Gian lận thi cử, tham nhũng, giá điện tăng... nóng nghị trường Quốc hội

Thứ năm - 30/05/2019 03:05
Hôm nay 30/5, Quốc hội dành cả ngày thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, việc điều chỉnh giá điện, gian lận thi cử, công tác thu hồi tài sản tham nhũng là những vấn đề được các đại biểu đề cập nhiều…
Gian lận thi cử, tham nhũng, giá điện tăng... nóng nghị trường Quốc hội

"Nếu phúc tra cả nước, tôi  tin còn phát hiện ra nhiều vi phạm"

Phát biểu “khai mạc” phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng nhiều chính sách vĩ mô tốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng những bức xúc hàng ngày của người dân lại chưa được giải quyết hợp lý, nhanh chóng. Chính vì vậy những cố gắng của cả hệ thống vì một vài bộ phận nhỏ làm “vấy bẩn” bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam.


 
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang)

Là đại biểu tỉnh An Giang, đại diện phản ánh bức xúc của người dân trong việc triển khai xây dựng đường tránh Long Xuyên.

“Tưởng như mọi việc đã vào guồng nhưng 6 tháng qua tiến triển rất chậm. Một việc tưởng như có thể đạt  hiệu quả nhãn tiền cho đời sống kinh tế - xã hội của cả một tỉnh, nếu được triển khai sẽ không có việc cách đây vài ngày người dân kéo đến trạm BOT T2 phản ứng dữ dội. Hậu quả là công trình có ý nghĩa to lớn đối với Đồng bằng sông Cửu Long là cây cầu Vàm Cống vừa khánh thành nhưng đã mất đi ý nghĩa nhân văn vì những sai lầm, tắc trách của một bộ phận”, đại biểu tỉnh An Giang nêu.

Ông Hiếu cũng khẳng định, việc khởi công công trình đường tránh Long Xuyên và có giải pháp công bằng tháo gỡ cho người dân khi đi qua trạm thu phí BOT T2 là mong mỏi lớn nhất của  cử tri An Giang lúc này. 

 

Phản ánh về giá điện, giá xăng dầu, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu, Bộ Công Thương có tờ trình điều hành giá các mặt hàng này với gần 20 trang và 200 phụ lục. Rất nhiều con số lập luận khẳng định Bộ làm đúng. Nhưng, đại biểu Hiếu lấy ví dụ chính bản thân mình là một bác sĩ, cho dù phác đồ  đúng mà sức khỏe bệnh nhân của mình không tốt lên thì mình vẫn phải xem xét lại vì nhiều khi trên lý thuyết là đúng nhưng khi triển khai lại sai ở mắt xích nào đấy.

“Lúc này, phải dừng lại xem xét, không  bảo thủ, che dấu sai lầm. Vậy nên, khi rất nhiều người dân phản ứng, bức xúc về giá điện thì Bộ Công Thương cần nghiêm túc rà soát, rút kinh nghiệm về phương thức tiến hành, cách quản lý giám sát và tuyên tuyền của mình thời gian qua”, đại biểu Hiếu kiến nghị, đồng thời cũng đặt câu hỏi: “Phải chăng nguồn gốc sâu xa là do sự độc quyền, không có cạnh tranh của ngành điện trong việc mua bán, truyền tải điện?”

Trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu truyền đạt những bức xúc của cử tri An Giang, mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý nghiêm, chỉ ra những thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vừa qua và người chịu trách nhiệm cụ thể.   
 

“Mỗi năm một lần, Bộ thay đổi cách thức tổ chức thi. Tuy nhiên, dường như càng cải cách kết quả lại càng kém hơn, tiêu cực phát hiện nhiều hơn. Trong 3 năm qua Bộ chưa có tập huấn, chỉ đạo các tỉnh về kẽ hở trong thi cử, không có biện pháp ngăn chặn phần mềm chấm môn tự luận quá lỏng lẻo. Bài thi trắc nghiệm không rọc phách, dùng bút chì để khoanh…”, đại biểu Hiếu nói.

Ngoài ra, Bộ cũng không đánh giá về kết quả thi hàng năm của các tỉnh, thành phố. Đặt câu hỏi tại sao điểm của các tỉnh miền núi kết quả lại cao hơn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh? Đại biểu Hiễu cũng bày tỏ: “Nếu phúc tra cả nước, tôi  tin còn phát hiện ra nhiều vi phạm. Đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình, rất cần người có trách nhiệm với nhân dân. Có như vậy trong tương lai các thử nghiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy trình thi cử mới bảo đảm tính nghiêm túc, khoa học và hiệu quả”.

Đánh giá cao tình hình phát triển KT-XH, ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng bám sát tình hình, thực hiện tốt các chính sách về bảo vệ môi trường, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân, thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị của nhân dân, doanh nghiệp.

 ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) 

Tuy nhiên việc điều chỉnh giá điện, mức tăng giá điện là 8,36% từ ngày 20/3 dù Chính phủ đã có báo cáo giải trình, khẳng định việc tăng giá này đúng quy trình nhưng đại biểu Quốc Hận bày tỏ băn khoăn: “Cử tri muốn Chính phủ đánh giá cụ thể hơn về việc tăng giá điện sẽ có ảnh hưởng thế nào đến đời sống – xã hội của nhân dân trong thời gian tới bởi việc tăng giá điện, giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và đương nhiên chi phí này sẽ làm tăng giá sản phẩm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, giảm sức mua của người dân.

Ở một khía cạnh khác, trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng nhưng một loạt các mặt hàng xăng dầu, dịch vụ y tế… đều tăng thì có ảnh hưởng đến mức sống của người dân hay không và ảnh hưởng thế nào đến việc kiềm chế lạm phát?”.

Từ những câu hỏi trên, vị đại biểu tỉnh Cà Mau kiến nghị, để công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, Quốc hội cần đưa vào danh mục kiểm toán nhà nước đối với hoạt động kinh doanh ngành điện.

Chống tư tưởng "hy sinh đời bố" 

Liên quan đến công tác thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế mà Chính phủ đã đề ra. ĐB Quốc Hận cho rằng đây là một nhiệm vụ cần thiết.

“Trong điều kiện kinh tế - xã hội nước ta còn khó khăn, việc trông chừng từng hạng mục cấp thiết ảnh hưởng tới đời sống và tính mạng của nhân dân không đủ vốn để đầu tư thì các vụ án tham nhũng, kinh tế được phanh phui đã làm thất thoát của nhà nước hàng ngàn, chục ngàn tỷ đồng.

Hành vi cố ý gây thất thoát hoặc cố ý tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng cho dù có dành bản án cao nhất là tử hình thì cũng chưa bảo đảm tính răn đe, công bằng cho xã hội”, đại biểu Quốc Hận bày tỏ.

Bởi lẽ, theo đại biểu Hận, “với số tiền ấy, nếu không bị thất thoát do tham nhũng, chúng ta có thêm vốn đầu tư cho các khu vực sạt lở bờ sông, bờ suối, xây dựng các công trình phòng chống lở đất, phòng chống lũ quét, lũ ống, góp phần giảm đáng kể số người thiệt mạng do các hiện tượng thiên tai gây ra trong thời gian qua”.

Theo đại biểu Hận, ngoài các chế tài xử nặng thì vấn đề thu hồi tài sản thất thoát là nội dung hết sức cần thiết và có tính răn đe cao trong công tác phòng chống tham nhũng. Chống được tư tưởng “hy sinh đời bố”, chỉ ở tù vài chục năm nhưng gia đình, vợ con được sống an nhàn sung túc cả đời. Nếu chúng ta thu hồi đầy đủ tài sản thất thoát tham nhũng gây ra, cùng với sự tù tội của bản thân, sự ô nhục của dòng họ cộng thêm gia đình phải gánh chịu khắc phục hậu quả kinh tế do mình gây ra thì tin chắc nhiều người cân nhắc không dám phạm tội.

Tác giả bài viết: N. Huyền

Nguồn tin: infonet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây