Đó là nhận định của ông Lê Thanh Hải (ảnh), Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), khi trao đổi với Thanh Niên về diễn biến thời tiết năm nay.
Ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất đã xuất hiện đợt nắng nóng đầu tiên ở các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ, thay vì những đợt không khí lạnh kèm theo ẩm như những năm trước. Xin ông cho biết đây có phải là dấu hiệu về một mùa hè có nhiều đợt nắng nóng như trong năm 2017?
Trong những tháng đầu năm 2018, hiện tượng ENSO đã chuyển sang pha lạnh (La Nina), các đợt không khí lạnh tăng cường chỉ còn xuất hiện trong các tháng 3 - 4 và kết thúc vào những tháng giữa năm khi ENSO dần trở lại pha trung tính. Chúng tôi thống kê thấy mùa hè năm 2017 có 15 đợt nắng nóng diện rộng. Trong đó, đợt nắng nóng kỷ lục diễn ra suốt tuần đầu tiên của tháng 6 tại các tỉnh Bắc bộ và các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Phú Yên, nhiều nơi nhiệt độ đạt mức lịch sử 41 - 42 độ C. Ngay ở Hà Nội, nhiệt độ đo tại trạm Hà Đông lên tới 41,5 độ C.
Năm nay, nắng nóng dù được ghi nhận xuất hiện sớm hơn mọi năm nhưng khi ENSO trở lại pha trung tính thì thời tiết sẽ dần trở lại quy luật tự nhiên trước đây. Mùa hè sẽ nắng nóng ở mức vừa phải và cường độ tăng dần chứ không đột ngột có những đợt nắng nóng gay gắt ngay từ đầu mùa. Trung bình một năm sẽ có khoảng 12 đợt nắng nóng, những đợt nắng nóng ở các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ dự báo sẽ ngắn ngày hơn nhưng vẫn có khả năng xuất hiện một đợt nắng nóng kỷ lục duy trì trong nhiều ngày như từng diễn ra trong năm 2017.
Đầu năm 2018 ghi nhận có bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông là điểm bất thường so với các mùa bão trước đây. Mùa bão năm nay dự báo sẽ ra sao, thưa ông?
Mùa mưa bão năm 2017 kéo dài vắt sang cả đầu năm 2018, cụ thể là bão số 1 trong tháng 1 và áp thấp nhiệt đới ghi nhận trong tháng 2. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy, mùa bão trên Biển Đông sẽ bắt đầu sớm hơn. Nhưng từ trước đến nay chưa khi nào ghi nhận lại có nhiều bão, áp thấp nhiệt đới trong 2 năm liên tiếp. Trong năm 2017 đã ghi nhận có 20 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Dự báo bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông luôn là một thách thức nhưng chúng tôi nhận định, những năm ENSO trở về trạng thái trung tính thì số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển chỉ ở mức trung bình nhiều năm, khoảng 11 - 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới.
Một nửa số này sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào khu vực đất liền. Điều đáng lưu ý, dù ít nhưng bão cường độ mạnh sẽ xuất hiện nhiều hơn và có xu hướng đi vào các tỉnh phía nam nhiều hơn.
Còn về mưa lũ, năm 2017 ghi nhận nhiều đợt lũ lớn, lũ lịch sử liên tiếp xuất hiện trên nhiều sông ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ. Mùa mưa lũ năm 2018, chúng tôi nhận định sẽ diễn biến phức tạp, tương đương năm 2017. Đỉnh lũ trên các sông suối khu vực Bắc bộ phổ biến ở mức báo động 2 - báo động 3, một số sông suối nhỏ trên báo động 3, làm gia tăng xảy ra các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt tại khu vực miền núi phía tây Bắc bộ.
Trong hai năm trở lại đây, các tỉnh Tây nguyên và Nam bộ đã đối mặt với khô hạn, xâm nhập mặn khi mùa mưa đến muộn, mưa ít và liệu tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong năm nay?
Tháng 3 vẫn là tháng mùa khô tại khu vực Tây nguyên và Nam bộ, nhưng ở khu vực này đã ghi nhận xuất hiện những đợt mưa rào trái mùa, do vậy lượng mưa trong tháng 3 cao hơn so với trung bình cùng thời kỳ nhiều năm. Theo nhận định của chúng tôi, mùa mưa tại khu vực Tây nguyên và Nam bộ có khả năng đến sớm, từ nửa cuối tháng 4 lượng mưa có xu hướng tăng dần và tổng lượng mưa tháng 4 và tháng 5 có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn 15 - 30% so với trung bình nhiều năm. Bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến tháng 8, lượng mưa phổ biến ở mức tương đương với trung bình cùng thời kỳ nhiều năm. Mùa mưa đến sớm và mưa nhiều hơn là điểm đáng chú ý đối với thời tiết các tỉnh Tây nguyên và Nam bộ khi tình hình khô hạn và xâm nhập mặn sẽ không còn căng thẳng như giai đoạn chuyển tiếp từ năm 2016 và 2017. Dù vậy, ở các tỉnh Tây nguyên và nam Trung bộ như Ninh Thuận, Đắc Lắk, Đắk Nông… vẫn có thể xảy ra hạn hán cục bộ.
Xây dựng hệ thống cảnh báo ngập sớm
Ngày 8.3, Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức hội thảo “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ MEMS (vi cơ điện tử) trong việc chế tạo linh kiện cảm biến áp suất, ứng dụng xây dựng các module đo mực nước”. Đây là hệ thống quan trắc mực nước tự động nhằm cảnh báo ngập lụt do Trung tâm nghiên cứu và triển khai (SHTPLABS) - Khu công nghệ cao TP.HCM nghiên cứu và chế tạo. Khi xảy ra ngập lụt do triều cường hoặc mưa, hệ thống này sẽ tự đo mực nước (5 phút/lần) và truyền dữ liệu về máy chủ. Sau đó sẽ đưa ra thông tin cảnh báo ngập cho người dân trên thiết bị di động. Hệ thống này có thể dự báo mức độ ngập tại các điểm ngập và gửi cảnh báo đến người dân sớm hơn trước khi tình trạng ngập thực tế diễn ra (tương tự như dự báo thời tiết), giúp người dân chủ động đi lại hợp lý. Hệ thống cũng cho phép người dân biết trước các vị trí ngập, mức độ ngập trên đường di chuyển của họ; đồng thời hỗ trợ tìm ra lộ trình tránh ngập.
M.Khanh
Thành lập Tổng cục Khí tượng thủy văn
Từ hôm nay (9.3), Quyết định 03/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng thủy văn có hiệu lực thi hành. Tổng cục Khí tượng thủy văn trực thuộc Bộ TN-MT, được thành lập trên cơ sở tổ chức, chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia và tiếp nhận bộ phận quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn tại Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. Tổng cục sẽ có 22 đơn vị trực thuộc, bao gồm các trung tâm quan trắc, dự báo khí tượng, đài khí tượng trên phạm vi toàn quốc. Bộ máy lãnh đạo của tổng cục gồm quyền Tổng cục trưởng Lê Công Thành; 4 phó tổng cục trưởng Trần Hồng Thái, Nguyễn Văn Tuệ, Lê Hồng Phong và Lê Thanh Hải. |