Sáng 3.1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đối thoại với Giáo sư Hồ Ngọc Đại, PGS-TS Nguyễn Kế Hào và nhóm tác giả liên quan đến việc bộ sách “Công nghệ Giáo dục” bị Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá không đạt.
Tại buổi đối thoại, phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng quy trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký thẩm định sách giáo khoa, việc thành lập hội đồng thẩm định quốc gia, quá trình thẩm định sách giáo khoa đã diễn ra đúng quy định.
Trong đợt thẩm định đầu tiên, có 49 bản thảo sách giáo khoa đăng kí, trong đó có 38 bản thảo được hội đồng đánh giá đạt, 11 bản thảo không đạt ở cả vòng 1 và 2.
Trong 11 sách giáo khoa hội đồng đánh giá không đạt có cuốn được tác giả sửa chữa và có nhu cầu thẩm định lại, có tác giả bảo lưu quan điểm nên không gửi thẩm định lại.
Phía Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn bảo lưu quan điểm bộ sách "Công nghệ giáo dục" muốn được công nhận phải chỉnh sửa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và tiến hành thẩm định lại.
Chia sẻ về quan điểm của nhóm tác giả sách “Công nghệ giáo dục”, GS-TSKH Hồ Ngọc Đại cho biết ông đến cuộc đối thoại này chỉ muốn được xác nhận bộ sách "Công nghệ giáo dục" được sử dụng cho năm học mới. Ông khẳng định ông chịu trách nhiệm với những gì ông viết ra và không thể sửa chữa.
Nhóm tác giả "Công nghệ giáo dục" cho rằng nên có một cách thẩm định khác, căn cứ vào chuẩn đầu ra của từng lớp, cấp học. Đặc biệt cần chú trọng đánh giá qua thực tiễn. Đây mới là thước đo tin cậy nhất.
Sẽ tiếp tục ý kiến lên cấp trên
PGS-TS Nguyễn Kế Hào - đại diện nhóm tác giả "Công nghệ giáo dục" cho biết buổi đối thoại đã kết thúc khi không thể tìm được tiếng nói chung giữa hai bên.
Ông cũng cho rằng bộ sách "Công nghệ giáo dục" đã triển khai tại nhiều tỉnh, thành, thu được kết quả có đóng góp quan trọng trong việc xóa mù chữ nhưng lại bị loại.
Ông dẫn thực tế là trẻ em học Tiếng Việt công nghệ giáo dục nắm kiến thức chắc, không tái mù, không nói ngọng. Nhóm tác giả cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đi các địa phương để xem việc dạy Tiếng Việt công nghệ giáo dục như thế nào. Về phần mình, ông sẽ tiếp tục có ý kiến lên cấp trên về việc "Công nghệ giáo dục" bị đánh giá không đạt.
Trước đó, trong số các bản thảo bị loại có 3 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại (sách Đạo đức, Toán và Tiếng Việt). Với việc đánh giá "không đạt", dẫn đến khả năng chương trình Công nghệ giáo dục sẽ phải chấm dứt dạy trong nhà trường sau 40 năm được triển khai trong thực tiễn. Thông tin này nhận được tranh cãi trái chiều từ dư luận.
Sau khi 3 cuốn sách Công nghệ giáo dục bị hội đồng thẩm định quốc gia loại, Phó giáo sư Nguyễn Kế Hào, nhà giáo Phan Sắc Long và một số chuyên gia, các nhà giáo từng dạy chương trình thực nghiệm Công nghệ giáo dục đã lên tiếng, có bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo.
Trong bản kiến nghị nêu rõ thành quả thực hiện chương trình công nghệ giáo dục hơn 40 năm qua, trong đó có những vùng khó khăn cần tăng cường dạy tiếng Việt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời mong các cấp có chỉ đạo, quan tâm xem xét, thực hiện luật một cách linh hoạt trong việc xây dựng chương trình, thẩm định sách giáo khoa.
Tác giả bài viết: BÍCH HÀ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn