Quyết định cho thôi nhiệm vụ đối với một đại biểu Quốc hội

Thứ ba - 06/03/2018 20:05
Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH đối với ông Ngô Đức Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.
Quyết định cho thôi nhiệm vụ đối với một đại biểu Quốc hội

Theo chương trình dự kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp lần thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 2 đợt, đợt 1 vào ngày 12 – 13/3 và đợt 2 vào ngày 20 – 22/3.

Hai Bộ trưởng trả lời chất vấn 

Cụ thể, trong đợt 1, ngày 12/3, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ; một số nội dung của dự thảo Nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Sau đó một ngày, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Ngô Đức Mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận (người đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Nga).

Đợt 2, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); cho ý kiến lần 2 về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Đặc biệt, tại đợt này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng có chương trình riêng về nội dung tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với việc đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Có thể xem xét việc lấy phiếu tín nhiệm sớm hơn dự kiến

Đáng lưu ý nhất của đợt làm việc này có lẽ là việc Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Cụ thể, vào sáng 22/3 - ngày làm việc cuối cùng trong đợt 2 của phiên họp Thường vụ Quốc hội lần thứ 22, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Trưởng ban Công tác Đại biểu Trần Văn Tuý trình bày tờ trình về nội dung này.

Theo quy định tại Nghị quyết 85 năm 2015 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Quốc hội, Hội đồng nhân dân sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ, vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ, tức là vào kỳ họp 6 Quốc hội tới đây.

Tuy nhiên một nguồn tin cho biết, hiện có ý kiến đề xuất đẩy việc lấy phiếu tín nhiệm lên sớm hơn, từ thời điểm Quốc hội họp kỳ 6 vào cuối năm 2018 lên kỳ họp thứ 5, dự kiến diễn ra vào tháng 5 – 6/2018. Tuy nhiên, việc này lại trái với Nghị quyết 85 nên chưa chốt phương án nào.

Ban Công tác Đại biểu dự kiến chuẩn bị trình cả hai phương án để xin ý kiến Thường vụ Quốc hội.

Nghị quyết 85 quy định về quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm phải có báo cáo bằng văn bản gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội có hoạt động lấy phiếu tín nhiệm. Do đó, nếu việc lấy phiếu tín nhiệm tại khoá này được quyết định đẩy sớm lên nửa năm so với dự kiến, việc điều chỉnh quy định phải thực hiện ngay để kịp hoàn thiện quy trình.

 

Tác giả bài viết: Hoài Thu

Nguồn tin: .baogiaothong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây