Quan chức chửi dân sao không bị kỷ luật?

Thứ năm - 02/05/2019 22:02
Cách ứng xử của bà Đàm Thị Hệ với dân làm cho công luận vô cùng sốc. Chuyện xảy ra đã hơn một năm nhưng tại sao đến nay, lãnh đạo thị xã Gia Nghĩa và tỉnh Đắk Nông không có một hình thức xử lý thích đáng nào?
Quan chức chửi dân sao không bị kỷ luật?

“Tao không muốn làm việc với dân ở đây. Tao không cần kê khai của dân, tao chỉ cần xác nhận, tao làm việc độc lập. Tao không sợ thằng nào bảo kê ở đây nha, dù là thằng nào ở phòng Tài nguyên, bảo kê là tao chấp đó”.

“Tao sẽ cho công an xác minh đấy. Đừng thách thức tao. Tao đã ra tay thì tao không ngán đứa nào đâu... tao không mời dân, sao nay lại có dân... Tao ghét nhất là làm mà đằng sau báo, thông tin trong thì chưa biết mà ngoài đã biết rồi”.

“Tao sẽ gọi cho lãnh đạo của mày chứ mày đừng có bố láo với tao nha”. “Ăn cướp của nhà nước thì được, ăn cướp của nhà nước thì dễ nhưng ăn cướp của tao không dễ đâu”. [1]

Đọc những đoạn đối thoại trên đây, chắc chắn ai cũng nghĩ rằng đó là ngôn từ của dân anh chị thuộc thành phần cộm cán, bất hảo trong xã hội đang đấu khẩu, ăn thua với nhau.

Nhưng hoàn toàn không phải vậy!

Đây là ngôn từ của bà Tiến sĩ Đàm Thị Hệ Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông trong buổi làm việc với ông Nguyễn Huy Bé, là đảng viên, Trưởng phòng Tín dụng của một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh này vào ngày 5/3/2018.

Quan chức chửi dân sao không bị kỷ luật?
Bà Đàm Thị Hệ trong buổi làm việc với người dân.

Với cả một chuỗi ngôn từ thô lỗ, vô văn hóa tuôn ra từ miệng của một quan chức cấp Trưởng phòng, có vị học vị Tiến sĩ người viết bài không cần phải bàn luận gì thêm.

Vì năng lực, nhân cách, đạo đức cũng như sự coi thường người dân; coi thường cán bộ, công chức, đảng viên và dám thách thức tất cả của bà Tiến sĩ, đã được bà ta phơi bày đầy đủ.

Người viết bài chỉ thắc mắc, thông thường trong cuộc sống, văn hóa ứng xử của một người sẽ tương đồng với trình độ học vấn của người đó. Bởi vậy người Anh mới có ngạn ngữ: “Tri thức làm ta khiêm tốn, ngu si làm ta kiêu ngạo”. Với Bà Hệ không những có học vị Tiến sĩ mà còn là quan chức cấp trưởng phòng. Vậy bà Hệ là người có tri thức hay là…?

Với hành vi ứng xử của bà Hệ, chắc rằng sẽ làm cho người thầy hướng dẫn bà thực hiện luận án cùng các vị trong Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ và vị ký quyết định công nhận bà là Tiến sĩ ngượng ngùng, xấu hổ vô cùng về người học trò của mình.

Để không làm vấy bẩn cái danh Tiến sĩ, bà Hệ cần phải biết rằng thời xưa, người đỗ Tiến sĩ được khắc tên lên bia đá để vinh danh với hậu thế từ đời này qua đời khác. Bởi những người đó là tinh hoa của đất nước, được triều đình trọng dụng, được xã hội tôn vinh. Vì họ không chỉ uyên bác về tri thức mà còn chuẩn mực về đạo đức và nhân cách, nhất là trong giao tiếp ứng xử.

Thời nay cũng vậy, với quan điểm trọng dụng nhân tài, Nhà nước có một số chế độ đãi ngộ đối với những người có học vị Tiến sĩ hoặc có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư. Không những thế, thực hiện chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, nhiều địa phương có những chế độ đại ngộ hậu hĩnh đối với những người có học vị, học hàm để thu hút họ về xây dựng quê hương, phụng sự nhân dân.

Không biết bà Tiến sĩ Hệ có thuộc đối tượng “chiêu hiền đãi sĩ” của tỉnh Đắk Nông không?

Qua hành vi ứng xử của bà Tiến sĩ Đàm Thị Hệ, công luận không thể không đặt các câu hỏi:

Tại sao một con người như vậy mà vẫn trở thành đảng viên, trở thành công chức và được giao giữ chức trưởng phòng của một phòng quan trọng cấp thị xã?

Cách ứng xử của bà Hệ với dân làm cho công luận vô cùng sốc. Chuyện xảy ra đã hơn một năm nhưng tại sao đến nay, lãnh đạo thị xã Gia Nghĩa và tỉnh Đắk Nông không có một hình thức xử lý thích đáng nào?

Phải chăng Bà Tiến sĩ Hệ được ai đó đứng trong bóng tối “nâng đỡ không trong sáng” và được bảo vệ đến cùng?

Hay bà Hệ là con cháu của quan chức nào?

Phải chăng câu trả lời phóng viên Infonet của ông Nguyễn Bốn - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông về việc chửi dân của Đàm Thị Hệ: “Có cái gì đâu, anh liên hệ với thị xã đi nha, tôi đang bận việc” là cách xử lý sai phạm của cấp dưới của lãnh đạo tỉnh này? [2]

Phải chăng Quy định Số 102-QĐ/TW về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” và Quy định Số 08-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên …” của Ban chấp hành Trung ương vẫn chưa đến với bà Hệ và cán bộ lãnh đạo tỉnh Đắk Nông?

Thử hỏi sự nghiêm minh của cấp ủy Đảng và chính quyền thị xã Gia Nghĩa và tỉnh Đắk Nông trong duy trì kỷ luật Đảng, kỷ luật của bộ máy chính quyền đến đâu?

Công luận rất cần câu trả lời của lãnh đạo thị xã Gia Nghĩa và lãnh đạo tỉnh Đắk Nông!

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Huy Viện 

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây