Tiếng ồn karaoke - lẽ nào "bó tay"!: Cần thiết chế pháp luật hiệu quả

Thứ ba - 19/02/2019 20:06
(NLĐ) - Điều người dân cần hiện nay không phải là xử phạt tiền mà phải ngăn chặn được tình trạng này trên diện rộng
Tiếng ồn karaoke - lẽ nào "bó tay"!: Cần thiết chế pháp luật hiệu quả

Những năm gần đây, việc hát karaoke tại nhà trở nên phổ biến, từ đám cưới đến tân gia, thôi nôi, sinh nhật, thậm chí cả đám giỗ đều không thiếu tiết mục karaoke. Chỉ cần sắm một cái loa thùng, kết nối với smartphone hoặc gọi điện thoại là có người mang loa và micro đến cho thuê, thoải mái hát hò.

Tiếng dao đi sau tiếng hát

Cũng vì loa "khủng" nên người ta không thích hát trong nhà mà đem ra sân, ra ngỏ hát hò tưng bừng, mặc kệ hàng xóm xung quanh ra sao thì ra.

Đã có nhiều vụ việc nghiêm trọng và đáng tiếc xảy ra bắt nguồn từ chuyện hát karaoke. Mới đây, một thầy giáo ở Bình Dương bị đâm chết sau khi nhắc hàng xóm hát karaoke gây ồn. Ông Nguyễn Viết Lộc (59 tuổi, ở Hà Tĩnh) đã mang theo dao và đâm 2 nhát khiến một người trong nhóm hát tử vong sau khi cự cãi vì tiếng karaoke quá lớn làm ông không ngủ được. Một người đàn ông khác ở Tiền Giang hát karaoke trong buổi tiệc tại nhà làm hàng xóm "tức mắt" dẫn đến đánh nhau và bị công an bắt để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người…

Nhiều vụ gây gổ, đánh nhau vì hát karaoke gây ồn ào đã diễn ra trong thời gian qua ở nhiều địa phương. Nhẹ thì bầm mặt bầm mũi, nặng phải nhập viện, tử vong. Thế nhưng, việc hát karaoke tại gia vẫn tiếp tục tra tấn hàng xóm, từ nông thôn đến thành thị mà nạn nhân của tiếng ồn chỉ biết "ngậm đắng nuốt cay" trước lý sự cùn: "Nhà tôi, tôi hát, liên quan gì đến anh"; hoặc không kiềm chế được, dẫn đến án mạng.

Trầy trật xử lý

Pháp luật quy định rõ hành vi gây tiếng ồn là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường. Thông tư 39/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo QCVN 26:2010/BTNMT quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Theo đó, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính là 70dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55dBA (từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau).

Tiếng ồn karaoke - lẽ nào bó tay!: Cần thiết chế pháp luật hiệu quả - Ảnh 1.

Hát karaoke gây ồn ào, bị lực lượng chức năng nhắc nhở, Trần Văn Hải (trong ảnh) và đồng bọn đã có hành vi chống đối lực lượng thi hành công vụẢnh: Bích Vân

Hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cụ thể, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 triệu đến 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời còn có các hình thức phạt bổ sung đình chỉ hoạt động cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây nên. Nghị định 167/2013 của Chính phủ trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội cũng có quy định và có thể dựa vào đó để xử phạt với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Một số địa phương cũng đã ban hành Quy chế về quản lý hoạt động karaoke và nhạc sống. Tháng 5-2018, lãnh đạo UBND TP HCM chỉ đạo các sở ngành, quận, huyện cung cấp đường dây nóng để người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Đồng thời, thành lập tổ phản ứng nhanh để kịp xử lý tin báo của người dân. UBND TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên ban hành quy chế phối hợp trong việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn, làm mất an ninh trật tự tại khu dân cư trên địa bàn. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các phòng, ban, UBND phường, xã. UBND tỉnh Tiền Giang cũng có chủ trương mua máy đo tiếng ồn và cấp cho các xã, phường, thị trấn để kiểm tra, xử phạt tình trạng karaoke, nhạc sống... Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý tiếng ồn từ karaoke rất khó vì theo quy định, khi tiến hành kiểm tra cơ sở vi phạm phải thành lập đoàn kiểm tra, cán bộ kiểm tra phải am hiểu, có chuyên môn kỹ thuật cao mới sử dụng được máy đo…

Còn theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, chính quyền phải mời đơn vị có chức năng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép đến đo nhưng đơn vị này cũng phải có thời gian chuẩn bị, không thể xuống ngay được. Lúc đó, thì cũng không còn chứng cứ để xử phạt.

Thực tế ở một số nơi, việc xử phạt hành vi gây tiếng ồn trong khu dân cư chủ yếu xử phạt về an ninh trật tự, còn với việc gây ồn thì mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở. Sau khi bị nhắc nhở, thì đâu lại vào đấy.

Ô nhiễm tiếng ồn gây ảnh hưởng xấu lên thần kinh con người. Điều người dân cần hiện nay không phải là xử phạt tiền mà phải ngăn chặn được tình trạng này trên diện rộng. Đã đến lúc cần một thiết chế pháp luật hiệu quả hơn trong việc chế tài hành vi gây ô nhiễm âm thanh, ô nhiễm tiếng ồn nói chung và nạn karaoke bằng loa khủng nói riêng. Phải thiết lập quy chế xử lý các trường hợp ca hát, karaoke ầm ĩ bất kể giờ giấc, địa điểm… 

Công an phường cũng bị... đánh

Chiều 19-2, thượng tá Phan Minh Mẫn, Trưởng Công an quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cho hay Cơ quan CSĐT quận này đang lấy lời khai, chuẩn bị hoàn tất hồ sơ để khởi tố 5 đối tượng có hành vi chống đối lực lượng thi hành công vụ.

Theo đó, khoảng 22 giờ ngày 16-2, lực lượng của phường Nại Hiên Đông (NHĐ), quận Sơn Trà cử 5 cán bộ đến chung cư C2 để kiểm tra thông tin của người dân về việc có nhóm người tổ chức hát karaoke gây ồn ào.

Đến nơi, lực lượng tuần tra ghi nhận có khoảng 20 người đang tổ chức ăn uống, dùng loa hát hò gây ồn ào. Do nhắc nhở mà các đối tượng trên không hợp tác, thiếu úy Nguyễn Quốc Huy (Công an phường NHĐ) đến tắt loa thì bị Trần Văn Hải (SN 1990, phường NHĐ) dùng ghế đánh vào đầu.

Không dừng lại, Hải và Trần Minh Dui (SN 1995, trú chung cư C2) xô ngã thiếu úy Huy rồi cùng Trần Minh Thuận (SN 1992, trú chung cư C2), Phan Minh Tuấn (SN 2004, trú chung cư 12T5, phường NHĐ) và Nguyễn Văn Lộc (SN 1989, phường NHĐ) dùng chân đá liên tiếp vào người thiếu úy Huy. Khi lực lượng dân quân, dân phòng cùng nhiều người can ngăn, Lộc dùng một chiếc ghế ném trúng anh Nguyễn Văn Cước (SN 1966, bảo vệ dân phố). Sự việc dừng lại khi thiếu úy Huy bắn chỉ thiên, lực lượng công an phường và cảnh sát 113 đến hỗ trợ.

B.Vân


 

Tác giả bài viết: Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM)

Nguồn tin: nld.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây