Thống kê đến chiều qua 5.9, mưa lũ khiến hàng nghìn ngôi nhà ở các tỉnh miền Trung, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế bị nhấn chìm.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, đã có 15.281 nhà dân bị ngập lụt hoặc đang bị cô lập, chia cắt trong vùng và 12.574 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả đang bị úng ngập. Cũng trong ngày 5.9, mưa lũ đã khiến 928 điểm trường ở 5 tỉnh không thể tổ chức lễ khai giảng chào mừng năm học mới.
Chiều cùng ngày, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã có cảnh báo về gió mạnh, sóng lớn ở vùng biển các tỉnh phía nam. Cụ thể do ảnh hưởng của gió mùa tây nam có cường độ mạnh, trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa trong ngày sẽ có gió tây nam mạnh cấp 6, sóng biển cao 2,5 - 3,5 m.
Nhiều nơi ngập nặng hơn
Theo ghi nhận của nhóm PV Thanh Niên, ngày 5.9, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có mưa rất to. Để đảm bảo an toàn công trình, lúc 7 giờ 30 cùng ngày, Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã xả tràn hồ chứa nước Thượng Sông Trí với lưu lượng từ 20 - 100 m3/giây, khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TX.Kỳ Anh bị ngập. Đặc biệt, khoảng 12 giờ 30 cùng ngày, tuyến QL1A, đoạn qua tổ dân phố Hưng Thịnh (P.Sông Trí, TX.Kỳ Anh) bị nước lũ tràn qua gây ngập từ 0,5 - 1 m với chiều dài khoảng 30 m gây ách tắc giao thông; đến 16 giờ cùng ngày, nước mới rút.
Trường mầm non xã Phương Mỹ (H.Hương Khê, Hà Tĩnh) ngập sâu trong nước lũ
Ảnh: Tân Kỳ
Cùng ngày, báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình cho biết toàn tỉnh vẫn còn hơn 6.000 ngôi nhà bị ngập và cô lập do nước lũ, trong đó tập trung tại các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch và TX.Ba Đồn. Đáng chú ý, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mặc dù nước lũ đã gây ngập qua ngày thứ ba nhưng nhiều nơi vẫn chưa có dấu hiệu rút mà càng ngập nặng hơn, như tại xã Tân Hóa (H.Minh Hóa), ngập trên dưới 4 m khiến hầu hết nhà ở của người dân chỉ còn thấy nóc. Đến chiều 5.9, nhiều nơi ngập lũ của Quảng Bình vẫn có mưa lớn, khiến nước dâng ngập nhiều địa bàn mới; khu vực Phong Nha (H.Bố Trạch) vẫn ngập sâu. Trong khi đó, các tuyến như: đường Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh nhánh tây, QL12, QL15, QL9B, nhiều tuyến đường tỉnh... vẫn bị chia cắt một số điểm do ngập và sạt lở đất.
Đường tránh Chư Sê bị lún nứt nghiêm trọng
Đường tránh Chư Sê (Gia Lai) bị nứt do mưa lớn kéo dài
Ảnh: Trần Hiếu
Tại Gia Lai, mưa lớn trong những ngày qua khiến tuyến đường tránh phía đông H.Chư Sê (Gia Lai), đoạn qua xã Ia Pah, bị lún nứt nghiêm trọng. Tại hiện trường, nhiều vết nứt sâu kéo dài khiến cơ quan chức năng phải đặt biển cảnh báo các phương tiện lưu thông. Tuyến đường này được khởi công từ giữa tháng 5.2018, tổng mức đầu tư gần 250 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án (BQLDA) 6, Bộ GTVT làm chủ đầu tư; có chiều dài hơn 11 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng; vận tốc thiết kế 80 km/giờ, mặt đường rộng 11 m, đi qua địa phận các xã: Ia Pal, Ia Glai và TT.Chư Sê (H.Chư Sê). Trước tình hình này, ngày 5.9, Sở GTVT Gia Lai đã có công văn đề nghị BQLDA 6 khẩn trương phối hợp với UBND H.Chư Sê và các đơn vị liên quan tổ chức, phân luồng giao thông trên đoạn đường này nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Cũng trong ngày 5.9, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có công văn hỏa tốc gửi BQLDA chỉ đạo: BQLDA 6 khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời những hư hỏng trên; bảo vệ công trình, phân luồng giao thông để an toàn cho người và phương tiện.