Thanh tra giao thông nhận hối lộ tiền tỉ để chạy chức?

Thứ tư - 08/02/2017 04:18
Thanh tra giao thông nhận hối lộ tiền tỉ để chạy chức?

 

(PL News) - Khi bị bắt vì nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp, nhà xe, một số cán bộ thanh tra giao thông (TTGT) khai đã dùng số tiền đó để hối lộ lại cấp trên để lên chức.

Mới đây, cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đã ký bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 9 bị can, trong đó có 7 bị can nguyên là cán bộ, lãnh đạo TTGT thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ về hành vi “Nhận hối lộ”.

Thanh tra giao thông nhận hối lộ tiền tỉ để chạy chức?

Đoàn Vũ Duy, người ăn hối lộ nhiều nhất

Các bị can bị truy tố gồm: Dương Minh Tâm (Tâm “xì tin”, 37 tuổi), nguyên Phó Chánh TTGT thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ; Đoàn Vũ Duy (39 tuổi), nguyên Đội trưởng Đội TTGT Bình Thủy; Võ Hoàng Anh (35 tuổi), nguyên Đội trưởng Đội TTGT Ninh Kiều; Nguyễn Trần Lưu (40 tuổi), nguyên Đội trưởng Đội TTGT Thốt Nốt; Lý Hoàng Minh (32 tuổi), nguyên Đội phó TTGT TP Cần Thơ; Hồ Công Thiện (40 tuổi), nguyên Phó đội trưởng TTGT huyện Phong Điền; Trần Lập Pháp (31 tuổi), nguyên cán bộ Đội TTGT quận Cái Răng; Nguyễn Văn Cần (30 tuổi, ngụ Vĩnh Long) và Trần Tường An (39 tuổi, quận TP Cần Thơ) – là hai người môi giới, “cò” nhận hối lộ.

Cơ quan điều tra xác định, các thanh tra giao thông đã nhận hối lộ của 135 tổ chức, cá nhân với số tiền gần 4 tỉ đồng.

Đủ kiểu vơ vét

Theo cơ quan chức năng, công ty T.T.P (có trụ sở tại tỉnh Tiền Giang) đã đóng “hụi chết” cho Duy 892 triệu đồng. Đây là doanh nghiệp có xe tải trọng lớn, vào năm 2014, khi hoạt động tại địa bàn Cần Thơ không qua được nhiều cầu và một số tuyến đường bị hạn chế tải trọng.

Lúc đầu, công ty này thuê xe ôm canh lực lượng chức năng không làm việc để đi qua. Tuy nhiên, việc này vừa tốn tiền, vừa mất thời gian vì có lúc xe phải đợi rất lâu nhưng không hiệu quả và vẫn bị xử lý.

Qua trung gian, công ty này đưa tiền cho Duy 75 lần, với tổng số tiền 829 triệu đồng. 

Hay DNTN vận tải dịch vụ M.K (ở quận Bình Thuỷ), thường xuyên bị TTGT kiểm tra, xử phạt. Thông qua những người trong nghề kinh doanh vận tải, chủ cơ sở này biết nếu không muốn bị làm khó, xử phạt phải đóng “hụi chết” cho cán bộ TTGT. Cơ sở này đã chi hơn 130 triệu đồng cho Tâm, Anh, Minh và Lưu.

Thanh tra giao thông nhận hối lộ tiền tỉ để chạy chức?

Dương Minh Tâm khai nhận hối lộ để chạy chức

Trường hợp công ty T.H.P (có trụ sở tại TP HCM) đã đưa hối lộ cho Duy 14 lần với tổng số tiền 297 triệu đồng.

Không chỉ nhận tiền của doanh nghiệp, nhà xe lớn, các TTGT này còn “làm luật” với các cơ sở kinh doanh nhỏ, thậm chí là người hành nghề chạy xe ba gác. Điển hình như, xe tải của hãng nước đá ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), Tâm đề nghị chủ cơ sở chung chi hàng tháng và nhận của doanh nghiệp này 20 lần, tổng cộng 40 triệu đồng.

“Đáng thương” là trường hợp cuả ông T.H.L (ngụ quận Bình Thuỷ) hành nghề chạy xe ba gác tự do tại quận Ô Môn thì bị TTGT bắt. Do hoàn cảnh khó khăn, ông L xin tha thì bị TTGT rủ đi nhậu, hỗ trợ tiền bạc. Sau đó, người này được yêu cầu chuyển vào tài khoản 2 triệu đồng...

Nhũng nhiễu để chạy chức?

Theo hồ sơ, năm 2007, Dương Minh Tâm được tuyển dụng vào làm việc tại Sở GTVT TP Cần Thơ. Chưa đến 10 năm công tác, Tâm lần lượt trải qua các vị trí từ cán bộ thanh tra viên đến chỉ huy Đội và được làm Phó Chánh tranh tra vào tháng 4/2016.

Khi bị công an bắt giữ về hành vi hối lộ, Tâm khai đã sử dụng tiền nhận hối lộ của các nhà xe, chi cho ông Trương Văn Phúc (Chánh Thanh tra, nay đã chuyển công tác-PV) 370 triệu đồng để được bổ nhiệm, luân chuyển các bộ vào vị trí tốt hơn và chi cho một số lãnh đạo khác nhưng không vì mục đích hối lộ.

Tâm còn chỉ đạo cho cấp dưới là Minh nhận tiền hối lộ giúp cho mình và Duy. Nguyên Phó chánh thanh tra này còn cho phép cấp dưới nhận tiền hối lộ của một số doanh nghiệp. Tổng số tiền mà Tâm đã nhận và chịu trách nhiệm liên đới hơn 449 triệu đồng. Trong quá trình điều tra, Tâm đã thành khẩn khai báo và gia đình đã khắc phục hậu quả 150 triệu đồng.

Thanh tra giao thông nhận hối lộ tiền tỉ để chạy chức?

Các nghi can trong đường dây nhận hối lộ được xem lớn nhất miền Tây

Tương tự, Võ Hoàng Anh cũng khai đã chi xài và đưa cho ông Trương Văn Phúc số 350 triệu đồng để được bổ nhiệm vị trí cao hơn nhưng không có biên nhận, không ai chứng kiến. Kết quả đối chất, ông Phúc không thừa nhận đã nhận tiền của Tâm và Hoàng Anh.

Trong vụ án này, Đoàn Vũ Duy “ăn bạo” nhất với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng từ 57 tổ chức, cá nhân. Cơ quan điều tra xác định, hành vi nhận lối hộ của Duy xảy ra chủ yếu ở giai đoạn nghi can này là Đội trưởng đội cơ động đường bộ. Khi đó, Duy có quyền kiểm tra xe trên toàn địa bàn TP. 

Duy sử dụng “cò” và người thân là Nguyễn Văn Cần, Trần Tường An. Cần là đối tượng chỉ học đến lớp 4, đi làm thuê và lơ xe từ Bắc tới Nam. Cần quen biết và tiếp xúc với nhiều người trong lực lượng TTGT nên trở thành người trợ giúp đắc lực cho Duy trong việc bảo kê nhà xe hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ.

Theo cơ quan điều tra, cán bộ TTGT nhận tiền rất lớn thông qua “cò” hoặc nhận trực tiếp hoặc quan trung gian, qua tài khoản của cán bộ thanh tra trực tiếp đứng tên hoặc người khác đứng tên. Có trường hợp cán bộ TTGT nhận tiền hàng tháng, nhận tiền theo chuyến xe, nhận tiền để không cân xe, không kiểm tra xe…

Khi nhà xe nộp tiền chuyển vào tài khoản, “cò” trực tiếp rút tiền mặt hoặc chuyển lòng vòng rồi rút tiền đưa cho cán bộ thanh tra giao thông hoặc trực tiếp cán bộ thanh tra giao thông sử dụng tài khoản, trực tiếp rút tiền.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân khách quan các cán bộ TTGT dễ lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tiền các nhà xe kinh doanh vận tải là do: hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thời điểm xảy ra vụ án, nhiều cầu hạn chế tải trọng thấp hơn so với đường, để vào cảng, khu công nghiệp có nhiều loại xe đi không được do hạn chế tải trọng của cầu đường. 

Hoạt động đặc thù vận tải hàng hoá khi bị kiểm tra, dù ít hay nhiều cũng có thể nhắc nhở hoặc lập biên bản với lỗi vi phạm nào đó, nhất là các lỗi cảm tính. Trạm cân lưu động chưa có quy định rõ ràng, muốn cân xe nào tuỳ ý người thi hành nhiệm vụ. Các Đội TTGT ở ngoài trụ sở không chịu sự quản lý, giám sát thường xuyên kịp thời của lãnh đạo, các đội ở địa phương không chịu sự quản lý của chính quyền cấp huyện. Từ đó, các Đội thanh tra có nhiều “quyền hạn mềm”, dễ phát sinh tiêu cực. Các sai phạm được cơ quan điều chứng minh đều tồn tại ở các đội.

Tác giả bài viết: Hoài Thanh

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây