Trong số những doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh, nổi lên hàng chục doanh nghiệp báo lãi nghìn tỷ trong năm 2018 – chính thức gia nhập Câu lạc bộ lãi nghìn tỷ vào quý cuối cùng trong năm.
Hơn 30 cái tên đã góp mặt từ nửa đầu năm 2018
Trước đó Câu lạc bộ lãi nghìn tỷ đã điểm danh hơn 30 doanh nghiệp ngay từ nửa đầu năm 2018, trong đó điển hình có nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng báo lãi nghìn tỷ ngay từ quý 1 như Tập đoàn Vingroup (VIC), như Vietnam Airlines (HVN), như Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp VEAM, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – PLX) hay doanh nghiệp Mobie World.
Danh sách thành viên câu lạc bộ đã kéo dài lên đến con số trên 30 với hàng loạt cái tên đình đám, trong đó "họ" nhà Vingroup đóng góp thêm cái tên Vinhomes (VHM), Vincomretail (VRE).
Những doanh nghiệp hàng không nổi bật với Tổng công ty Cảng hàng không (ACV), với Vietjet (VJC), và đặc biệt, ngành ngân hàng đóng góp nhiều nhất với loạt cái tên như Vietcombank (VCB), như Ngân hàng quân đội MBBank (MBB), như Tiephongbank (TPB), như VPbank (VPB), như TCBank (TCB), rồi HDBank (HDB), VIBank (VIB), Vietinbank (CTG).
Trong câu lạc bộ nghìn tỷ từ nửa đầu năm 2018 cũng đã có sẵn những cái tên như Thế giới di động (MWG), như FPT, như hai trong số 3 anh em nhà Masan là Masan Group (MSN), Masan Consumer (MCH), hay các doanh nghiệp khác như Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), như PVGas (GAS), như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) hay như Gemardept (GMD), Cơ điện lạnh (REE).
Quý 3 gọi thêm tên 5 doanh nghiệp
Bước sang quý 3, lại có thêm 5 doanh nghiệp gia nhập Câu lạc bộ lãi nghìn tỷ, trong đó đáng chú ý nhất là Sao Mai Group (ASM), đang từ con số lãi 135 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017 đã nhảy vọt lên lãi trước thuế 1.197 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018. Cùng với đó doanh thu 9 tháng đầu năm cũng tăng gấp 3,5 lần, lên 5.149 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính của khoản doanh thu và lợi nhuận đột biến này của sao Mai Group chủ yếu do công ty đã hợp nhất với doanh thu từ công ty IDI và lãi bán các khoản đầu tư từ lợi thế thương mại của công ty Phú Hùng vào mục doanh thu tài chính.
Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex – GEX) cũng được kết nạp vào danh sách các doanh nghiệp lãi nghìn tỷ từ quý 3 nhờ kết quả kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể doanh thu thuần đạt 10.049 tỷ đồng, tăng gần 16% so với năm trước đó. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.104 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2017 và đủ giúp Gelex bước chân vào ngưỡng cửa câu lạc bộ. Lợi nhuận sau thuế còn 952 tỷ đồng.
Để đạt được những thành tích này, thời gian vừa qua Gelex đã và đang tích cực cải tổ, thoái vốn tại những đơn vị không mang lại lợi nhuận, tập trung chủ lực vào mảng ngành thiết bị điện, năng lượng và logistic.
Việc Đất Xanh Group (DXG) lọt vào danh sách thành viên CLB lãi nghìn tỷ từ quý 3 có lẽ là điều khá bất ngờ sau Sao Mai Group, bởi đây cũng là số lãi lớn nhất trong 9 tháng công ty từng đạt được.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu Đất Xanh Group tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 3.236 tỷ đồng, còn lợi nhuận trước thuế đạt 1.246 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.019 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2017.
Còn tính chung cả năm 2018 Đất Xanh Group đã công bố doanh thu tăng 61% so với cùng kỳ, đạt 4.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.723 tỷ đồng, tăng trưởng 58,7% so với năm 2017.
Nguyên nhân chủ yếu, do doanh thu từ bán căn hộ và đất nền tăng gần 43% so với cùng kỳ, cùng với đó doanh thu từ hợp đồng xây dựng đạt mức tăng trưởng gấp 4 lần cùng kỳ.
Cũng là doanh nghiệp xây dựng, Coteccons (CTD) báo cáo doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 20.737 tỷ đồng, còn lợi nhuận trước thuế đạt 1.475 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.192 tỷ đồng – đã chắc chân trong CLB lãi nghìn tỷ năm 2018.
Tính chung cả năm 2018 Coteccons đạt 28.561 tỷ đồng doanh thu, tăng 5% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.510 tỷ đồng, giảm 8,6% so với năm trước đó.
Quý 3, Câu lạc bộ nghìn tỷ còn gọi tên một công ty chứng khoán là Chứng khoán SSI – đây cũng là công ty chứng khoán đầu tiên gia nhập câu lạc bộ danh giá này với 1.355 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.095 tỷ đồng, tăng 34% so với lợi nhuận đạt được năm trước đó.
Thêm những cái tên mới góp mặt trong quý 4 này
Quý 4, thêm 2 công ty chứng khoán được đứng vào hàng ngũ những doanh nghiệp lãi nghìn tỷ nữa là Chứng khoán Bản Việt (VCSC - VCI) và Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS).
Trong đó Chứng khoán Bản Việt đạt hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động môi giới trong năm 2018. VCSC đã vươn lên dẫn đầu thị phần môi giới tại HoSE trong quý 4 với 17,04%.
Lợi nhuận trước thuế tăng 26% so với năm 2017, từ 803 tỷ đồng lên 1.012 tỷ đồng, vừa kịp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm và cũng vừa đủ tiêu chuẩn bước chân vào ngưỡng cửa CLB lãi nghìn tỷ. Lợi nhuận sau thuế đạt 823 tỷ đồng.
Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) – doanh nghiệp chưa lên giao dịch trên sàn chứng khoán – công bố lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 68% so với năm trước đó.
Thêm 1 ngân hàng gia nhập câu lạc bộ là Lienvietpostbank (LPB) với số lãi trước thuế 1.213 tỷ đồng, giảm hơn 31% so với lợi nhuận đạt được năm 2017.
Lợi nhuận sau thuế đạt 960 tỷ đồng. Dù vậy, Lienvietpostbank cũng đã dự kiến trước khó khăn, điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận cả năm từ 1.800 tỷ đồng xuống 1.200 tỷ đồng từ giữa tháng 8 nên LPB vẫn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận được giao.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận năm 2018 của Lienvietpostbank giảm sâu so với cùng kỳ chủ yếu do hoạt động mua bán chứng khoán bị lỗ 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lãi đến 384 tỷ đồng. Bên cạnh dó chi phí hoạt động tăng, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng.
Đường Quảng Ngãi (QNS) – doanh nghiệp thường xuyên góp mặt vào câu lạc bộ này mấy năm gần đây cũng vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2018 với doanh thu kỷ lục từ trước đến nay với 8.028 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ đường tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Nguyên nhân được công ty lý giải do QNS đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu, giúp tăng năng suất và chất lượng mía, dẫn tới lượng đường sản xuất và tiêu thụ tăng mạnh.
Lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 1.400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.238 tỷ đồng, tăng 20,6% so với lợi nhuận đạt được năm 2017. EPS đạt trên 5.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp Đường Quãng Ngãi được đứng trong hàng ngũ những doanh nghiệp lãi nghìn tỷ cả năm.
Doanh nghiệp ngành thủy sản, Vĩnh Hoàn (VHC) công bố riêng quý 4 doanh thu tăng 27,5%, lên mức 2.754 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế hơn gấp đôi cùng kỳ, đạt 416 tỷ đồng. Còn tính chung cả năm 2018 doanh thu đạt 9.232 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017 còn lợi nhuận sau thuế đạt 1.452 tỷ đồng, gấp 2,4 lần lợi nhuận đạt được năm 2017. Đây cũng là số lợi nhuận tương đương 3 năm trước đó cộng lại.
Bất ngờ nhất có lã là Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DNH) với số lãi trước thuế gấp đôi năm trước đó, đạt 1.619 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.304 tỷ đồng, cũng xấp xỉ gấp đôi lợi nhuận đạt được năm 2017.
Kết thúc năm 2018 Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi ghi nhận còn hơn 1.100 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, tăng gần 840 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Tuy nhiên nợ phải trả cũng tăng từ 1.120 tỷ đồng lên 3.210 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng mới 548 tỷ đồng, còn vay nợ thuê tài chính dài hạn không có nhiều thay đổi, vẫn còn dư nợ 1.725 tỷ đồng.
Nhiệt điện Phả Lại (PPC) công bố doanh thu năm 2018 đạt 7.117 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước đó, còn lợi nhuận trước thuế đạt 1449 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.155 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017 và thực hiện được gấp đôi chỉ tiêu lợi nhuận được giao.
VNPT không thường xuyên công bố các thông tin tài chính. Tuy nhiên, mới đây, tại Hội nghị triển khai kế hoạch SXKD năm 2019, VNPT cho biết năm 2018 đạt mức lợi nhuận 6.445 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017 và vượt 9,4% kế hoạch năm. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%.
VNPT đang tích cực triển khai thoái vốn tại các đơn vị, trong đó, trong năm, VNPT đã bán, thoái vốn và thu hồi vốn được 4 danh mục, với tổng số vốn thu được hơn 767 tỷ đồng/520 tỷ đồng vốn đầu tư.
Còn đầu năm 2019 vừa qua, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam – TKV (Vinacomin)đã tổ chức tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Trong đó cho biết các chỉ tiêu SXKD năm 2018 của Tập đoàn đều đạt và vượt kế hoạch với sản lượng than thương phẩm đạt 35,96 triệu tấn, lượng than tiêu thụ đạt 40,5 triệu tấn.
Sản lượng điện do TKV sản xuất đạt 9,4 tỷ kWh, chiếm khoảng 5% sản lượng điện cả nước.
Theo báo cáo, tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 121.700 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu từ sản xuất than đạt 62.260 tỷ đồng. Lợi nhuận toàn tập đoàn đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với năm 2017 và đạt gấp đôi kế hoạch.
Như vậy đến thời điểm hiện tại danh sách thành viên câu lạc bộ lãi nghìn tỷ đã gọi tên xấp xỉ 40 doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp này cũng đã công bố kết quả kinh doanh cả năm 2018.
Trong số đó, Vinhomes vẫn đứng ở vị trí quán quân lợi nhuận trong năm, doanh nghiệp đứng thứ 2 là Vietcombank.
Và cách rất xa các doanh nghiệp xếp sau đó là PVGas thứ 3 và đứng thứ 4 là Vinamilk. Từ khi lên sàn, Vinhomes đã "soán ngôi" của Vietcombank trở thành doanh nghiệp có lãi cao nhất trên sàn chứng khoán.
Trong danh sách các doanh nghiệp lãi nghìn tỷ năm nay có không ít doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sụt giảm so với năm ngoái, trong đó giảm mạnh nhất phải tính đến Ngân hàng Công thương Việt Nam Viettinbank với mức giảm 27%, FPT với mức giảm 9,5%...
Nguồn tin: Trithuctre.vn/ Soha.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn