Chiều 26.9, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Hà Nội) cho biết, không có việc
Hà Nội là “thành phố ô nhiễm nhất thế giới” như kết quả chỉ số chất lượng không khí AQI mà ứng dụng quan trắc không khí Air Visual đo được.
Vị đại diện này cho hay, trang web của Air Visual lấy duy nhất số liệu quan trắc không khí từ trạm Đại sứ quán Mỹ. Trong khi đó, trạm này lại nằm trên trục đường giao thông lớn, xung quanh có nhiều công trình xây dựng, thì chất lượng không khí không tốt là điều hiển nhiên. “Họ lấy duy nhất ở điểm này để đại diện cho toàn TP.Hà Nội là không chính xác”, vị này khẳng định.
Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, không khí tại Hà Nội xấu trong những ngày gần đây do thời điểm giao mùa, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm nhiều gây ra hiện tượng sương mù bao bọc toàn TP. Sương mù làm giảm độ khuếch tán, phát tán các chất
ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi PM2.5. Nhiều khả năng những ngày sắp tới, không khí Hà Nội vẫn duy trì ở mức kém và chỉ cải thiện khi có các đợt không khí lạnh, gió mùa.
Trước đó, sáng 26.9, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội đo theo ứng dụng quan trắc Air Visual đạt 204, vượt cả Jakarta của Indonesia - TP ô nhiễm nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng AQI của VN, chỉ số này lên ngưỡng trên 200 cho thấy chất lượng không khí thuộc ngưỡng xấu, rất có hại cho
sức khỏe. Người nhạy cảm, người già, trẻ em cần hạn chế ra ngoài.
Tương tự, hệ thống quan trắc PAMAir của VN cũng ghi nhận chỉ số AQI ở hầu hết các điểm đo ở Hà Nội, các tỉnh đồng bằng Bắc bộ lúc 7 giờ sáng ở mức 150 - 200, là ngưỡng không khí kém, ảnh hưởng sức khỏe, nhóm người già, trẻ nhỏ cần hạn chế ra ngoài. Một số tỉnh thành khác như Thái Bình, Hưng Yên và Nam Định cũng có
chỉ số ô nhiễm không khí ở ngưỡng kém. TP.Vinh (Nghệ An) có thời điểm AQI lên ngưỡng 200. TP.HCM có chỉ số AQI trung bình là 173 - mức độ ô nhiễm thứ ba thế giới.