Nghỉ Tết sớm, đỡ cập rập

Chủ nhật - 01/10/2017 21:01
(phapluat News) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xin ý kiến các bộ, ngành về phương án nghỉ Tết nguyên đán 2018, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định
Nghỉ Tết sớm, đỡ cập rập

 

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), việc nghỉ Tết nguyên đán của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (NLĐ) của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, từ năm 2010 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào một số dịp nghỉ lễ, Tết khi có tình huống nghỉ ngắt quãng.

Nghỉ Tết sớm, đỡ cập rập - Ảnh 1.

 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, trao quà Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017 cho công nhân KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội)

 

Qua rà soát lịch năm 2018, Bộ LĐ-TB-XH nhận thấy các dịp nghỉ lễ, Tết năm 2018 đều liền với ngày nghỉ hằng tuần, không xuất hiện tình trạng 1-2 ngày làm việc xen kẽ giữa các ngày nghỉ. Vì vậy, bộ đề xuất không hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào các dịp nghỉ lễ, Tết năm 2018. Đối với Tết Âm lịch, Bộ Luật Lao động 2012 quy định nghỉ 5 ngày; Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10-5-2013 quy định người sử dụng lao động chọn 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm hoặc 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm. Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB-XH xây dựng 2 phương án.

Phương án 1, nghỉ 7 ngày liên tục từ 14 đến hết 20-2-2018 (tức 29 tháng chạp năm Đinh Dậu đến mùng 5 tháng giêng năm Mậu Tuất); trong đó có 2 ngày trước Tết, 3 ngày sau Tết, 2 ngày nghỉ bù do mùng 2 và 3 Tết trùng ngày nghỉ hằng tuần. Phương án 2, nghỉ 7 ngày liên tục từ 15 đến hết 21-2-2018 (tức 30 tháng chạp năm Đinh Dậu đến mùng 6 tháng giêng năm Mậu Tuất); trong đó có 1 ngày trước Tết, 4 ngày sau Tết, 2 ngày nghỉ bù do mùng 2 và 3 Tết trùng ngày nghỉ hằng tuần.

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất lựa chọn phương án 1 vì cho rằng phù hợp do số ngày nghỉ trước Tết không quá ngắn, nghỉ sau Tết 5 ngày là phù hợp, ngày đi làm ngắt quãng là 2 ngày liên tục nên tác động tiêu cực không nhiều.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Ban Kinh tế chính sách và Thi đua khen thưởng - Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng nghỉ 2 ngày trước Tết và 5 ngày sau Tết là hợp lý. Ông ủng hộ phương án 1. Theo ông Quang, việc được nghỉ trước Tết 2 ngày sẽ giúp NLĐ xa quê tránh phải mua vé tàu, xe với giá đắt đỏ do cận ngày nghỉ, có thời gian về quê sớm để sắm Tết cũng như trở lại làm việc sau Tết bớt cập rập.

Theo chị Nguyễn Thị Long - chủ doanh nghiệp tư nhân tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội - dịp Tết nguyên đán, nhiều khi NLĐ xin nghỉ trước 5 ngày vì nhà xa, sau Tết đến hết rằm tháng Giêng mới đủng đỉnh quay lại làm việc trong khi đơn hàng nhiều, cần làm cho kịp tiến độ giao. Do đó, Bộ Luật Lao động quy định cho NLĐ nghỉ 5 ngày trong dịp Tết nguyên đán là phù hợp. Năm nào trùng vào ngày nghỉ hoặc hoán đổi ngày nghỉ thì NLĐ được nghỉ dài hơn. Tuy nhiên, nghỉ dài quá cũng không tốt.

Nếu phương án đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH được chọn, số ngày nghỉ Tết Mậu Tuất 2018 sẽ bằng số ngày nghỉ Tết Đinh Dậu 2017 và ít hơn 2 ngày so với Tết nguyên đán 2015, 2016 là 9 ngày. 

Ông ĐOÀN VĂN VỸ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Trường Lợi - KCN Bình Chiểu (TP HCM):

Nên nghỉ liên tiếp 7 ngày

Đa số NLĐ làm việc tại các KCX - KCN TP HCM đều ở xa, nhiều người ở miền Trung, miền Bắc. Có người 3-4 năm mới được về nhà một lần. Đa số đều chọn phương tiện là xe khách nên thời gian về và trở lại TP mất 3-4 ngày. Mỗi lần về quê là mỗi lần khó, họ muốn có thêm thời gian sum vầy cùng người thân, thăm viếng họ hàng. Do vậy, nên chọn phương án nghỉ liên tiếp 7 ngày để họ có thể sắp xếp và tiện việc đi đường. Tết sum họp là đạo lý và truyền thống nên phải tính đến phương án nào lợi nhất cho NLĐ.

Công nhân ĐỖ VĂN THỊNH, Công ty An Thành (quận 12, TP HCM):

Mong đủ thời gian về quê

Quê tôi ở khá xa (tỉnh Thanh Hóa) nên vài năm mới về một lần. Thường thì số ngày nghỉ Tết ở công ty nhiều hơn so quy định nhưng do mất nhiều thời gian đi lại nên lúc nào tôi cũng phải xin nghỉ thêm phép năm. Vé tàu xe càng cận Tết càng đắt nhưng đôi khi cũng khó kiếm được để về. Hơn nữa, có con nhỏ nên tôi phải tranh thủ về sớm hơn. Do vậy, tôi chọn phương án 1.

Công nhân NGUYỄN THỊ PHƯƠNG LAN, Công ty Việt Bằng (quận Tân Phú, TP HCM):

Ủng hộ phương án 1

Tôi ủng hộ phương án 1, tức là NLĐ được bố trí thời gian nghỉ trước Tết dài hơn. Công nhân làm việc đầu tắt mặt tối nên Tết không chỉ là thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, thăm người thân mà còn là thời điểm để dọn dẹp, sửa soạn lại nhà cửa. Nghỉ sát Tết quá thì không thể xoay kịp, chưa kể phải mua sắm nhiều thứ. Càng sát Tết giá càng đắt đỏ nên rất thiệt thòi cho những người có thu nhập thấp như chúng tôi.

Công nhân LÊ THỊ MỸ HẰNG, Công ty TNHH Pou Yuen (quận Bình Tân, TP HCM):

Sợ cảnh chen chúc, tất bật

Trước Tết là thời điểm cập rập nhất, ai cũng tất bật mua sắm, chuẩn bị về quê. Vé tàu xe cũng đắt đỏ, đi đường khó khăn. Vì thế, tôi mong được nghỉ sớm. Có năm, công ty cho nghỉ Tết trễ, ngồi xe 2 ngày về đến nhà là đã ngày 29 âm lịch, không kịp mua sắm gì cho gia đình. Rồi chưa nghỉ ngơi được bao lâu thì đã đến ngày chen chúc trên xe để trở lại TP HCM. Mỗi năm mới có một dịp Tết, tôi mong nghỉ sớm, tránh cảnh đông đúc, tất bật.

H.ĐÀO - C.HƯỜNG ghi

 

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Văn Duẩn

Nguồn tin: nld.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây