Trưa 26/7, máy bay Su-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) bị rơi tại khu vực làng Dừa (xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) khiến hai phi công có mặt trên chuyến bay tử nạn.
Nhiều người đến nhà chia buồn với gia đình phi công Khuất Mạnh Trí.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị QĐND Việt Nam cho biết, chiếc máy bay Su22 gặp nạn khi đang thực hiện việc bay huấn luyện chiến đấu. Thời điểm xảy ra vụ tai nạn trên máy bay có 2 phi công gồm trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng của Trung đoàn 921 và thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm bay của Trung đoàn 921.
Chiều cùng ngày, tìm về phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, Hà Nội nơi quê nhà phi công Khuất Mạnh Trí có rất nhiều người dân đến thăm hỏi, gửi lời chia buồn tới gia đình. Nhận được tin con trai hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện, mẹ trung tá Trí ngồi bần thần trong nhà, bà lặng lẽ như người mất hồn. Nhiều người thân phải đứng bên cạnh động viên, an ủi.
Mẹ trung tá Trí bần thần sau khi biết tin con cùng đồng đội gặp nạn.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Khuất Minh (em họ trung tá Trí) cho biết rằng khi nghe tin phi công này cùng đồng đội gặp nạn, chị và người thân ai ai cũng bị sốc và vô cùng đau xót khi phép màu đã không đến.
“Lần nào nắm thông tin máy bay rơi, tôi cũng nhắn hỏi anh Trí biết thông tin chưa, bay ổn không? Lúc nào anh cũng nhắn lại: 'Cô yên tâm, anh bay ổn'. Nhưng lần này vô tình tôi nhắn tin hỏi thì không gửi được, gọi điện thì thuê bao tắt máy. Đến 14h giờ cùng ngày thì mẹ tôi báo, cứ nghĩ anh bay từ Bắc Trung Bộ đổ ra, không nghĩ máy bay của anh rơi”, chị Minh chia sẻ.
Theo chị Minh, trung tá Trí sinh ra và lớn lên trong gia đình nề nếp. Trước khi trở thành phi công, anh Trí thi đỗ Đại học Bách khoa, nhưng 1 tuần sau bên Quân chủng Phòng không không quân gọi điện báo anh đỗ vào trường quân đội nên theo nghiệp bộ đội của bố.
“Anh học giỏi, sống rất tình cảm. Anh bay liên tục, hầu như không ở nhà, lần đầu tiên bay ở Nha Trang, trước khi chuyển về Nội Bài thì bay ở Bắc Giang. Anh là anh cả luôn lo lắng cho gia đình, ngay sau khi bố mất, anh là chỗ dựa, trụ cột gia đình của mẹ, của vợ con và em gái”, chị Minh nói.
Nhận xét về trung tá Trí, ông Nguyễn Văn Mạnh (60 tuổi, người dân ở đường Phạm Ngũ Lão) và nhiều người dân xung quanh cho biết, ở khu phố, phi công này là người rất ngoan, hiền lành, thân thiện với người xung quanh.
“Từ nhỏ anh Trí ngoan, hiền lành nên ai cũng yêu quý. Hiện anh Trí sống cùng vợ và hai con nhỏ, còn bố mất lâu rồi. Trí rất khiêm tốn, mỗi lần đi công tác về không mặc quân hàm, nên dân chúng tôi cũng chỉ biết anh ấy làm trong quân đội, chứ không biết là một phi công giỏi. Chúng tôi ai nấy cũng đều ngỡ ngàng khi đọc được thông tin anh ấy hy sinh. Anh ấy là trụ cột của gia đình, anh mất chỉ tội hai cháu còn quá nhỏ”, ông Mạnh chia sẻ.
Theo một người hàng xóm khác chia sẻ, dù không phải là người trong nhà nhưng khi hay tin trung tá Trí gặp nạn bà con trong khu phố đều rất buồn. “Ban đầu khi nghe tin máy bay gặp nạn, mọi người đều cầu mong có một phép màu nào đó để Trí được quay trở về nhưng điều đó đã không xảy ra”, người dân này nói.
Được biết, vợ của phi công Trí hiện đang công tác tại Bưu điện TX Sơn Tây. Hai con của phi công này còn rất nhỏ tuổi. Được biết, đến hơn 19h tối 26/7, đoàn xe cùng 2 xe cứu thương đưa thi thể 2 phi công rời khỏi hiện trường vụ máy bay rơi.
Tác giả bài viết: Định Nguyễn
Nguồn tin: saostar.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn