Rộng cửa với xuất khẩu lao động

Thứ tư - 15/02/2017 20:34
GD&TĐ - Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2017 được nhận định sẽ có nhiều khởi sắc trong công tác xuất khẩu (XK) lao động.
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

(PL News) - Bên cạnh việc giữ vững các thị trường truyền thống, một số thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, các nước Trung Đông... sẽ mở rộng và tạo thêm nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc tại các thị trường với điều kiện tốt, thu nhập cao.

Nhiều thị trường rộng mở

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2016, kế hoạch XK lao động được giao là 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài, song thực tế đã đưa được 126.296 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 46.029 lao động nữ, chiếm 36,45%), vượt 26,29% so với kế hoạch năm và bằng 108,89% so với năm 2015. Đây là năm thứ 3 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.

Đặc biệt, năm 2016, thị trường Hàn Quốc đã được nối lại, mở rộng cánh cửa XK lao động sang thị trường chất lượng cao. Đây là một trong những thành công của công tác XK lao động trong năm qua. Trước đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản Ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (MOU). Bản MOU được ký lại sau gần 4 năm bị gián đoạn, mở ra cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS cho nhiều người lao động Việt Nam. Trong năm 2016, 8.482 lao động đã được đưa sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; tổ chức 2 kỳ thi tiếng Hàn để tuyển chọn 2.100 lao động ngành sản xuất chế tạo, 1.300 lao động ngành ngư nghiệp và giới thiệu cho chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn trong nửa đầu năm 2017.

Một thị trường truyền thống khác là Nhật Bản trong năm qua cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Trước đây, thực tập sinh Việt Nam được Nhật Bản tiếp nhận chủ yếu trong các ngành cơ khí, điện tử, dệt may. Tuy nhiên, hiện nay Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong hầu hết các ngành nghề từ xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dệt may, trong đó, nhu cầu với các ngành xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm tăng mạnh. Trong năm qua, 37.000 người lao động Việt Nam đã sang làm việc tại Nhật Bản, chiếm tỉ lệ 31% tổng số lao động đưa đi XK trong năm 2016 và đứng đầu trong số các nước đưa tu nghiệp sinh sang Nhật Bản.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương, năm 2017, kế hoạch đưa được 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đặc biệt, nhiều thị trường mới như Thái Lan, Australia... sẽ được triển khai sau khi các hiệp định và thỏa thuận về hợp tác lao động được ký kết. Thị trường Đức, Nhật Bản cũng tiếp tục nhận ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc theo các chương trình đã ký kết.

Chú trọng nâng cao chất lượng

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017 là đặt lên hàng đầu công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khi đi làm việc ở nước ngoài.

Trước hết, các DN phải phối hợp với các đối tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do DN đưa đi. Đối với các thị trường có nhiều lao động Việt Nam làm việc, sẽ có các ban quản lý lao động tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chức năng quản lý lao động. Đối với những nước không có ban quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để làm tốt công tác bảo hộ công dân và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng lao động cũng được xác định là yếu tố then chốt góp phần vào sự phát triển bền vững của hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài việc giám sát các DN trong công tác tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp với các địa phương, DN tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài cho các đối tượng chính sách xã hội.

Thời gian tới, việc ưu tiên, đẩy mạnh đưa lao động có trình độ, lao động đã qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài luôn là chủ trương lớn được thực hiện. Hiện, Dự án Hỗ trợ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có chương trình Hỗ trợ đào tạo lao động trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận quốc gia hoặc theo các hợp đồng cung ứng giữa DN Việt Nam với đối tác nước ngoài đang được triển khai. Đặc biệt, Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025” sẽ được nghiên cứu hoàn thiện và trình Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo các chuyên gia, thị trường lao động năm 2017 sẽ tập trung “nóng” ở một số nhóm nghề như: Công nghệ thực phẩm, bưu chính - viễn thông - dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử - cơ điện tử, công nghệ sinh học, cơ khí tự động hóa, dệt may - giày da, dịch vụ - phục vụ, y dược - chăm sóc sức khỏe, du lịch - nhà hàng - khách sạn, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng, kinh doanh - bán hàng, hành chính văn phòng…

 

 

Tác giả bài viết: Xuân Huy

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây