Kịp thời kiểm tra tài sản cán bộ khi có dư luận

Thứ sáu - 27/10/2017 23:27
(Phapluat News) - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị, đối với những vụ việc kê khai tài sản, bổ nhiệm cán bộ mà dư luận xã hội và cử tri bức xúc, cần khẩn trương vào cuộc để thanh tra, kiểm tra, làm rõ.


Công khai tài sản cán bộ cấp cao trước và sau bổ nhiệm

Đề nghị công khai tài sản cán bộ quản lý trên báo đài

Công khai tài sản cán bộ lãnh đạo trên báo chí: Thêm kênh giám sát, chỉnh đốn Đảng hiệu quả


Năm 2017, trong số hơn 1,1 triệu người thuộc diện kê khai, có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập. Qua đó phát hiện 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị, đối với những vụ việc kê khai tài sản, bổ nhiệm cán bộ mà dư luận xã hội và cử tri bức xúc, cần khẩn trương vào cuộc để thanh tra, kiểm tra, làm rõ có hay không có tiêu cực, tham nhũng để sớm kết luận, trả lời công luận, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Chỉ phát hiện 5 người vi phạm

Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) vừa gửi đến Quốc hội , công tác PCTN thời gian qua tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra.

Về minh bạch tài sản, thu nhập, báo cáo nêu rõ, trong số hơn 1,1 triệu người thuộc diện kê khai, có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập. Qua đó phát hiện 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Các cơ quan chức năng cũng đã xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp. Trong năm 2017, có 39 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật.

Nhận định về những con số trên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai. Nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý. Việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận…

Một số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi phát hiện có sai phạm. Qua một số vụ án được đưa ra xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của Ngân hàng Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sỹ của Cty cổ phần VN Pharma… Theo Ủy ban Tư pháp, đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và PCTN cần được Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá để ngăn chặn tình trạng này.

Kịp thời kiểm tra tài sản cán bộ

Trước thực trạng trên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, biện pháp phòng ngừa tham nhũng thông qua việc kê khai tài sản còn hình thức, hiệu quả thấp. Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Còn thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu để phát hiện, xử lý đối với những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực và chưa có cơ chế xử lý tài sản không chứng minh, không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.

Khẳng định, việc xử lý nghiêm một số vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ lãnh đạo vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao, cán bộ đã nghỉ hưu trong thời gian qua đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của người có chức vụ, quyền hạn; đồng thời thúc đẩy ý chí quyết tâm chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cần tiếp tục chú trọng phòng, chống tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”.

Đối với những vụ việc kê khai tài sản, bổ nhiệm cán bộ mà dư luận xã hội và cử tri bức xúc, cần khẩn trương vào cuộc để thanh tra, kiểm tra, làm rõ có hay không có tiêu cực, tham nhũng để sớm kết luận, trả lời công luận, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời cũng kịp thời bảo vệ uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
 

Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ… Bên cạnh đó kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội…

Nguồn tin: TPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây