Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về tăng cường quản lý báo chí, mạng xã hội

Thứ năm - 07/12/2017 20:16
Sáng 7-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về công tác tăng cường quản lý báo chí, mạng xã hội (MXH).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về tăng cường quản lý báo chí, mạng xã hội

Cùng dự, có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, báo chí cách mạng thời gian qua phát huy tích cực vai trò, đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội, ổn định đất nước. Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm tốt chức năng quản lý báo chí, đóng góp nhiều chủ trương biện pháp quản lý MXH. Thủ tướng biểu dương Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) có giải pháp từng bước giám sát MXH, đưa ra các chủ trương, giải pháp kỹ thuật để bảo đảm công tác này. Tuy nhiên, vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng MXH kích động, chia rẽ nhằm làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói xấu các đồng chí lãnh đạo. Trong hoạt động báo chí vẫn còn hiện tượng đưa tin sai sự thật; tình trạng “đánh hội đồng”, rút tít "giật gân, câu khách”; nặng về thông tin mặt trái xã hội; thậm chí có biểu hiện kích động, lôi kéo; nhiều tờ báo còn thụ động, chờ lãnh đạo cấp trên chỉ đạo mới đưa tin phản bác sự sai trái trên MXH. Sai phạm trong hoạt động của báo chí, kể cả các cơ quan báo chí lớn, chưa được xử lý nghiêm. Hiện nay, MXH trở thành một cách tiếp cận thông tin mới, nhưng đi kèm với đó phát sinh vấn đề khó kiểm soát, nhiều thông tin độc hại, khó phân biệt thật giả, gây hoang mang dư luận xã hội. Do đó, báo chí phải có trách nhiệm đưa tin tích cực là chủ lưu một cách bài bản, phản bác lại thông tin sai sự thật trên MXH một cách hệ thống. Điều đó cho thấy trách nhiệm của các cơ quan báo chí, tổng biên tập, người đứng đầu là rất lớn.

Thủ tướng nêu rõ, đối với MXH, hiện tồn tại tình trạng không có đầu mối quản lý, chỉ đạo thống nhất, cho nên khi có việc xảy ra không ai chịu trách nhiệm chính. Cách quản lý của chúng ta vẫn bị động, chạy theo tình huống, không chủ động đối phó. Nhiều cơ quan không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, có việc trên đã chỉ đạo mà không làm. MXH đang tràn lan những luận điệu bôi nhọ; là nơi để những kẻ cơ hội chính trị, kẻ xấu thường hay kết hợp với các thế lực thù địch trong nước và ngoài nước lợi dụng chống phá đất nước. Chúng ta chưa chủ động đề ra giải pháp kỹ thuật hiệu quả; quy định xử lý chưa rõ ràng, nhất là đối với những tội vu khống, bôi nhọ lãnh đạo. Trách nhiệm các cơ quan chức năng, cá nhân trong vấn đề này không rõ ràng. Các cơ quan, cá nhân còn mơ hồ, né tránh trách nhiệm, ngại đụng chạm; không có bản lĩnh, lập trường trong việc này; không quản lý được các mạng lớn, cho nên để thất thu về thuế.

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải hoàn thành sớm quy hoạch báo chí, không để kéo dài; rà soát thể chế, pháp luật về quản lý báo chí; quy định rõ vai trò các cơ quan báo chí; có cơ chế kiểm soát báo chí rõ ràng. Việc phát huy dân chủ, sáng tạo trong xã hội phải được đặt trong khuôn khổ pháp luật. Ban Tuyên giáo T.Ư, các bộ, ngành liên quan phối hợp đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật. Phải đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, không ngại va chạm, có biện pháp mạnh. Chúng ta không chủ trương đóng cửa nhưng phải có biện pháp mạnh để hạn chế tình trạng trốn thuế của các mạng nước ngoài hoạt động ở Việt Nam; đưa ra các giải pháp kỹ thuật để khi cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra tình trạng xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, tinh thần tự do, dân chủ là hướng chủ đạo nhưng không được vi phạm pháp luật; phải kiên quyết đối với các đối tượng lợi dụng MXH âm mưu kích động, chia rẽ, phá hoại, âm mưu lật đổ chế độ. Bộ Công an cần điều tra một số đối tượng chuyên nhận tiền để viết bài bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu chế độ trên mạng. Chủ động hơn, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng, không để lợi dụng dân chủ, tự do để xâm phạm an ninh quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động hơn trong nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ Ban Tuyên giáo T.Ư, chủ động xử lý nghiêm các sai phạm của báo chí; Hội Nhà báo Việt Nam làm tốt công tác tư tưởng cho toàn thể hội viên; xử lý kịp thời các bất cập,... Nghề báo là một nghề cao quý, được tôn vinh trong xã hội, do đó báo chí cách mạng cần đi đầu, giữ vai trò nòng cốt, đồng tâm hiệp lực, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội để góp phần quan trọng xây dựng và phát triển đất nước.

 

Tác giả bài viết: PV

Nguồn tin: nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây