Chạm đáy trong vòng 30 năm
Ngồi cạnh chuồng lợn để chờ lái buôn tới cân, vẻ mặt bà Nguyễn Thị Nguyên ở Nam Trực (Nam Định) không giấu nổi nỗi buồn, bởi, bán lứa lợn 40 con này, bà sẽ lỗ hơn 40 triệu đồng.
“Thịt lợn dạo này rẻ lắm, giá xuất bán tại chuồng chỉ 24.000 đồng/kg mà gọi mãi lái buôn mới chịu vào cân cho”. Bà cho biết, lợn nhà bà nuôi được đánh giá là loại ngon, nhiều nạc, ít mỡ nên giá khá hơn. Còn những hộ khác có lợn nuôi quá lứa với trọng khoảng 1,2 tạ/con giờ giá xuất chuồng giảm còn 22.000 đồng/kg.
Theo bà Nguyên, để bán được lứa lợn này, bà phải gọi điện đến mối lái thứ 7 mới đồng ý cân lợn hơi giá 24.000 đồng/kg. Những lái buôn trước vào nhìn lợn còn không thèm trả giá, chỉ bảo lợn ngon từ địa phương khác giờ chỉ có 22.000 đồng/kg, họ đánh cả xe ô tô chở mấy chục con lợn về một lần.
Giá thịt lợn hơi xuất chuồng đang chạm đáy trong vòng 30 năm khiến người nuôi thua lỗ nặng |
Không chỉ có giá lợn hơi giảm, giá lợn giống cũng giảm từ 1,1 triệu đồng/con khoảng 10 kg xuống còn 400.000 đồng/con vẫn khó bán.
“Tôi nuôi lợn đến nay đã được đúng 30 năm, chưa bao giờ tôi thấy giá lợn lại rẻ như hiện nay. Đây có lẽ là thời điểm mất giá và thua lỗ nặng nề nhất của người nuôi lợn. Hồi cận Tết Nguyên đán, khi đó rẻ nhất cũng bán được 28.000 đồng/kg”. Bà Nguyên than thở, với mức giá như thế này, bán 1 kg thịt lợn không mua nổi cân táo Tàu về ăn. Bởi, táo Trung Quốc ở chợ quê loại thường đã 30.000 đồng/kg, còn loại ngon 40.000 đồng/kg.
Cùng cảnh ngộ, chị Lê Thị Ba ở Phúc Thọ (Hà Nội) như ngồi trên đống lửa khi 500 con lợn của chị đang đến kỳ xuất chuồng.
Chị cho hay, cách đây khoảng nửa tháng, chị xuất chuồng đàn lợn 200 con với giá chỉ 26.500 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình chị đã phải gánh lỗ khoảng 200 triệu đồng. Thế nhưng, lứa lợn xuất chuồng kỳ này còn bi đát hơn khi thương lái chỉ trả với mức giá 23.000 đồng/kg.
"Giờ thì rẻ hay đắt cũng phải bán tống bán tháo đi. Chứ càng nuôi càng tốn kém mà lợn quá lứa giá lại càng rẻ hơn", chị Ba tâm sự. Trang trại nhà chị nuôi 2.000 con lợn, đợt này vào kỳ xuất chuồng cả loạt. Nhưng nếu bán hết cả 2.000 con với giá thời điểm này thì nhà chị lỗ khoảng 2,5 tỷ đồng.
Nhiều người chăn nuôi lợn ở vùng này, do không chống chịu được mức giá đã chạm đáy liên tục mấy tháng nay nên đành treo chuồng, chị Ba chia sẻ.
Trước đó, theo thống kê mới nhất của Bộ NN-PTNT, suốt tháng 3/2017, giá thu mua lợn hơi tại Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long đã giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với thời điểm cận và sau Tết. Hiện giá lợn hơi tại các tỉnh lần lượt là 31.000-32.000 đồng/kg; 31.000 đồng/kg và 29.000 đồng/kg. Tính chung trong quý 1 năm 2017, giá lợn hơi biến động giảm. Ngay vào thời điểm cận Tết (giữa tháng 1), giá lợn hơi tại Đồng Nai đã ở dưới giá thành 26.000-30.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá lợn giảm mạnh là do cung vượt cầu |
Nuôi lợn “vỡ trận”
Trao đổi với báo chí về tình trạng giá lợn hơi giảm mạnh và có thể nói là chạm đáy, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) thừa nhận, giá thịt lợn hơi giảm mạnh và ở mức thấp do mất cân bằng cung - cầu. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 2 triệu con lợn được xuất chuồng.
Theo ông Chinh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa vẫn là do không chủ động được thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Thế nên, khi Trung Quốc siết chặt việc xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch thì lợn Việt Nam bị ách tắc đầu ra và giá giảm mạnh.
Thêm nữa, thời gian qua, khi thấy giá lợn hơi tăng mạnh, người chăn nuôi ồ ạt vào đàn cũng khiến nguồn cung vượt quá nhiều so với nhu cầu thực tế của thị trường.
Ông Chinh cho biết, để hạn chế tình trạng lợn “vỡ trận” như hiện nay, Bộ NN-PTNT vừa qua đã có những động thái nhằm “hãm bớt” lại tốc độ nuôi lợn.
Cụ thể, Bộ đã có văn bản yêu cầu các tỉnh rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương, không tăng đàn ồ ạt, nhất là với đàn lợn nái. Đồng thời, đề nghị các địa phương dừng tất cả các dự án xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi mới...
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng đã cử đoàn sang làm việc với cơ quan chức năng phía Trung Quốc nhằm ký kết hợp tác xuất khẩu thịt lợn qua con đường chính ngạch sang thị trường này. Hy vọng, chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ được phía Trung Quốc chấp nhận.
Song, ông Chinh cũng cho rằng, về lâu dài, phải giám sát được quy hoạch, không để xảy ra tình trạng khi giá cao thì sản xuất ồ ạt, đến khi giá giảm thì thiệt hại nặng nề. Đồng thời, ngành chăn nuôi và sản xuất thịt trong nước nói chung và thịt lợn nói riêng cũng cần phải đẩy nhanh nội lực, sử dụng thức ăn nuôi hiệu quả, giảm giá thành...
Tác giả bài viết: Bảo Phương
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn