Đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết hiện tại Chính phủ đã thực hiện 3/5 giai đoạn xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia và đã có 84/95 bộ ngành, địa phương hoàn tất kết nối liên thông thử nghiệm các hệ thống quản lý văn bản với trục liên thông này.
Tuy nhiên, vướng mắc cần phải giải quyết sớm lại nằm ở phía Bộ Nội vụ. Theo đó, Bộ Nội vụ vẫn chưa trình Chính phủ ban hành văn bản đảm bảo tính pháp lý của việc lưu trữ điện tử. Các bộ ngành bố trí máy chủ bảo mật còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ. Khó khăn nữa phải kể đến là các bộ ngành, địa phương, Tập đoàn VNPT và các đơn vị phát triển còn gặp khó khăn trong phối hợp khiến tiến độ triển khai trục liên thông văn bản quốc gia chưa đạt yêu cầu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh rằng việc xây dựng chính phủ điện tử sang chính phủ số là ưu tiên, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm 2019.
Việc này là để tiến tới mục tiêu Việt Nam có một chính phủ phi giấy tờ. Các bộ ngành, địa phương sẽ cung cấp dịch vụ công hướng tới người dân, doanh nghiệp.
“Khi có việc liên quan tới Nhà nước, người dân và doanh nghiệp sẽ không cần đến cơ quan nhà nước mà vẫn giải quyết nhanh chóng công việc. Làm được như thế sẽ giảm chi phí, thời gian cùng các chi phí khác cho người dân, doanh nghiệp” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thông tin dự kiến ngày 20-2 tới đây, trục liên thông văn bản quốc gia sẽ được khai trương. Thủ tướng sẽ đến dự và cắt băng khánh thành trục liên thông văn bản này.
Để đảm bảo tiến độ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý các bộ ngành, địa phương cần cải cách mạnh mẽ quy trình thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để điều hành. Bộ trưởng cũng lưu ý công tác truyền thông nhằm đưa trục liên thông văn bản quốc gia đến với mọi người dân, mọi doanh nghiệp để tiện sử dụng.
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn