Thủ tướng chỉ đạo: Dừng thu phí, xử lý dứt điểm BOT Cai Lậy
Thứ hai - 04/12/2017 20:02
Kết thúc cuộc họp với các bộ, ngành và tỉnh Tiền Giang tối qua (4.12) về vấn đề BOT, Thủ tướng đã quyết định dừng thu phí của Trạm BOT Cai Lậy trong 1 tháng để rà soát toàn diện và có giải pháp xử lý dứt điểm.
Trao đổi với Thanh Niên tối cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay ngay sau kết thúc cuộc họp, Thủ tướng đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ thông tin đến công luận những nét chính của phiên họp. Lắng nghe dân
Cụ thể, đánh giá chung về chủ trương BOT, Thủ tướng khẳng định việc thông qua hình thức BOT để huy động nguồn lực xã hội, nhằm phục vụ khâu đột phá hạ tầng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp. Tuy nhiên, trong khâu tổ chức thực hiện đã có chỗ này, chỗ kia xảy ra vấn đề cụ thể chưa đúng nguyên tắc, chưa hợp lòng dân, nên tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ là phải cầu thị lắng nghe phản ánh của người dân, doanh nghiệp để có sự điều chỉnh cho phù hợp, hợp lòng dân trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật. "Trên nguyên tắc đó, với trường hợp dự án BOT Cai Lậy, Thủ tướng yêu cầu dừng thu phí trong vòng 1 tháng và giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang đánh giá đồng bộ, tổng thể để báo cáo phương án bổ sung xử lý dứt điểm", ông Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khoảng 20 giờ 30 ngày 4.12, sau khi Thanh Niên và nhiều báo phát đi thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, rất đông người dân và tài xế đã kéo đến trạm bày tỏ vui mừng. Nhóm người ăn mừng đi bộ thành đoàn từ bên ngoài trạm thu phí rồi đến trước cổng nhà điều hành trạm thu phí reo hò. Khoảng 20 phút sau, nhóm người này tự giải tán. 3 phương án của Bộ GTVT
Một nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, tại cuộc họp hôm qua, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xem xét 3 phương án giải quyết với Cai Lậy. Cụ thể, phương án 1 là tiếp tục thu phí tại trạm hiện hữu, nếu ùn ứ thì xả trạm, kết hợp với tuyên truyền cho người dân và tài xế tạo đồng thuận.
Phương án 2 là di dời trạm sang tuyến tránh TX.Cai Lậy. Tuy nhiên, theo bộ này thì đây là phương án tài chính không khả thi, sẽ phải xem xét các giải pháp hỗ trợ cho nhà đầu tư, trong khi có thể xảy ra tắc nghẽn tại TX.Cai Lậy do lượng xe dồn về QL1.
Phương án 3 là đặt 2 trạm thu phí 2 nơi, một trạm trên tuyến tránh TX.Cai Lậy, một trạm trên QL1, mức thu khác nhau và thu độc lập, thời gian thu phí khác nhau do dự án tuyến tránh có số vốn khoảng 1.100 tỉ đồng, dự án nâng cấp mở rộng QL1 tổng vốn hơn 300 tỉ đồng.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay Thanh tra Bộ KH-ĐT đã tiến hành thanh tra dự án, Kiểm toán Nhà nước cũng đã vào kiểm tra dự án này và hiện Thanh tra Bộ GTVT đang kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định nếu phát hiện ai có sai phạm, kể cả Bộ trưởng, đều sẽ kỷ luật nghiêm khắc.
TIN LIÊN QUAN
Tài xế vui mừng kéo đến BOT Cai Lậy sau quyết định của Thủ tướng
Sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng thu phí tại BOT Cai Lậy trong 1 tháng để đánh giá toàn diện dự án trước khi có quyết định trở lại, nhiều tài xế kéo đến trạm thu phí để ăn mừng.
Tiền Giang nhận một phần trách nhiệm
Liên quan đến những diễn biến căng thẳng ở Trạm BOT Cai Lậy những ngày qua, ngày 4.12, thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết bộ này đã chỉ đạo công an các địa phương tổ chức trinh sát điều tra, thu thập thông tin “về việc các đối tượng cầm đầu có hành vi kích động, xúi giục gây rối trật tự công cộng” tại Trạm BOT Cai Lậy.
Trong một động thái khác, chiều 4.12, trả lời các PV bên lề một cuộc họp của tỉnh, ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết do dự án nằm trên địa bàn của tỉnh nên trong vụ việc này tỉnh Tiền Giang có một phần trách nhiệm và diễn biến nhiều ngày qua tại Trạm thu phí BOT Cai Lậy là không thể lường trước được, đã vượt quá tầm kiểm soát của tỉnh.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trong ngày hôm qua trạm BOT vẫn tiếp tục thu phí buổi sáng. Tuy nhiên, do vấp phải phản ứng của tài xế, đến 9 giờ trạm này phải xả và ngừng thu. Tuyến QL1 không còn cảnh ùn tắc như những ngày qua.
Trạm BOT Ninh An lần đầu xả trạm vì tài xế đòi thối lại 100 đồng
Chiều 4.12, ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 (Cục QLĐB III, Tổng cục Đường bộ VN), cho biết khoảng 13 giờ cùng ngày, Trạm thu phí BOT Ninh An (TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã phải xả trạm, do phương tiện ùn ứ hơn 1 km. Khoảng 13 giờ 30 phút, tuyến đường thông thoáng, trạm đã thu phí trở lại. Trước đó, khoảng 9 giờ sáng 4.12, hàng chục tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm; hoặc đưa tổng số tiền chi trả thừa 100 đồng và yêu cầu trạm thối lại. Tuy nhiên, trạm không chuẩn bị kịp tiền 100 đồng nên xảy ra ùn ứ. Trạm Ninh An đã miễn cho các xe trên đi qua, để giảm ách tắc.
Trước đó, trong tháng 11, tại Trạm BOT Ninh An đã xuất hiện các tài xế sử dụng tiền lẻ qua trạm để phản đối việc thu phí. Từ ngày 1.12, nhà đầu tư dự án mở rộng QL1 qua TX.Ninh Hòa là Công ty đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa bắt đầu thực hiện việc giảm 100% phí qua trạm Ninh An cho chủ nhiều loại xe ở các xã giáp trạm. Tuy nhiên, từ ngày 1.12 đến nay, một số tài xế ở các địa phương không được miễn giảm phí nhiều lần dùng tiền lẻ mua vé qua trạm, gây ùn ứ giao thông. Nguyễn Chung
Một quyết định kịp thời
Thủ tướng đã có quyết định rất kịp thời, việc yêu cầu tạm ngừng thu phí BOT Cai Lậy 1 tháng là biện pháp hiệu quả nhằm giảm áp lực nóng của Cai Lậy. Nếu cao trào mà đẩy lên mãi sẽ nảy sinh nhiều hiệu ứng xấu, bất ổn xã hội sẽ gia tăng, chưa kể hiệu ứng lan ra hàng loạt dự án BOT khác.
Để tìm ra giải pháp hợp lý nhất cho BOT Cai Lậy, bên cạnh việc lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia, Chính phủ có thể tiếp nhận ý kiến người dân, vì người dân có rất nhiều sáng kiến. Bên cạnh đó, để không lặp lại vấn đề tại các dự án khác, cần truy cứu trách nhiệm cá nhân, tập thể nào để xảy ra tình trạng này. Việc quy trách nhiệm sẽ khiến các bộ và địa phương phải có trách nhiệm cao hơn khi lập dự án BOT, đặt vị trí trạm, tính mức phí, chọn nhà đầu tư... Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội Chờ giải pháp căn cơ với BOT
Việc tạm dừng thu phí lúc này và tổng rà soát với BOT Cai Lậy là kịp thời và cần thiết. Nhưng tôi cho rằng thời gian 1 tháng sẽ khó giải quyết triệt để, tận gốc rễ. Bởi vì câu chuyện không chỉ có Cai Lậy, mà rất nhiều trường hợp tương tự, như Bến Thủy... Có điều tôi hy vọng sau thời gian đó Thủ tướng sẽ có thể giải quyết căn bản vấn đề. Ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Mai Hà - Chí Hiếu (ghi)