Vì vậy, các chuyên gia cho rằng VN phải thay đổi tư duy xã hội hóa để thu hút vốn tư nhân vào các công trình thiết yếu.
Vốn vay rẻ, trả nợ đắt
|
|
|
Hơn bao giờ hết, lúc này đây, cần định hướng thu hút nguồn lực đầu tư và ưu tiên mời gọi tư nhân đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, sau nông nghiệp công nghệ cao... mà Chính phủ đã định hướng |
|
|
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu |
|
|
Vốn vay ODA đã tạo nguồn lực lớn cho phát triển hạ tầng nhiều năm qua, nhưng mặt khác, nhiều dự án hạ tầng lớn sử dụng vốn vay phải nếm “trái đắng” giải ngân chậm, tiến độ ì ạch, đội vốn cộng thêm những điều kiện ngặt nghèo khắt khe kèm theo hiệp định vay vốn. Trong khi đó, dù các dự án có trễ tiến độ bao nhiêu năm thì việc trả nợ vốn vay vẫn phải đúng hẹn.
Dự án Nhổn - ga Hà Nội khởi công tháng 9.2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 9.2017 nhưng đã phải lùi tới mốc 2021. Dù chậm tiến độ 4 năm nhưng thời điểm bắt đầu phải trả khoản nợ vay vẫn bắt đầu từ năm 2017, tổng giá trị nợ vay phải trả giai đoạn 2017 - 2020, theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, là hơn 822 tỉ đồng. Dự án này đã 2 lần phải điều chỉnh, tổng mức đầu tư đã tăng thêm 393 triệu euro (từ 783 triệu euro lên 1.176 triệu euro - gần 36.000 tỉ đồng). Tổng nguồn vốn vay ODA của dự án theo phương án do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội lập là 957 triệu euro, trong đó vốn cấp phát là 469,5 triệu euro, vốn vay lại là 487,7 triệu euro, theo kế hoạch, dự án sẽ phải trả nợ đến năm 2055.
Ở mức độ tệ hơn, dự án Cát Linh - Hà Đông luôn là điểm nóng về câu chuyện đội vốn, thi công ì ạch, nhiều lần trễ tiến độ, đặc biệt là các điều kiện khắt khe trong Hiệp định vay vốn Trung Quốc. Điển hình như phải sử dụng tổng thầu EPC Trung Quốc thiếu kinh nghiệm. Dự án nhiều lần rơi vào cảnh tắc vốn khi bên cho vay chậm giải ngân, mà gần đây nhất, nguồn vốn vay thêm 250,6 triệu USD chậm khơi thông dù hiệp định vay bổ sung đã được ký kết. Theo kế hoạch ban đầu, dự án thực hiện từ tháng 11.2008 - 11.2013 với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD, nhưng mãi tới tháng 4.2010 dự án mới động thổ. Rồi đến tháng 10.2011, dự án mới chính thức triển khai, và sau điều chỉnh, tổng mức đầu tư đã tăng lên 868,04 triệu USD, thời gian hoàn thành đã phải lùi sang quý 2/2018.
Theo một chuyên gia, một số dự án sử dụng vốn vay ODA đang trong cảnh “cha chung không ai khóc”, khi cả hai phía đều không thực hiện hết trách nhiệm về tiến độ và hiệu quả dự án. Kết quả dù là vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, nhưng việc đội vốn quá nhiều cộng thêm thời gian thực hiện trì hoãn nhiều năm, kết quả “vay rẻ trả nợ đắt”.
Tuy nhiên, từ năm 2018, chúng ta sẽ không còn nhận được viện trợ từ vay ODA như lâu nay nữa. Như vậy, nếu tìm đến nguồn vốn vay của WB, ADB, các quốc gia phát triển hay bất kỳ tổ chức tài chính nào, VN sẽ rất khó để có thể hưởng được mức lãi suất ưu đãi 2 - 3% mà sẽ là 5 - 6%, chưa tính các phí dịch vụ.
Cắt những dự án không cần thiết
|
|
Nhất thiết phải rà soát lại các công trình văn hóa trên địa bàn thủ đô, xem xét tính cần thiết, phục vụ phát triển đến đâu thì mời gọi đầu tư.
GS Nguyễn Mại |
|
|
Như vậy, để đầu tư phát triển, VN bắt buộc phải tìm nguồn vốn với thay thế và “cai” dần nguồn vốn viện trợ. GS Nguyễn Mại cho rằng thu hút từ nguồn vốn xã hội, đặc biệt từ nguồn đầu tư của chính doanh nghiệp trong nước là giải pháp cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, có hiện tượng chúng ta đang thu hút nguồn lực từ xã hội nhưng lại tập trung vào những dự án không mang tính chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội lên tầm cao mới. Vì vậy, Chính phủ nói chung và các địa phương nói riêng cần điều chỉnh chính sách mới trong thu hút vốn xã hội chứ không nên cứ mời gọi đại trà cả 100 dự án như cách Hà Nội đang làm.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Chúng ta hay dùng cụm từ tập trung nguồn lực. Hơn bao giờ hết, lúc này đây, cần định hướng thu hút nguồn lực đầu tư và ưu tiên mời gọi tư nhân đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, sau nông nghiệp công nghệ cao... mà Chính phủ đã định hướng”. Ông cũng cho rằng có tình trạng một số công trình văn hóa, trung tâm văn hóa, nhà hát... chỉ giúp làm “oách” cho địa phương đó. Nên cắt hết các dự án thu hút đầu tư không cần thiết, lan man, tập trung nội lực để phát triển giao thông, hạ tầng... Muốn vậy, phải có những ưu tiên “đếm trên đầu ngón tay” một cách cụ thể, kèm theo những chính sách ưu đãi được Quốc hội thông qua chứ không kêu gọi suông hay dàn đều như hiện nay.