Cần cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn
Thủ tướng cảnh báo sức ỳ của cải cách đã xuất hiện, ngày càng lớn và yêu cầu, không thể để tình trạng không làm cũng không sao hoặc làm không tốt cũng không sao. Không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ.Mặc dù đạt tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua, nhưng theo Thủ tướng: quán tính, động năng tăng trưởng đang giảm đi (từ 7,45% của quý I đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng).
Do đó, cần tiếp tục bổ sung thêm động năng mới cho tăng trưởng trong 2 quý còn lại của năm và nếu bây giờ không chuẩn bị thì sẽ không chạy kịp.
“Chúng ta không thể thờ ơ, vô cảm với phát triển đất nước được. Đất nước cần một cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn. Đây là câu hỏi và là vấn đề đặt ra cho các Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh giải quyết"- Thủ tướng nói.
Cho rằng 20 năm gần đây, môi trường kinh doanh có tiến triển nhưng người đứng đầu Chính phủ cho rằng, vẫn còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh", chia rẽ quyền lực và quyền lực nhóm còn lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP |
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm chống lợi ích nhóm qua các vụ án có những người từng là lãnh đạo cấp cao. Thủ tướng đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta cứ sợ trách nhiệm, cứ né tránh trách nhiệm cá nhân thì sao đất nước phát triển được? Trong khi đó quyền lực và trách nhiệm thuộc về các đồng chí.
Thủ tướng cũng cho hay, Chính phủ yêu cầu đến 31/10/2018 sẽ hoàn thiện và thông qua chính sách cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh hiện có, đồng thời yêu cầu các Bộ, ban ngành lên danh mục sớm; nhưng hiện mới chỉ một vài nơi xây dựng và hoàn thiện, còn lại nhiều bộ vẫn giậm chân tại chỗ.
"Sức ỳ của nền kinh tế đang rất lớn. Đơn cử như chính sách kết nối 1 cửa quốc gia hiện mới chỉ có 47/284 thủ tục kết nối điện tử”- Thủ tướng nêu.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu, trước 15/8, các Bộ, ngành phải hoàn thành đề xuất cắt giảm 50% thủ tục, điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được cắt bỏ để gửi về Chính phủ, trên cơ sở đó Chính phủ ban hành chính sách theo đúng kế hoạch.
Bốn nguyên nhân về tình trạng trì trệ
Về tình trạng trì trệ hiện nay, Thủ tướng cho rằng có 4 nguyên nhân: Chưa tuân thủ đúng quy luật của kinh tế thị trường; kỷ cương phép nước chưa thực thi nghiêm; tham nhũng xảy ra kéo dài và đặc biệt là bệnh quan liêu, xa dân nên không huy động được nguồn lực trong dân.
“Tôi nói điều này để các ngành, địa phương suy nghĩ, làm sao khắc phục những điểm nghẽn này để đưa đất nước đi lên, phát triển tốt hơn”- Thủ tướng nói.
Do vậy, Thủ tướng đề nghị, tiếp tục huỷ bỏ các điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết nhanh hơn. Phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện những điều kiện kinh doanh mới, nằm núp bóng ở các chính sách sắp ban hành, nhất là ở cán bộ.
Về câu hỏi, chu kỳ 10 năm khủng hoảng của kinh tế Việt Nam liệu có diễn ra không? Thủ tướng cho hay, cá nhân ông đã xem qua các thông số, dấu hiệu khủng hoảng là chưa có, những nguy cơ khủng hoảng mọi năm thường diễn ra ở thị trường bất động sản, tín dụng ngân hàng...
“Chúng ta phải xem xét lại ở Hà Nội, TP.HCM và các ngân hàng thương mại để tìm hiểu, đây là câu hỏi rất lớn mà chúng ta phải biết và trả lời, không thể chủ quan"- Thủ tướng nói.
Lập lại trật tự trên địa bàn dân cư
Trước đó, về tình hình tội phạm, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho hay, vừa qua chúng ta đã phá một vụ án rất lớn ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La, tiêu diệt tên trùm ma túy nguy hiểm Nguyễn Thanh Tuân.
Đồng thời nhận định, tình hình các loại tội phạm hoạt động lộng hành, công khai cũng đang phức tạp. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh các hoạt động triệt phá băng nhóm tội phạm lớn và lập lại trật tự trên địa bàn dân cư, không để hoạt động thách thức pháp luật.
Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, trên mạng Internet đang tiếp tục kêu gọi việc biểu tình nên các địa phương, ngành cần cảnh giác, thực hiện tốt các chỉ đạo về xây dựng khu vực phòng thủ và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc đảm bảo an ninh trật tự.../.
Tác giả bài viết: Thái Linh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn