Thiếu tầm nhìn, thừa tính bảo thủ và nhóm lợi ích!

Thứ ba - 07/02/2017 04:46
Thiếu tầm nhìn, thừa tính bảo thủ và nhóm lợi ích!

 

(PL News) - Ông Vũ Mão đề nghị phải tìm ra nguyên nhân vì sao “quy hoạch Thủ đô bị băm nát” để có những giải pháp khắc phục.

Thiếu tầm nhìn, thừa tính bảo thủ

Nhiều năm qua, đường phố Hà Nội trở nên kẹt cứng và ngày càng trầm trọng. Đây là hậu quả của tầm nhìn quy hoạch đã tồn tại từ lâu. 

Vừa qua, trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương cuối năm 2016, Thủ tướng đã đề cập tới vấn đề này một cách cấp thiết.

Thủ tướng nói rõ là có quá nhiều chung cư cao tầng xây dựng với mật độ cao, do đó hạ tầng yếu kém, giao thông, điện nước... đều bị quá tải trầm trọng.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nghiêm túc rà soát lại nhằm chấn chỉnh kịp thời trước khi quá muộn.

"Tôi nói các đồng chí phải hiểu rằng không vì lợi ích trước mắt, lợi ích nhóm mà quên lợi ích cộng đồng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trao đổi về vấn đề này với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc cho biết, ngay từ sau ngày giải phóng Thủ đô năm 1954, vấn đề quy hoạch Thủ đô đã được đề cập tới, nhưng ở mức độ hạn chế.

Hơn nữa, thời điểm đó đất nước còn nghèo rồi lại bước vào thời kỳ chiến tranh nên tầm nhìn quy hoạch bị hạn chế. 

Thời kỳ sau giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc,  do hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn cho nên cũng chưa suy tính nhiều tới vấn đề quy hoạch.

Đó là hai lần chúng ta đã để lỡ mất thời cơ trong việc quy hoạch Thủ đô. Thật đáng tiếc và có phần đáng trách! 

Nhưng đáng trách hơn là trong 30 năm đổi mới, nhất là 15 năm trở lại đây, quy hoạch Hà Nội vẫn thiếu tầm nhìn, không được xem xét nghiêm chỉnh và nguy hại hơn là có đan xen nhóm lợi ích

Ai là người phải chịu trách nhiệm về những thiếu sót trong công tác quy hoạch và thực thi quy hoạch?

Đương nhiên, những người phải chịu trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về các vị lãnh đạo Hà Nội qua các thời kỳ. Nhưng nhìn rộng và sâu sắc thì còn có trách nhiệm của các cơ quan Trung ương và những người đứng đầu các cơ quan ấy.

“Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới trách nhiệm của những nhà chuyên môn. Điều thấy rất rõ là tính cục bộ, khép kín trong từng ngành, từng lĩnh vực. 

Ở đấy còn phản ánh tính bảo thủ, tính kiêu ngạo (không coi trọng kinh nghiệm của các nước) và lợi ích nhóm của các nhà chuyên môn”, ông Mão nhấn mạnh.

Ông Vũ Mão đánh giá, những người lãnh đạo thiếu tầm nhìn nhưng thừa tính bảo thủ dẫn tới yếu kém trong quy hoạch Thủ đô. ảnh: Ngọc Quang.

Ông Vũ Mão cũng cho biết, ông chia sẻ với phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố – ông Nguyễn Đức Chung: Là người ngoại đạo về quy hoạch kiến trúc, khi nhận nhiệm vụ mới, đã đọc rất nhiều tài liệu về các đô thị thế giới.

Đối chiếu với tiêu chuẩn thành phố xanh trong tương lai thì thấy “quy hoạch Hà Nội nói chung, kể cả quy hoạch lõi có những vấn đề đang chệch hướng”.

Theo ông Chung, thành phố đã không tận dụng được giá trị bất động sản trong rất nhiều năm, gây lãng phí. Nếu những năm 90, khi mở đường chúng ta lấy rộng ra hai bên 200-300m mặt đường “thì thành phố đã giàu lắm rồi, chúng ta có đủ tiền để phát triển hạ tầng không kém gì các nước khác… “Giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội”.

Cần giám sát của Quốc hội với quy hoạch Hà Nội 

Ông Vũ Mão chỉ rõ, công tác quy hoạch phải có tầm nhìn tổng thể. Ngoài vấn nạn ùn tắc thì Hà Nội cũng chưa có biện pháp nào xử lý dứt điểm được chuyện ngập lụt sau mỗi trận mưa lớn. 

Đây cũng là một bài toán khó cho thành phố khi mà hệ thống thoát nước ngầm không được đầu tư bài bản, không được bố trí khoa học, trong khi mật độ xây dựng nhà cao tầng quá lớn càng khiến cho các con phố nhanh chóng bị ngập nặng chỉ sau chừng 30 phút có mưa lớn.

Một công trình có diện tích từ 5000m2 sàn trở lên thì bắt buộc phải có đánh giá tác động giao thông và phương án xử lý.“Ở những nước phát triển, tôi được biết họ tổ chức làm quy hoạch phải tổng thể và đồng bộ, chi tiết và cụ thể.

Nếu có nguy cơ ùn tắc giao thông, gây áp lực lên hạ tầng cơ sở mà không giải quyết được thì không được phép xây dựng và phải thu hẹp quy mô cho phù hợp hoặc chuyển sang một dự án khác trên nguyên tắc không gây ùn tắc giao thông.

Trong khi đó ở nước ta, chung cư cứ thản nhiên xây trước rồi hạ tầng đuổi theo sau, cho nên không thể đồng bộ được. Và hệ lụy là đâu chỉ có đường xá không đáp ứng nổi mà một loạt các vấn đề khác nảy sinh ở nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, điện, nước, môi trường đô thị... cũng bị quá tải.

Những tồn tại ấy tích tụ từ nhiều năm dồn lại và bây giờ Hà Nội đang phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết hậu quả. Như vậy là Nhà nước thiệt hại, thành phố thiệt hại, người dân thì phải chịu đựng những bức xúc không biết sẽ kéo dài tới bao giờ.

Vai trò của lãnh đạo thành phố là vô cùng quan trọng. Tôi rất mong lãnh đạo Hà Nội sẽ sớm có biện pháp xử lý một cách khoa học và quyết liệt những tồn tại trong công tác quy hoạch”, ông Mão chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết: “Giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội”.
ảnh: giaoduc.net.vn

Cũng theo ông Vũ Mão, để giải quyết hiệu quả những tồn tại hạn chế hiện nay rất cần sự quan tâm và nhận thức đầy đủ hơn về công tác quy hoạch Thủ đô.

Ông Mão phân tích: “Luật quy hoạch đang được tích cực soạn thảo và trình Quốc hội thông qua. Có rất nhiều vấn đề còn đang có ý kiến khác nhau cần được xem xét kỹ lưỡng. Lợi ích nhóm vẫn đang là một trở ngại lớn. Cuộc đấu tranh để chống thói vô cảm, hành dân là chính đang diễn ra quyết liệt.

Một vấn đề hiện đang diễn ra là: Quốc hội chỉ ra Nghị quyết đối với các công trình quan trọng của đất nước với năm tiêu chí. Trong khi đó, Quốc hội lại không xem xét và thông qua các vấn đề về quy hoạch mang tính chiến lược như quy hoạch Thủ đô Hà Nội, quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh.

Vốn đầu tư của mỗi hệ công trình trong quy hoạch ấy lên đến hàng chục tỷ đô la chứ không chỉ là 2 tỷ đô la cho một công trình quan trọng mà Quốc hội dày công thảo luận để ra Nghị quyết. Đấy là vấn đề cần bổ khuyết.

Điều đó chứng tỏ nội dung quy trình cần phải được sửa đổi cho phù hợp. Cụ thể là, quy hoạch của Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần để Quốc hội thông qua.Vai trò giám sát quy hoạch của Quốc hội lâu nay hầu như chưa được đề cập tới. Đây là việc làm sống còn mà chúng ta không thể bỏ qua”.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần thể hiện vai trò sắc nét hơn trong công tác quy hoạch đối với Hà Nội.

“Chính phủ là cơ quan hành pháp, có vai trò quyết định trong thành bại khi quyết định thông qua và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Lâu nay, với tầm quan trọng của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương đầu tàu đóng góp tới hơn 40% GDP của cả nước, nên Chính phủ đã  xem xét và quyết định quy hoạch ở hai địa phương này. 

Quy trình đó được thực hiện đúng theo quy định hiện hành, nhưng qua thực tiễn, chúng ta thấy rất rõ ràng, quy hoạch ấy đã không được thực hiện đến nơi đến chốn, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.


Vai trò của các Bộ đối với việc xây dựng và thực hiện quy hoạch ở Thủ đô là rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng, họ có quyền, có trách nhiệm trong vấn đề quan trọng này”.

Nguồn tin: Theo Giaoduc.net.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây