Hội nghị Trung ương 9 (khóa XII) về quy hoạch cán bộ: Dân chủ, công khai để hạn chế “chạy phiếu bầu, chạy quy hoạch”

Thứ sáu - 07/12/2018 02:55
Hội nghị Trung ương 9 (khóa XII) dự kiến diễn ra trong tháng 12 sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư..., và xem xét tờ trình quy hoạch Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đó là thông báo của ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức TƯ.
Hội nghị Trung ương 9 (khóa XII) về quy hoạch cán bộ: Dân chủ, công khai để hạn chế “chạy phiếu bầu, chạy quy hoạch”

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Chủ động chuẩn bị nhân sự, xây dựng các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư thực sự tiêu biểu về trí tuệ và gương mẫu về đạo đức, lối sống'.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Chủ động chuẩn bị nhân sự, xây dựng các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư thực sự tiêu biểu về trí tuệ và gương mẫu về đạo đức, lối sống".

Cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ và gương mẫu về đạo đức 

“Cơ chế, quy trình liên quan đến công việc trên được thực hiện chặt chẽ, bài bản theo kế hoạch của Bộ Chính trị cũng như hướng dẫn liên quan; phát huy tối đa dân chủ, công khai để hạn chế “chạy phiếu bầu, chạy quy hoạch” cũng như các tiêu cực, yếu kém khác”, ông Chính nói tại hội nghị trực tuyến của Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng (ngày 3/12/2018).

Ông Chính còn nhấn mạnh: “Phải chống chạy chức, chạy quyền, phiền hà, sách nhiễu trong công tác cán bộ, đảm bảo chất lượng, thực hiện các công việc liên quan đúng quy trình, dân chủ, công khai, khách quan. Quy trình chặt chẽ rồi nhưng phải làm sao tránh những sai sót như vừa rồi chúng ta vấp phải”.

Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu  ban Văn Kiện (ngày 5/12/2018), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Chủ động chuẩn bị nhân sự, xây dựng các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư thực sự tiêu biểu về trí tuệ và gương mẫu về đạo đức, lối sống. Xây dựng tiêu chuẩn và có kế hoạch, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách đối với các Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng”.

Đây là những bước quan trọng để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII dự kiến được tổ chức vào quý I-2021. Để chuẩn bị Đại hội, Hội nghị Trung ương 8 Khóa XII đã quyết định thành lập 5 Tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Văn kiện, do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban.

Dân chủ, công khai để hạn chế “chạy phiếu bầu, chạy quy hoạch” - ảnh 1


Ba độ tuổi quy hoạch

Về quy hoạch cán bộ, theo hướng dẫn của Trung ương quy định rõ ba độ tuổi quy hoạch là dưới 55, dưới 50 và dưới 45. Trong đó với độ tuổi dưới 55, người được xem xét đưa vào quy hoạch là bí thư, phó bí thư các tỉnh, thành, thứ trưởng và tương đương... Những cán bộ này phải là nhân sự được quy hoạch vào các chức vụ người đứng đầu nhiệm kỳ 2021-2026, là ủy viên cấp ủy hoặc tổ chức đảng ở cấp mình đang công tác.

Nhân sự dưới 50 tuổi thì chức vụ hiện hành có thể thấp hơn so với nhóm trên, cụ thể như Bí thư huyện ủy, giám đốc sở, ngành và tương đương, thường trực HĐND, thường trực UBND...Đây phải là nhân sự đã được quy hoạch vào chức vụ người đứng đầu bộ, ngành, địa phương.

Nhóm dưới 45 tuổi thì không yêu cầu phải giữ chức vụ hiện hành như hai nhóm trên, nhưng cũng phải nằm trong diện được giới thiệu, quy hoạch vào các chức danh do Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý (Phó bí thư tỉnh ủy, thứ trưởng và tương đương). Đây là diện cán bộ tạo nguồn cho các khóa tiếp theo, có thể tham gia làm nhân sự dự khuyết Trung ương.

Hướng dẫn cũng chỉ rõ các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể cho từng diện cán bộ, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu “không giới thiệu vào Trung ương những cán bộ không có năng lực, phẩm chất, uy tín, tham nhũng, gây mất đoàn kết nội bộ...”.

4 bước quy hoạch BCH TƯ

Bước đầu tiên của quy trình quy hoạch Ban chấp hành Trung ương là tập thể lãnh đạo (ở địa phương là Ban Thường vụ, ở các Bộ ngành là Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng) tiến hành rà soát, đánh giá từng trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo hướng dẫn. Từ đó, thông qua danh sách dự kiến những người được giới thiệu quy hoạch.

Bước tiếp theo, hội nghị cán bộ chủ chốt của địa phương, cơ quan cho ý kiến về những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện đã thống nhất ở bước đầu tiên. Điểm đặc biệt là hội nghị này có thể giới thiệu người ngoài danh sách chuẩn bị của tập thể lãnh đạo có thẩm quyền. Sau đó, hội nghị bỏ phiếu kín, người được chọn phải đảm bảo có 30% phiếu giới thiệu trở lên, lấy từ cao xuống thấp cho đủ số lượng được phân bổ.

Bước thứ ba, hội nghị lãnh đạo mở rộng xem xét những người đã được hội nghị bước 2 giới thiệu, có thể giới thiệu thêm người ngoài danh sách. Người được chọn là người đạt 50% phiếu giới thiệu trở lên, lấy từ cao xuống thấp theo số lượng được duyệt trước đó của Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026.

Bước cuối cùng là hội nghị tập thể lãnh đạo xem xét danh sách giới thiệu của hội nghị bước 3 và các vấn đề mới nảy sinh.

Hội nghị này tiếp tục bỏ phiếu kín để chốt danh sách trình Ban chỉ đạo phương án giới thiệu quy hoạch Ban chấp hành Trung ương. Nguyên tắc lựa chọn vẫn là đạt trên 50% phiếu giới thiệu, lấy từ trên xuống dưới đến khi đủ số lượng được phân.

Nguồn tin: Theo Viettimes:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây