Người nuôi lợn kêu cứu

Thứ năm - 20/04/2017 03:04
(PL News) - Trước tình trạng giá thịt lợn giảm thấp nhất trong lịch sử, Bộ NN&PTNT vừa ra văn bản kiến nghị nhiều biện pháp “giải cứu” khẩn người chăn nuôi.
Giá thịt lợn liên tiếp giảm sâu trong những ngày qua
Giá thịt lợn liên tiếp giảm sâu trong những ngày qua

Giá lợn hơi giảm không phanh, chủ trang trại lỗ nặng

Trưa 19/4, chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Đỗ Văn Dũng, chủ trang trại lợn An Khê (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, trong tuần qua, giá lợn xuất chuồng đã giảm từng ngày. Nếu như đầu tháng, giá lợn thịt xuất ở mức 27-28 nghìn đồng/kg thì hiện tại chỉ còn khoảng 22-23 nghìn đồng/kg. Nhìn dãy chuồng với khoảng 800 đầu lợn, anh Dũng ngán ngẩm: “Lúc đắt lợn giống lên tới 1,7 triệu đồng/con, còn bây giờ có thể xin được cho không”.

Kể từ khi giá lợn giảm tới nay, để duy trì trang trại, anh Dũng cho biết, đã phải cắm sổ đỏ vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng với lãi suất 10,5%/năm. “Lãi suất cao, giá lợn xuống đáy không phanh, cầm cự tới lúc này, những chủ trang trại như tôi có thể nói như đã chết hẳn không còn sức để cựa quậy nữa. Nếu Nhà nước quan tâm nên hỗ trợ lãi suất trong vòng 1 năm, may ra những hộ chăn nuôi lớn như chúng tôi mới mong được giải cứu”, anh Dũng bày tỏ.

"Về lâu dài, chăn nuôi lợn cũng như các mặt hàng nông sản khác phải có sự đổi mới, giám sát được quy hoạch tại các địa phương. Không để tình trạng người dân thấy được giá lại đổ xô vào sản xuất và đến lúc thua lỗ lại than phiền Nhà nước không có chính sách hỗ trợ. Chúng tôi tập trung quản lý Nhà nước, chỉ có một phần trách nhiệm xúc tiến thương mại, còn nhiệm vụ chính vẫn là các doanh nghiệp”.

Ông Tống Xuân Chinh
Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi
(Bộ NN&PTNT)

Chung tình cảnh, trang trại nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Hanh (Mỹ Đức, Hà Nội) hiện đang có 1,5 nghìn con lợn thịt và bắt đầu đến kỳ xuất chuồng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, giá thành lợn thịt đang “rớt thảm” khiến hộ nông dân này phải đối diện với nguy cơ thua lỗ hàng tỉ đồng. Ước tính, với giá 23 nghìn đồng/kg, các hộ chăn nuôi sẽ thua lỗ hơn 1 triệu đồng/con lợn 100 kg. “ Giá lợn liên tục xuống thấp, không biết đã xuống đáy hay chưa? Tính riêng lứa lợn này, chúng tôi có thể mất trắng tới 1,5 tỷ đồng”, anh Hanh than thở.

Thê thảm hơn, giá lợn thu mua từ các hộ chăn nuôi theo quy mô gia đình hiện chỉ còn 19-20 nghìn đồng/kg. Nhiều gia đình do không tiêu thụ được lợn phải trực tiếp giết mổ để bán cho người thân, xóm làng với mức giá chỉ 45-50 nghìn đồng/kg thịt nạc.

Khảo sát trên thị trường, mấy ngày qua, giá thịt lợn tại các chợ cũng đã giảm sâu. Một tiểu thương tên Hoa bán thịt lợn tại chợ Quang (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) cho hay: “Giá thịt lợn giảm mạnh trong 3 ngày nay. Hiện, giá thịt lợn mông sấn, thịt nạc vai có giá từ 50-55 nghìn đồng/kg, sườn non 75 nghìn đồng/kg… đắt nhất là thịt ba chỉ có giá 80 nghìn đồng/kg”. Cũng theo bà Hoa, tuy giá thịt lợn giảm, song người mua cũng không mấy mặn mà. Tới trưa 19/4, phản thịt của bà Hoa và các tiểu thương bên cạnh mới chỉ vơi đi chút ít.

Còn tại các siêu thị, nhân viên cửa hàng Vinmart cho biết, giá thịt mấy ngày nay nhập vào có giảm từ 6-8% tùy từng loại. Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, giá thịt lợn tại các siêu thị tuy giảm nhưng chỉ ở mức không đáng kể: Thịt lợn xay vẫn có giá 109 nghìn đồng/kg, sườn non 132,5 nghìn đồng/kg, thịt nạc vai 120,5 nghìn đồng/kg…

Kiến nghị “giải cứu” thịt lợn trong nước

Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nhận định: Giá lợn hơi đã xuống thấp và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Theo ông Chinh, nguyên nhân chính từ sự mất cân bằng của thị trường cung - cầu. “Từ đầu năm tới nay, hơn 2 triệu con lợn được sản xuất là nguyên nhân tạo ra lượng thịt dư thừa trong dân. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu theo con đường tiểu ngạch”, ông Chinh nói.

Trước cuộc khủng hoảng “thừa” thịt lợn, Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét dừng hoạt động nhập khẩu thịt lợn, lục phủ ngũ tạng về Việt Nam theo hình thức tạm nhập, tái xuất nhằm bảo vệ thị trường trong nước, chống lây lan các loại dịch bệnh và giảm tác động đến vận tải hàng hóa. Theo bản kiến nghị, thịt lợn về Việt Nam diện tạm nhập, tái xuất không phục vụ nhu cầu trong nước, nhưng thời gian qua đã có lượng lớn hàng hóa, sản phẩm thuộc hình thức này được đưa ra thị trường. Do không phải đóng thuế nên giá các mặt hàng này rẻ hơn so với mặt bằng giá chung của thị trường khá nhiều. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến thị trường thịt trong nước và tạo cuộc chiến cạnh tranh giá cho hàng Việt Nam.

Cùng với nội dung trên, Bộ NN&PTNT còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng và các tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thú y; Yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ chế biến và tiêu thụ nhiều thịt như: Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Corp, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, các đơn vị quân đội... tăng cường thu mua giết mổ cấp đông đối với thịt lợn.

Về lâu dài, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi lợn nái, để tiến tới giảm lượng lợn thương phẩm bởi đã xuất hiện tình trạng vượt quy hoạch ngành. Hiện đàn lợn nái đã lên 4,2 triệu con, cần giảm xuống mức 3 triệu con vào năm 2019.


 

Tác giả bài viết: Hoàng Ngân - Cao Sơn

Nguồn tin: baogiaothong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây