'Nói buôn chổi đót, nuôi heo xây biệt phủ là nhờn pháp luật'

Thứ ba - 05/09/2017 21:32
(Phapluat News) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn cho rằng cán bộ nói "buôn chổi đót, nuôi heo" xây biệt phủ là nhờn pháp luật và coi thường dân.
'Nói buôn chổi đót, nuôi heo xây biệt phủ là nhờn pháp luật'

Chiều 5/9, cho ý kiến về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 của Thanh tra Chính phủ tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, nhiều đại biểu không đồng tình với báo cáo này.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp Quốc hội cho rằng còn nhiều vấn đề tồn tại nhưng chưa được nêu trong báo cáo. "Mỗi khi người dân, cử tri phản ánh về biệt phủ của quan chức thì thường đó là ở những tỉnh nghèo, vẫn phải nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương", đại biểu Sơn nói.

Theo vị đại biểu này, khi có vấn đề, các cơ quan thanh tra vào cuộc, cán bộ lại có những giải thích coi thường dư luận, coi thường dân như: “Bán chổi đót, đi nuôi heo mới có tiền xây biệt phủ”.

“Đây chính là thái độ khinh nhờn pháp luật, coi thường dân. Nếu giải thích thế thì cách đây 30 năm tôi thành đại gia rồi. Là công bộc của nhân dân mà thái độ trả lời trước dư luận thế thì chắc nên cho nghỉ việc chứ không nên để tồn tại”, ông Nguyễn Bá Sơn nhấn mạnh.

'Noi buon choi dot, nuoi heo xay biet phu la nhon phap luat' hinh anh 1
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Bá Sơn. 

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đức Sáu (TP.HCM) cũng nhận định cách lý giải "nhiều tiền là nhờ bán chổi, nuôi heo", chỉ cần nghe thì ai cũng bình luận rằng họ đang coi thường tổ chức, coi thường dư luận, và như vậy cũng không đủ tư cách làm cán bộ, đảng viên.

"Có những cán bộ lúc làm hồ sơ xin cấp đất thì trình bày là khó khăn về chỗ ở, đến khi phát hiện tài sản “khủng” thì trả lời là do mẹ nuôi, em nuôi tặng. Dư luận đâu có “mù” mà tin vào những giải thích như vậy. Cái mất lớn nhất là dư luận mất niềm tin", đại biểu Sáu cho ý kiến.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng báo cáo quá cô đọng, chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng.

"Nguyên nhân không phải do thể chế, do chủ trương, pháp luật của ta thiếu, nhiều sơ hở nên dẫn đễn tham nhũng, mà nguyên nhân chính là ở khâu tổ chức thực hiện và kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm minh. Vì thế, chúng cần chỉ rõ địa chỉ nơi nào, người nào vi phạm, như thế mới có tính thực chất, răn đe", Phó chủ tịch Quốc hội phân tích.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu các đại biểu Quốc hội nhất định sẽ hỏi tại sao lại dự báo tham nhũng năm 2018. Để chứng minh thuyết phục, Chính phủ cần đưa ra số liệu, phân tích, chứng minh.

Tác giả bài viết: Thắng Quang

Nguồn tin: news.zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây