Ông Đinh La Thăng nhận trách nhiệm và mong được khoan hồng

Thứ năm - 28/12/2017 20:22
Theo Viện KSND tối cao, trong việc PVN góp vốn và mất trắng 800 tỉ đồng tại OceanBank, bị can Đinh La Thăng là người quyết định chủ trương, chỉ đạo thực hiện với tư cách là người đứng đầu PVN.
Ông Đinh La Thăng nhận trách nhiệm và mong được khoan hồng
'Ông Đinh La Thăng khi còn là Bộ trưởng Bộ GTVT

 /// Ngọc Thắng '
Ngày 28.12, Viện KSND tối cao tống đạt cáo trạng truy tố 7 bị can về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại 800 tỉ đồng của Tập đoàn dầu khí VN (PVN) đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Các bị can: Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV PVN; Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN; Vũ Khánh Trường, nguyên thành viên HĐTV PVN; Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc PVN; Nguyễn Xuân Thắng, nguyên thành viên HĐTV PVN; Nguyễn Thanh Liêm, nguyên thành viên HĐTV PVN; Phan Đình Đức, nguyên thành viên HĐTV PVN, bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 165 bộ luật Hình sự. Riêng bị can Ninh Văn Quỳnh bị truy tố thêm tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, theo điều 280 bộ luật Hình sự.
Ông Đinh La Thăng nhận sai
Theo cáo trạng, từ tháng 9.2008, thông qua giới thiệu của Nguyễn Xuân Sơn, ông Đinh La Thăng gặp gỡ Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch OceanBank. Sau đó, ông Đinh La Thăng và Hà Văn Thắm đã ký thỏa thuận PVN góp 20% vốn điều lệ vào OceanBank.
Cáo trạng nêu rõ, bị can Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN, đã ký thỏa thuận hợp tác Số 6934 ngày 18.9.2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT OceanBank, nhưng không thông qua HĐQT; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank, ký ban hành nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng; không thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn. Ông Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của OceanBank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp 800 tỉ đồng vào OceanBank. Đến ngày 1.1.2011, luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực, với vai trò Chủ tịch HĐTV, Đinh La Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại OceanBank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15%, mà tiếp tục ký quyết định giao bà Vũ Thị Thanh Hương, là người đại diện 20% vốn của PVN tại OceanBank, trái quy định, tạo điều kiện cho Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỉ đồng (đợt 3) vào OceanBank.
Hậu quả, toàn bộ số 800 tỉ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại OceanBank với giá 0 đồng.
Hành vi của ông Đinh La Thăng đã làm trái nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT, trái với chỉ đạo của Thủ tướng, dẫn đến PVN mất 800 tỉ đồng. Ông Đinh La Thăng là người quyết định chủ trương, chỉ đạo việc thực hiện và với tư cách là người đứng đầu PVN có trách nhiệm đảm bảo toàn vốn của PVN.
Đáng chú ý, trong giai đoạn điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra nhận định, bị can Đinh La Thăng khai báo thiếu thành khẩn, né trách nhiệm, hợp thức tài liệu không đúng bản chất sự thật, gây cản trở hoạt động điều tra.
Tuy nhiên, trong giai đoạn truy tố, Viện KSND tối cao nêu “bị can Đinh La Thăng nhận trách nhiệm trước pháp luật với vai trò người đứng đầu PVN và xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật’’.
Tiền tỉ đựng trong túi rượu
Theo cáo trạng, bị can Ninh Văn Quỳnh được bổ nhiệm kế toán trưởng, Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN từ năm 2008 - tháng 2.2014 với nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê của PVN, tham mưu đề xuất giúp Tổng giám đốc giám sát tài chính tại PVN. Trong 3 lần HĐQT/HĐTV PVN ban hành chủ trương góp vốn, bổ sung góp vốn mua cổ phần của OceanBank giai đoạn năm 2008 - 2011, Ninh Văn Quỳnh đã trực tiếp chỉ đạo ban tài chính kế toán làm các thủ tục, tham mưu, đề xuất trình văn bản liên quan đến 3 lần góp vốn để Ban Tổng giám đốc PVN và HĐQT/HĐTV ký. Hành vi của bị can Ninh Văn Quỳnh đã đồng phạm, giúp sức với vai trò là người thực hành tích cực cho các hành vi sai phạm của ông Đinh La Thăng. Vì vậy, Ninh Văn Quỳnh phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hậu quả, gây thiệt hại cho PVN là 800 tỉ đồng.
Từ tháng 3.2009 - 12.2013, Ninh Văn Quỳnh với vai trò kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận và chiếm đoạt số tiền 20 tỉ đồng là tiền chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN tại OceanBank từ Nguyễn Xuân Sơn. Bị can Quỳnh khai nhận, khoảng 2 - 3 tháng Nguyễn Xuân Sơn gọi Quỳnh đến phòng làm việc hoặc kết hợp làm việc để đưa tiền, mỗi lần từ 1 - 2 tỉ đồng bằng tiền có mệnh giá 500.000 đồng, các khoản tiền này được đựng trong túi rượu hoặc hộp đựng áo sơ mi (trong hộp không có rượu hoặc áo mà chỉ đựng tiền). Khoản tiền chiếm đoạt này, Quỳnh sử dụng vào mục đích cá nhân như gửi tiết kiệm ở ngân hàng, mua chung cư ở TP.HCM, xe ô tô và cho 2 con đi du học ở Mỹ và Anh... Trong quá trình điều tra, gia đình ông Quỳnh đã nộp 20 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Truy tố Trịnh Xuân Thanh và em trai ông Đinh La Thăng về tội “tham ô tài sản”
Ngày 28.12, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố vụ án “tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty CP bất động sản điện lực dầu khí VN (PVP Land) và Công ty CP Minh Ngân. Viện KSND tối cao truy tố 8 bị can gồm: Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC); Đào Duy Phong, nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land; Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên Tổng giám đốc PVP Land; Đinh Mạnh Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà, là em trai ông Đinh La Thăng; Thái Kiều Hương, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Vietsan; Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng và dịch vụ 1/5, Công ty CP Minh Ngân; Nguyễn Thị Kim Thoa, kế toán trưởng Công ty CP xây dựng và dịch vụ 1/5, Công ty CP Minh Ngân; và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, kinh doanh tự do, về tội “tham ô tài sản”.
Trong vụ án này, bị can Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới bán cổ phần, là tài sản của nhà nước thấp hơn mức giá thỏa thuận, tạo ra chênh lệch cổ phần trị giá 87 tỉ đồng (trong đó có tài sản của nhà nước). Giá trị tài sản các đối tượng đã chiếm đoạt là 49 tỉ đồng. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 14 tỉ, Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỉ... Mặc dù sau đó các bị can đã trả lại khoản tiền này nhưng các cơ quan tố tụng xác định hành vi phạm tội của các bị can đã hoàn thành nên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
 

 

Tác giả bài viết: Thái Sơn

Nguồn tin: thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây