Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, rất nhiều vụ việc quan chức Việt đi xe biển xanh sai quy định bị phát lộ. Cụ thể, như vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang – Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe cá nhân Lexus gắn biển xanh. Sau khi báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và xác định Trịnh Xuân Thanh thời điểm đó không thuộc diện được xe biển xanh đưa đón. Lúc này, Tỉnh ủy Hậu Giang mới thừa nhận việc cấp biển xanh cho xe Lexus LX570 là sai.
Cũng từ đó, hàng loạt sai phạm của Trịnh Xuân Thanh được các cơ quan chức năng phanh phui. Trịnh Xuân Thanh sau đó đã bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, bị khởi tố, truy tố phải nhận những mức án do những hành vi vi phạm pháp luật mà Thanh đã gây ra.
Tháng 6/2016, dư luận tỉnh Sóc Trăng xôn xao về những thông tin cho rằng Công an tỉnh Sóc Trăng đã dùng tiền xử phạt vi phạm giao thông “tậu” xe sang - Lexus 570 cho lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng sai quy định.
Cụ thể, trong tổng 4 xe Lexus biển số xanh nói trên, một chiếc được đậu trong nhà xe của Tỉnh ủy, một chiếc ở UBND tỉnh, hai chiếc còn lại do công an tỉnh Sóc Trăng quản lý.
Đặc biệt, 1/2 xe Lexus biển số xanh tại cơ quan công an được cho là thường xuyên đưa đón một lãnh đạo công an tỉnh. Có lần người dân “bắt gặp” chiếc xe này dừng trước cổng một bệnh viện chuyên khoa mắt ở TP.HCM…Sau khi dư luận phản ứng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã “trả” xe lại cho công an quan lý. Thông tin này được ông Nguyễn Văn Thể khi đó là Bí thư tỉnh Sóc Trăng xác nhận với báo chí.
Ngày 6/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi ủy viên Trung ương Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Anh. Lý do ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật là do vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên.
Trong đó, một trong những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh là sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực. Đáng chú ý, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng công bố một trong những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh trên cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng là nhận và sử dụng xe do một doanh nghiệp tặng.
Vào tháng 2/2017, báo chí phát hiện ông Nguyễn Xuân Anh sử dụng chiếc xe biển xanh mang BKS 43A – 299.99 khi đi công vụ. Chiếc xe này thuộc hãng Toyota Avalon Limited và được xác định do một doanh nghiệp tặng cho Thành ủy Đà Nẵng. Giá trị chiếc xe theo công bố của Thành ủy Đà Nẵng là 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên theo tìm hiểu trên thị trường, chiếc xe có giá khoảng 2,5 tỷ đồng.
Hay vào tháng 3/2017, dư luận xôn xao việc ông Nguyễn Xuân Phi, Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa dù chỉ là lãnh đạo một đơn vị trực thuộc tỉnh nhưng lại được sử dụng xe ô tô mang biển 80B vốn chỉ dành cho các cơ quan trung ương. Văn phòng Thành ủy TP Thanh Hóa cho biết, chiếc ô tô mang biển kiểm soát 80B-4778 hiệu Mercedece Benz được đăng ký lần đầu vào ngày 2/6/2003, chủ phương tiện ban đầu là Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa. Tháng 4/2016, chiếc xe được bàn giao về cho Thành ủy TP Thanh Hóa sử dụng. Từ đó đến nay, chiếc xe được phục vụ đưa ông Nguyễn Xuân Phi, Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa đi họp và giải quyết công vụ.
Mới đây, vụ việc xe biển xanh đón người nhà Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tận chân cầu thang máy bay còn chưa hết nóng khi mới đây Bộ Công Thương xem xét kỷ luật 3 người, gồm nhân viên lễ tân, trưởng phòng lễ tân và lãnh đạo Văn phòng Bộ với hình thức khiển trách và kiểm điểm rút kinh nghiệm. Đích danh Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã phải ký văn bản gửi báo chí để xin lỗi vì Văn phòng Bộ này "dùng xe công vào đón người nhà Bộ trưởng".
Dường như những vụ việc đã không là bài học cảnh tỉnh cho các quan chức Việt cho đến khi bị phát lộ và trường hợp của ông Trần Hồng Quảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình là một điển hình. Theo Báo Thanh Niên, dù không đủ tiêu chuẩn, nhưng ông Trần Hồng Quảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình, vẫn được phục vụ bằng xe biển xanh 80B. Không những thế, chiếc xe phục vụ ông Quảng còn có 2 biển số.
Theo Thanh Niên, ông Trần Hồng Quảng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình, được Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Ninh Bình bố trí một chiếc ô tô nhãn hiệu Toyota Camry 3.0, màu ghi hồng, mang biển số xanh 35A-5888 để phục vụ công tác.
Thế nhưng, nhiều người dân phát hiện cũng chiếc xe này, có khi lại được gắn biển số xanh 80B-2924 cũng để phục vụ ông Quảng. Việc thay đổi 2 biển số khác nhau trên cùng một chiếc xe đã được thực hiện nhiều lần, kể cả đi công tác trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh Ninh Bình.
Theo hồ sơ lưu trữ tại Cục Đăng kiểm VN, biển số 80B-2924 được cấp cho chiếc xe Toyota Camry 3.0 màu ghi hồng, có số khung: 309000270, số máy: 1482990, thuộc sở hữu của Ban Quản lý dự án Thăng Long (địa chỉ tại Hà Nội) quản lý, sử dụng. Trùng hợp, chiếc xe Toyota Camry 3.0 màu ghi hồng chuyên chở ông Trần Hồng Quảng cũng có cùng số khung, số máy và lại được cấp biển số 35A-5888, thuộc UBND tỉnh Ninh Bình (hiện xe do Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Ninh Bình quản lý). Điều lạ thường nữa là, thời gian kiểm định gần nhất của chiếc xe trên với cả 2 biển kiểm soát 80B-2924 và 35A-5888 vừa được thực hiện vào ngày 11.3.2019 tại một Trung tâm đăng kiểm ở tỉnh Ninh Bình.
Theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA, ngày 4.4.2014 của Bộ Công an Quy định về đăng ký xe thì ông Quảng không thuộc tiêu chuẩn được cấp xe biển xanh 80B để phục vụ. Ngoài ra, luật định, mỗi phương tiện chỉ được cấp 1 biển số, trừ xe nghiệp vụ của công an có quy định khác.
Theo một số chuyên gia kinh tế cho rằng, để hạn chế việc sử dụng xe công đi việc riêng các cơ quan chức năng bộ, ngành nên thực hiện việc giao khoán.
"Ngoài việc sử dụng vào việc riêng nếu dùng xe công thì cũng không thể tránh khỏi việc thất thoát. Ở một số doanh nghiệp nước ngoài, với một số chức danh họ áp dụng việc thuê xe đi công tác như thế vừa tiết kiệm tiền công lại không lãng phí khi xe không chạy..." chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Hải đề cập.
Trong khi đó, trên tờ Vnexpress, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các chế độ đưa đón, phương tiện phục vụ quan chức nên được khoán vào lương thay vì phân bổ trực tiếp như lâu nay. Bà nhấn mạnh, đây là cách thức nhiều nước đã áp dụng và qua đó tiết kiệm đáng kể cho ngân sách cũng như tạo sự minh bạch trong sử dụng tài sản công.
Ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (người từng từ chối xe công để đi xe ôm đi làm) cho biết: việc sử dụng xe công phải có chế tài chặt chẽ, ai vi phạm phải bị xử lý. "Việc khoán xe công nên được đưa vào áp dụng đồng loạt chứ không thể ai thích khoán thì khoán còn ai không thích khoán thì thôi như hiện nay", ông Thuận kết luận.
Theo báo Người lao động, việc sử dụng tài sản công phục vụ cho việc riêng của quan chức và người nhà, không chỉ trái với tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ và Đảng, mà còn là hành vi tham nhũng tài sản công. Luật Phòng chống tham nhũng 2018 (có hiệu lực từ 1-7-2019), ngay tại điểm i, khoản 1 điều 2 đã quy định: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi". Trước đó, trong Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 (sẽ hết hiệu lực từ ngày 1-7-2019), tại khoản 9, điều 3 cũng quy định: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi".
Như vậy, Luật Phòng chống tham nhũng đã định danh đối với hành vi sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi của người có chức vụ, quyền hạn là tham nhũng. Thế nhưng, rất tiếc từ trước giờ ít có quan chức nào bị xử lý hành vi tham nhũng liên quan đến việc sử dụng tài sản công. Cũng chưa từng có quan chức nào từ chức hoặc bị cách chức vì lợi dụng chức vụ quyền hạn sử dụng tài sản công cho bản thân hoặc gia đình, dòng họ.
Nhìn sang các nước, quan chức hoặc người nhà của họ lợi dụng quyền chức để sử dụng tài sản công cho mục đích riêng, lập tức bị xử lý hoặc phải từ chức. Đơn cử, Thống đốc Tokyo Yoichi Masuzoe phải từ chức vào tháng 6-2016 khi bị phát hiện sử dụng công quỹ chi tiêu riêng vào các kỳ nghỉ cá nhân, đi công tác trên khoang máy bay hạng sang và ở khách sạn cao cấp. Tương tự, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người Tom Price (Hoa Kỳ) từ chức vào ngày 29-9-2017 do liên quan đến bê bối thuê máy bay tư nhân tốn kém để đi công tác. Gần đây nhất, tháng 8-2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nhật Bản Yoshimasa Hayashi phải xin lỗi vì sử dụng xe công đến một phòng tập yoga.
Từ những câu chuyện lùm xùm thời gian qua, Chính phủ cần ban hành chỉ thị nghiêm cấm tất cả quan chức từ thấp đến cao sử dụng chức vụ của mình hoặc để cho cơ quan mình lợi dụng chức vụ của người đứng đầu lấy tài sản công, nhất là xe công phục vụ mục đích riêng. Nếu cá nhân, cơ quan nào vi phạm sẽ bị xử lý bằng hình thức cách chức.
Tác giả bài viết: Trâm Anh (t/h)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn