Kiểm toán 27 dự án BOT, giảm gần 100 năm thu phí!

Thứ tư - 22/02/2017 03:02
(PL News) - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết nhiều dự án trong số 27 dự án kiểm toán phải giảm 5-7 năm thu phí. Tổng cộng tất cả các dự án, giảm tới gần 100 năm thu phí.
Kiểm toán 27 dự án BOT, giảm gần 100 năm thu phí!

 

Thông tin trên được KTNN báo cáo với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT ngày 21-2.

Hầu hết chỉ định thầu

“Sau khi rà soát các chi phí đầu vào, tính toán lại phương án tài chính cho sát với thực tế và phù hợp với quy định của Nhà nước, KTNN đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu do đơn vị lập ra” - Phó tổng KTNN Nguyễn Quang Thành cho biết.

Cá biệt, KTNN kiến nghị chấm dứt việc thu phí đối với dự án tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Tam Kỳ và đường ĐT618 huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Ngồi nhẩm tính tổng số năm mà 27 dự án BOT buộc phải giảm thời gian thu phí, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN Nguyễn Văn Thanh nói: “Mới kiểm toán 27 dự án mà có tới 80% số dự án phải rút ngắn thời gian thu phí với tổng số gần 100 năm, tiết kiệm bao nhiêu tiền cho dân”.

Ông Thanh hỏi: “Kết quả kiểm toán và các kiến nghị có được hiện thực hóa? Có xử lý các tổ chức, cá nhân sai sót không?”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh đặt vấn đề: “Trong số 27 dự án được kiểm toán thì hầu hết là chỉ định thầu. Có gấp rút đến mức đó không? Dự án lớn như vậy sao không đấu thầu cho công khai, minh bạch?”.

Trong phần kiến nghị, KTNN cho rằng Bộ Giao thông vận tải cần “nghiên cứu và đưa ra cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện thật sự hiệu quả qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án để đảm bảo tính công khai, minh bạch”.

Bộ Tài chính cần khẩn trương bổ sung quy định lợi nhuận của nhà đầu tư trong phương án tài chính đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư, trong đó quy định khung tỉ suất lợi nhuận nhà đầu tư phù hợp với từng khu vực, đặc điểm dự án.

Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng tỉ lệ chi phí tổ chức thu phí cho từng loại hình công trình phù hợp.

Bộ Kế hoạch - đầu tư tổng kết, đánh giá, làm cơ sở hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức BOT.

Không đi đường 
vẫn phải trả phí

Theo báo cáo của KTNN, dù Bộ Tài chính hướng dẫn là trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định, khoảng cách giữa các trạm đảm bảo tối thiểu 70km, nhưng thực tế không đáp ứng được như vậy do có sự thỏa thuận giữa Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và các địa phương.

Không ít trạm thu phí cho dự án này nhưng lại đặt trên tuyến đường khác, dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường nhưng vẫn phải trả phí, gây bức xúc trong dư luận.

KTNN kiến nghị Bộ Tài chính loại bỏ điều kiện khoảng cách các trạm thu phí dưới mức tối thiểu 70km, đảm bảo chỉ có một khoảng cách tối thiểu 70km.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy hiện tại trong các văn bản quy phạm đã ban hành chưa có chỉ tiêu, tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn những dự án "nâng cấp, cải tạo" hay đầu tư tuyến mới để thực hiện theo hình thức BOT.

Tại nhiều dự án "nâng cấp, cải tạo" tuyến cũ, đối tượng tham gia giao thông không còn cơ hội sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông miễn phí mà bắt buộc phải trả phí cho nhà đầu tư.

KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ áp dụng hình thức đầu tư BOT cho các dự án xây dựng những tuyến đường hoàn toàn mới hoặc cải tạo trên những tuyến không phải là đường độc đạo để người dân có quyền lựa chọn, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư nhằm tăng tính cạnh tranh, mang lại hiệu quả cho dự án.

Các yếu tố chi phí quản lý thu phí, lợi nhuận nhà đầu tư, lãi suất vay vốn, tỉ lệ vốn chủ sở hữu, chi phí xây lắp công trình dự án... đều phải được đấu thầu công khai, minh bạch.

Trạm thu phí BOT của Tập đoàn Đức Long Gia Lai đặt trên quốc lộ 14 đầu vào cửa phía Nam TP Pleiku (Gia Lai) thuộc dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 14 từ km1610 đến cầu 110 (Gia Lai). Dự án này được đề nghị giảm 7 năm, 2 tháng, 27 ngày thu phí - Ảnh: T.B.D. Trạm thu phí BOT của Tập đoàn Đức Long Gia Lai đặt trên quốc lộ 14 đầu vào cửa phía Nam TP Pleiku (Gia Lai) thuộc dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 14 từ km1610 đến cầu 110 (Gia lai)

Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu (Q.9, TP.HCM) được Kiểm toán Nhà nước đề nghị giảm 11 năm thu phí - Ảnh: Hữu Khoa
 Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu (Q.9, TP.HCM) được Kiểm toán Nhà nước đề nghị giảm 11 năm thu phí - Ảnh: Hữu Khoa

Nguồn tin: TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây