tay ngay vào xây dựng "Nhà nước dân chủ, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Nhà nước ở Việt Nam là nhà nước dân chủ nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân "tự quyết định". Cụ thể, ngay những ngày đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh về bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, tạo cơ sở cho việc hình thành chính quyền cách mạng ở các cấp, xác định rõ quyền lực nhà nước là ở tay nhân dân lao động; nguồn gốc quyền lực, sức mạnh của nhà nước là ở nhân dân; nhân dân là chủ thể duy nhất của quyền lực nhà nước đó.
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh "Dân là gốc của nước", "nước lấy dân làm gốc" là nguyên tắc quan trọng nhất trong tổ chức, xây dựng nhà nước, là một sự vận dụng sáng suốt tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam.
 
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước của dân là nhà nước trong đó nhân dân là chủ; dân là người có địa vị cao nhất, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: Nước ta là nước dân chủ; địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ; bao nhiêu quyền hạn là của dân; quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Trong Nhà nước ta, toàn bộ quyền lực đều thuộc về nhân dân. Quan niệm toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thể hiện rõ nhất tính dân chủ triệt để của Nhà nước ta, trở thành nguyên tắc cơ bản tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước và phải được thể hiện rõ trong các văn bản pháp lý mà đạo luật cao nhất là Hiến pháp.
 
Trong Nhà nước ta, dân là chủ thể của quyền lực thì người cầm quyền, cán bộ công chức nhà nước chỉ là người được ủy quyền, được nhân dân trao quyền để gánh vác, giải quyết những công việc chung của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi người cầm quyền, cán bộ công chức nhà nước là “đầy tớ”, “công bộc” của dân. Làm công bộc của dân là một trách nhiệm rất vẻ vang, nhưng rất khó khăn, nặng nề. Muốn vậy, người cầm quyền phải gần dân, sát dân, hiểu dân, thương dân, tin dân và biết sử dụng sức mạnh của dân. Tác phong của người cầm quyền phải là: óc nghĩ, mắt thấy, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm.
 
Từ quan niệm chung về vị thế của người cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức rất rõ vị trí của Người trong hệ thống quyền lực Nhà nước Việt Nam. Người nhiều lần nhắc nhở: Ở nước ta từ Hồ Chủ tịch trở xuống là đầy tớ của nhân dân; dân đặt ở đâu thì làm ở đó; Người làm Chủ tịch nước cũng là nhận sự trao quyền, ủy thác của nhân dân.
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà nước dân chủ phải do dân làm chủ; nhà nước phải tin dân và dựa vào dân. Nội dung quyền làm chủ nhà nước của dân rất rộng, trước hết thể hiện ở chỗ: Nhân dân là người tổ chức nên các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương thông qua thực hiện chế độ tổng tuyển cử phổ thông, trực tiếp, bỏ phiếu kín bầu các đại biểu xứng đáng vào các cơ quan quyền lực nhà nước...
 
Nhân dân có quyền bầu cử, ứng cử thì cũng có quyền thực hiện chế độ bãi miễn theo ba mức độ từ thấp đến cao: bãi miễn đại biểu; bãi miễn các cơ quan nhà nước; bãi miễn nội các Chính phủ nếu các đại biểu đó, các cơ quan nhà nước và nội các Chính phủ không còn phù hợp với nhân dân, đi ngược lại lợi ích của nhân dân.
 
Nhà nước kiến tạo có một nội dung quan trọng là nhân dân có quyền tham gia công việc quản lý nhà nước; sao cho các quyết định của cơ quan nhà nước đều xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân; phê bình, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, các đại biểu do mình cử ra. Mọi nguồn lực mà nhà nước có để hoạt động đều được huy động từ dân.
 
Nhà nước muốn là của dân, nhà nước phải làm tốt bổn phận là người đại biểu thay mặt nhân dân, quyền hành nơi nhà nước là do dân giao phó. Có nghĩa là quyền hành của nhân dân là quyền hành được thông qua người đại diện, người đại biểu do dân cử ra. Năm 1946, trả lời phỏng vấn báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ nhận chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận, bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui...". Trong xây dựng nhà nước dân chủ kiến tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu nhà nước phải thường xuyên thực hiện phê bình và tự phê bình, lắng nghe ý dân, làm công tác quản lý nhà nước sao cho tốt hơn. Nhà nước muốn công việc của mình mang lại hiệu quả cao thì nhà nước bắt buộc phải dựa vào dân và phải thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", để người dân tham gia vào công việc nhà nước một cách đầy đủ và thực sự; kiến tạo nghĩa là môi trường, điều kiện, thiết chế để dân làm chủ.
 
Nhà nước do dân, dân làm chủ nhà nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thống nhất biện chứng của cả quyền và nghĩa vụ làm chủ; nó thể hiện bản chất dân chủ triệt để của nhà nước kiểu mới.
 
Nhà nước kiến tạo phải là nhà nước phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân
 
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước dân chủ nhân dân là nhà nước phục vụ nhân dân, đem lại lợi ích cho dân. Mọi hoạt động của chính quyền phải nhằm mục tiêu mang lại quyền lợi cho nhân dân và lấy con người là mục tiêu phấn đấu lâu dài như Hồ Chủ tịch từng nêu rõ trách nhiệm của nhà nước trước hết là nhằm thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu nhất của nhân dân, trong đó phải:
 
"Làm cho dân có ăn
Làm cho dân có mặc
Làm cho dân có chỗ ở
Làm cho dân có học hành".
 
Nhà nước quan tâm, chăm lo cho đời sống của nhân dân bằng cách hướng dẫn nhân dân tự chăm lo thỏa mãn các nhu cầu, lợi ích của mình, chứ không phải làm thay dân.
 
Nhà nước vì dân, do dân tự xây dựng nên, điều này phải hiểu nhà nước tồn tại và hoạt động vì quyền lợi của toàn thể nhân dân lao động, chứ không vì quyền lợi của một nhóm người hay một tập đoàn xã hội nào đó như nhà nước ở các chế độ xã hội khác.
 
Một nhà nước đặt lợi ích của dân lên trên hết, nhà nước đó phải kiến tạo các đường lối, chủ trương và các chính sách đều phải phục vụ cho lợi ích của dân. Công việc gì của nhà nước mà có lợi cho dân là phải làm ngay, việc có hại thì phải tránh. Năm 1945, Người từng viết thư "Gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng" để dặn dò:
 
Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm;
Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.
 
Bên cạnh đem lại lợi ích cho dân, chăm lo mọi mặt đời sống nhân dân, nhà nước phải biết kết hợp, điều chỉnh các loại lợi ích khác nhau giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, các bộ phận dân cư để luôn được mọi người dân ủng hộ, xây dựng. Và điều đặc biệt quan trọng là để phục vụ tốt nhân dân, nhà nước phải thật sự liêm khiết, trong sạch, minh bạch, chịu trách nhiệm trước nhân dân, tránh quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi...
 
Bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh được xác định rất rõ: Nhà nước là đại diện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều phải phản ánh lợi ích của đại đa số nhân dân. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
 
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân về bản chất là nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân. Quán triệt các nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất giai cấp của nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức rất rõ: Tính chất của nhà nước là nội dung giai cấp của chính quyền; trong nhà nước đó giai cấp nào thống trị, giai cấp nào bị trị, nhà nước bảo vệ lợi ích của giai cấp nào thì mang bản chất của giai cấp đó. Trên cơ sở quan niệm chung đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Nhà nước ta là nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công - nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo". Như vậy, nội hàm khái niệm "dân" mà Bác đề cập mang nội dung xã hội, giai cấp với "cái lõi" của nó là công nhân, nông dân, lao động trí óc. Mặt khác, sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với nhà nước quyết định bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước ta, vì nó chế định mục đích hoạt động, chức năng tổ chức, cơ chế vận hành của nhà nước trên lập trường giải phóng nhân dân lao động, thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
 
Ở Nhà nước ta, bản chất giai cấp công nhân bao giờ cũng thống nhất chặt chẽ với tính nhân dân và tính dân tộc. Đây là một quan niệm hết sức đặc sắc, độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự thống nhất này dựa trên các căn cứ khách quan mà quan trọng nhất là sự thống nhất lợi ích của giai cấp công nhân với lợi ích của nhân dân lao động và lợi ích của toàn dân tộc: Độc lập cho dân tộc; khát vọng dân chủ của toàn thể dân tộc; cuộc sống no đủ, sung sướng, hạnh phúc của tất cả mọi người dân Việt Nam.
 
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước bỏ phiếu bầu Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN
 
Xây dựng nhà nước pháp quyền

Để thực sự nhà nước là kiến tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ là phải xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam nhằm làm cho hoạt động của nhà nước ta đem lại hiệu quả xã hội thực sự. 

Nhà nước pháp quyền trước hết phải là một nhà nước hợp pháp và hợp hiến, được nhân dân tổ chức nên thông qua tuyển cử, được xây dựng và hoạt động theo các nguyên tắc của Hiến pháp.


Pháp quyền là phương tiện, còn hiệu quả quản lý xã hội làm cho đất nước ngày càng tăng trưởng, ổn định chính trị, kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng cao mới là mục đích của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng, có độc lập mà dân vẫn không có cơm ăn, áo mặc thì độc lập, tự do cũng không có ý nghĩa gì. Nhà nước pháp quyền mà các chỉ số phát triển về kinh tế, dân sinh không phát triển thì pháp quyền chỉ là hình thức.

Pháp luật của chúng ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người dân lao động, bảo vệ lợi ích tập thể, lợi ích của nhà nước. Pháp luật của ta thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động. Những điều dẫn giải trên đây thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh xem pháp luật như một phương tiện để xây dựng và củng cố nhà nước. Có luật pháp tốt tạo điều kiện cho nhà nước điều hành và quản lý xã hội tốt, thực hiện và mở rộng được dân chủ trong nhân dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Luật pháp của ta phải dựa hẳn vào lực lượng nhân dân, lực lượng lao động làm nền tảng để xây dựng nhà nước, xây dựng xã hội. Đó là nội dung quyết định bản chất luật pháp của Nhà nước ta và luật pháp của chúng ta dựa vào đó để xây dựng. Từ việc xây dựng các thể chế dân chủ cộng hòa, xây dựng quân đội, bộ máy kinh tế trên cơ sở của chế độ sở hữu toàn dân, đến các thiết chế văn hóa đều phải tuân thủ các chỉ định của luật pháp.

Luật pháp của chế độ dân chủ cộng hòa khác xa luật pháp của chế độ xã hội phong kiến cũng như tư bản. Nó không phải là vũ khí của giai cấp công nhân thống trị xã hội, dùng để trừng trị các giai cấp khác, nó cũng không phục vụ lợi ích cho riêng một tầng lớp người nào, mà nó phục vụ lợi ích của toàn dân.

Luật pháp là cần thiết, là quan trọng cho mỗi quốc gia. Khi không có luật thì dễ đẩy xã hội đến chỗ hỗn loạn, vô chính phủ. Khi luật được ban hành, nhà nước phải tổ chức triển khai phổ biến cho toàn dân học tập để cuối cùng làm cho mọi người dân hiểu để thực hiện. Đây là nhiệm vụ không kém phần khó khăn nhằm đưa luật pháp vào cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người gương mẫu nhất cùng với Chính phủ và các cơ quan của nhà nước chấp hành nghiêm các luật pháp ban hành. Người không cho phép bất cứ một ai dù cá nhân hay tổ chức nhà nước đứng ngoài luật pháp...

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng ở Việt Nam một nhà nước pháp quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhưng pháp luật mà Người xác lập là một loại pháp quyền đặc biệt - Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh.

Với một trình độ dân trí ngày một nâng cao và điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội có những bước phát triển nhất định, quyền lực của nhân dân sẽ được phát huy, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sẽ được thực hiện một cách tốt đẹp. Đây chính là sự trở lại trên một trình độ mới về nhận thức lý luận, tổng kết thực tiễn giá trị cốt lõi nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiến tạo ở Việt Nam.
 
 
 

Tác giả bài viết: PGS.TS Phạm Ngọc Anh

Nguồn tin: Theo Tin tức:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây