'Giải pháp đột phá chống tham nhũng: tiếp công dân'

Thứ hai - 29/10/2018 23:42
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết "giải pháp đột phá" để chống tham nhũng là tăng cường tiếp công dân và giải quyết tốt đơn thư của công dân. Phiên chất vấn đang diễn ra sôi nổi tại nghị trường Quốc hội.
'Giải pháp đột phá chống tham nhũng: tiếp công dân'

 

 
 

Trước khi các đại biểu chất vấn, lãnh đạo Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao sẽ trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.

Sau đó, đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất cứ thành viên nào của Chính phủ, Chánh án và Viện trưởng, với hình thức hỏi nhanh đáp gọn và tranh luận.

Chưa phát hiện vụ hình sự nào kết án oan - Ảnh 1.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) - Ảnh: THQH

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nêu việc thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc đau lòng như mẹ vứt con mới đẻ, đặt câu hỏi với Bộ Y tế về việc có cần xây dựng đề án tư vấn chăm sóc sức khoẻ phổ rộng cho người dân hay không? 

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói ngay, câu này bộ trưởng Y tế không trả lời ngay được, vì còn liên quan đến đạo đức xã hội, liên quan nhiều ngành.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngọ Duy Hiểu về nhà ở xã hội, bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết thời gian qua đã thực hiện được 3,8 triệu  nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội. 

"Tuy đã cố gắng nhiều nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn. Cung cầu nhà ở đang mất cân đối gay gắt", bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết đang cố gắng bố trí nhiều vốn hơn để công nhân vay thuê, thuê mua nhà ở xã hội. 

Trong kế hoạch đầuy tư công trung hạn 2016 - 2021 chỉ bố trí được 1.200 tỉ đồng trên 9.000 ngàn tỉ nhu cầu về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị tổng thanh tra Chính phủ tiếp thu ý kiến của đại biểu Phan Việt Cường về việc nối mạng các phòng tiếp công dân về Thanh tra Chính phủ.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải giơ biển tranh luận để trả lời ý kiến đại biểu Nguyễn Bá Sơn. Bà cho biết, bann Dân nguyện đều trả lời các cử tri về việc nhận được câu hỏi, còn việc giải quyết trả lời thì còn chưa làm được toàn diện.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cho biết tỉ lệ giải quyết, chứ không phải thông báo là đã nhận được đơn. 

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn tiếp tục tranh luận: "ĐBQH Đà Nẵng chưa hề nhận được trả lời nào". Ông Sơn liệt kê một loạt bộ ngành còn nợ trả lời chứ không riêng Ban Dân Nguyện. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các bộ ngành được liệt kê phải rà soát ngay trong ngày về vấn đề này.

Chống tham nhũng ở doanh nghiệp sân sau thế nào?
Giải pháp đột phá chống tham nhũng: tiếp công dân - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) - Ảnh: Quochoi.vn

Có 3 đại biểu giơ biển tranh luận.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho biết sau khi Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói 100% ý kiến cử tri được trả lời thì cử tri Đà Nẵng gọi điện cho ông nói còn 29 ý kiến của cử tri Đà Nẵng chưa được trả lời. Vậy do tổng hợp sai hay lý do gì?

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) thì nói ông muốn Tổng thanh tra Chính phủ nói rõ về việc chống tham nhũng từ các lợi ích nhóm, các công ty sân sau. Theo ông Mão đây là hành vi tham nhũng tinh vi, gây thiệt hại lớn và ngày càng phổ biến

Đại biểu Phan Việt Cường (Quảng Nam) thì phản ánh hiện nay một số chủ tịch địa phương rất ngại tiếp dân, ông đề nghị kết nối màn hình từ các phòng tiếp dân về Thanh tra Chính phủ để giám sát việc này.

Tham nhũng còn phức tạp

Giải pháp đột phá chống tham nhũng: tiếp công dân - Ảnh 1.

Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái - Ảnh: LÊ KIÊN

Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trả lời về phòng chống tham nhũng, ông cho biết công tác này được Đảng, Nhà nước, toàn dân quan tâm, với sự quyết liệt, công tác phòng chống tham nhũng được đẩy lùi có chiều hướng thuyên giảm. 

Tuy nhiên vẫn còn rất phức tạp và phải tập trung thời gian tới. Ban chỉ đạo trung ương Phòng chống tham nhũng có nhiều giải pháp: tuyên truyền pháp luật; hoàn thiện hệ hống pháp luật, nhanh chóng bổ sung các luật về phòng chống tham nhũng, từ phòng ngừa cũng như phát hiện xử lý.

Ngắt lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc Tổng thanh tra trả lời vào "giải pháp đột phá" trong phòng chống tham nhũng.

Ông Lê Minh Khái hai lần cho biết "giải pháp đột phá" để chống tham nhũng là tăng cường tiếp công dân và giải quyết tốt đơn thư của công dân, và nếu kế hoạch được thực hiện thì rất hy vọng vào một kết quả khả quan hơn nữa trong phòng chống tham nhũng.

Các dòng sông ô nhiễm có trách nhiệm địa phương

Chưa phát hiện vụ hình sự nào kết án oan - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn về sông Nhuệ, sông Đáy - Ảnh: THQH

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời câu hỏi đầu tiên của kỳ chất vấn về việc nước sông Nhuệ, sông Đáy vẫn chưa xanh trong như đã hứa. 

Ông Hà nói thời gian sau 5 năm sông trở lại xanh đẹp là nói với một số điều kiện kèm theo. Các dòng sông liên tỉnh như sông Đáy, sông Nhuệ… phải xử lý tại nguồn, trách nhiệm của các địa phương rất nhiều. 

"Cơ chế phối hợp chưa hiệu quả, nguồn lực chưa được bố trí, công nghệ chưa được rõ. Kiến nghị, chính quyền địa phương phải đánh giá chịu trách nhiệm các nguồn thải", bộ trưởng nói.

Quốc hội chính thức bước vào nội dung chất vấn, theo cách thức "hỏi nhanh, đáp gọn". Người hỏi có 1 phút, người trả lời có 3 phút để trao đổi. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn phiên chất vất sẽ được thực hiện theo không khí dân chủ, chia sẻ. Hiện đã có 21 đại biểu đăng kỳ chất vấn. "Lần này không biết đại biểu sẽ hỏi ai trước, nên chúng ta hãy đợi", Chủ tịch Quốc hội nói.

Đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) chất vấn bộ trưởng Tài nguyên môi trường về giải pháp khắc phục ô nhiễm sông Nhuệ và sông Đáy, câu hỏi này được chuyển từ kỳ họp thứ ba, bộ trưởng hứa sau 5 năm nước sông sẽ trong xanh, tuy nhiên đến nay sông vẫn chưa xanh. Đề nghị cho biết hướng giải quyết.

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ, đề nghị cho biết biện pháp đẩy lùi tham nhũng.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) chất vấn Chính phủ về vấn đề nhà ở cho công nhân còn rất khiêm tốn, Chính phủ cho biết biện pháp khắc phục.

Câu hỏi thứ hai là về việc chậm trễ tiến độ khu công nghệ cao Láng - Hoà Lạc, xin Chính phủ cho biết biện pháp.

Trước thềm phiên chất vấn, Tuổi Trẻ đã ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội về quan tâm, chờ đợi của họ. Trong rất nhiều vấn đề đại biểu nêu, nổi lên vẫn là những bức xúc liên quan đến lĩnh vực giáo dục và quản lý tài sản công, nợ xấu...

Trước giờ giải lao của phiên làm việc buổi sáng, trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Năm nay chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết Quốc hội đánh giá cao những kết quả của ngành tòa án: Tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được chú trọng. Đối với các vụ án hình sự, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.

Các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được khẩn trương đưa ra xét xử; các biện pháp để tăng cường thu hồi tài sản do phạm tội đã được chú trọng áp dụng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ việc dân sự quá hạn do nguyên nhân chủ quan của tòa án, tỉ lệ bản án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan mặc dù giảm nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Công tác giải quyết, xét xử vụ án hành chính gặp nhiều khó khăn.

Tinh giản biên chế chưa chú trọng chất lượng

Quốc hội chất vấn tất cả thành viên Chính phủ - Ảnh 1.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo trước Quốc hội sáng 30-10 - Ảnh: THQH

Trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh việc thực hiện cải cách bộ máy hành chính.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết về cơ bản việc này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, cơ chế một cửa liên thông hiệu quả, nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm, nghị định về phân loại cán bộ công chức viên chức đang được nghiên cứu. 

Tuy nhiên việc tinh giản biên chế chỉ chú trọng về số lượng mà chưa chú trọng chất lượng.

Đánh giá về việc thực hiện nghị quyết chất vấn với lĩnh vực tài nguyên môi trường, ông Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường được quan tâm chú trọng, nhiều vụ việc được xử lý, hệ thống xử lý nước thải trong khu công nghiệp được quan tâm, đầu tư, công tác khắc phục hậu quả môi trường ở các tỉnh ven biển miền Trung được quan tâm. 

Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm mơi trường ở nhiều nơi chưa được quan tâm, nhật là ở nhiều làng nghề, nhiều khu dân cư. Văn bản về môi trường cũng chưa đồng bộ.

Với lĩnh vực giáo dục, báo cáo đánh giá việc cải tiến kỳ thi quốc gia, cải tiến sách giáo khoa… được chú trọng; các cơ sở đào tạo trong cả nước phát triển ổn định, quản lý nhà nước về đạo tạo có nhiều đổi mới. 

Tuy nhiên tiến độ xây dựng các đề án còn chậm, sinh viên ra trường không có việc làm còn nhiều, kỳ thi THPT quốc gia còn nhiều tồn tại, có sai phạm nghiêm trọng ở các địa phương ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội.

Giải quyết án về tham nhũng, kinh tế chuyển biến tích cực

Báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhất là đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của ngành kiểm sát.

Viện trưởng Lê Minh Trí thông tin: Số lượng, chất lượng các bản yêu cầu điều tra tăng, chiếm hơn 80% số vụ án mới khởi tố, số vụ án kiểm sát viên tham gia hỏi cung, phúc cung tăng cao hơn các năm trước, số bị can phải đình chỉ do không phạm tội và số bị cáo tòa án tuyên không phạm tội giảm dần theo từng năm, năm 2018 giảm 50% so với cùng kỳ.

Chất lượng hồ sơ giải quyết án hình sự được nâng lên, các trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung do lỗi chủ quan của kiểm sát viên giảm, tỉ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm dần theo từng năm, năm 2017 giảm 0,61%, năm 2018 giảm 1,22%.

Bên cạnh đó, VKSND tối cao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trung ương chỉ đạo giải quyết nhiều điểm nóng về an ninh trật tự, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án về tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Năm 2018, cơ quan điều tra VKSND tối cao thụ lý, điều tra tăng 39,3% số vụ, trong đó khởi tố, điều tra nhiều tội phạm trong các lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Kết quả giải quyết án về tham nhũng, kinh tế chuyển biến tích cực, số vụ án được phát hiện, khởi tố tiếp tục tăng, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Trong thời gian ngắn, đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh, triệt để những vụ án lớn, dư luận xã hội quan tâm theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Đã xử nghiêm tham ô, tham nhũng

Thứ Ba, ngày 30/10/2018
Quốc hội chất vấn tất cả thành viên Chính phủ - Ảnh 1.
Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình (phải) bên hành lang Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Sau phó thủ tướng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình đọc báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.

Chánh án cho biết, thời gian qua việc tranh tụng đã được thực hiện nghiêm túc, nhất là các phiên toà xét xử tham nhũng. 

Đến nay toà án đã đưa lên mạng 150 ngàn bản án có hiệu lực pháp luật, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của người dân, đóng góp nhiều ý kiến chân thành, đến nay đã có 7 triệu lượt người truy cập.

Chánh án cũng cho biết các toà án thời gian qua đã xử lý nghiêm khắc với những người phạm tội tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, đồng thời khoan hồng, giảm nhẹ với những bị cáo chỉ là người làm công ăn lương. 

Các tòa án cũng chú trọng hoà giải trong các vụ án dân sự và đối thoại trong các án hành chính, tạo ra dư luận tốt trong nhân dân. Từ mô hình thí điểm ở 16 tỉnh thành sẽ mở rộng trong toàn quốc và xây dựng dự án luật đối thoại hoà giải, trình Quốc hội.

Giảm 6 tổng cục thuộc Bộ Công an

Về tổ chức biên chế, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng tinh gọn. 

Hiện đã giảm 6 tổng cục thuộc Bộ Công an, tổ chức lại 125 cục và tổ chức tương đương thuộc Bộ Công an xuống còn 60 cục và tổ chức tương đương, nhập 20 cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy cấp tỉnh vào cơ quan Công an cấp tỉnh.

Giảm 1 tổng cục thuộc Bộ Công Thương, số đầu mối Bộ Công Thương đã giảm 35 vụ, cục và tương đương xuống còn 30 đơn vị như hiện nay, giảm 15 vụ thuộc Bộ.

Trong các năm 2016, 2017 và 2018, Thủ tướng đã phê duyệt biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ trung ương đến cấp huyện, giảm 1,7%-2,9% so với biên chế được giao năm 2015. 

Biên chế sự nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên của 62 địa phương đã giảm 3,16% so với năm 2015.

Khẩn trương tìm giải pháp khắc phục sai sót kỳ thi THPT quốc gia

Phó thủ tướng trong báo cáo của mình đã đề cập đến việc khắc phục những bất cập của kỳ thi THPT quốc gia.

"Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT rà soát phân tích những tác động tích cực và hạn chế của Luật Giáo dục hiện hành; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và nhân dân một cách nghiêm túc để sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục", ông Trương Hòa Bình nói.

"Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT xây dựng phương án đổi mới thi với mục tiêu kế thừa những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục các bất cập của kỳ thi '3 chung' trước đây, đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh".

Các bất cập, sai phạm trong tổ chức thi ở một số địa phương, theo phó thủ tướng, đã được chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Tuyển sinh đại học, cao đẳng đảm bảo quyền tự chủ của các trường theo quy định của pháp luật.

Thứ Ba, ngày 30/10/2018

Trước thềm phiên chất vấn, Tuổi Trẻ hỏi ý kiến một số cử tri về kỳ vọng của họ.

Ông Võ Xuân Trung (cử tri quận Tân Phú, TP.HCM): An ninh trật tự là vấn đề nhức nhối

Nổi bật lên gần đây là những vấn đề liên quan đến tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, gây bất an cho đời sống người dân. Ví dụ, tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác tồn tại tình trạng xã hội đen cho vay nặng lãi; tình hình cướp giật gia tăng, thậm chí xảy ra án mạng...

Đây là vấn đề nhức nhối cần được tập trung chất vấn về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền. Một xã hội dù kinh tế có những bước phát triển khởi sắc, nhưng an ninh trật tự không đảm bảo sẽ ảnh hưởng không chỉ đến đời sống người dân, mà chất lượng môi trường đầu tư cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Qua theo dõi nhiều kỳ họp Quốc hội, tôi thấy có tình trạng đại biểu khi chất vấn diễn giải vấn đề quá dài, thậm chí có người không nắm chắc vấn đề, nói "rào trước đón sau" làm mất thời gian. Do vậy, khi chất vấn, các đại biểu nên diễn giải ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề. Khi đó mới mong có những câu hỏi cũng như trả lời chất lượng. Buổi chất vấn cũng đủ nóng và giải quyết được nhiều vấn đề cử tri mong đợi.

Ông Phan Tương (cử tri quận Tân Bình, TP.HCM): Ai chịu trách nhiệm và giải pháp là gì?

Thời gian qua người dân trong cả nước vẫn dõi theo việc xử lý quyết liệt của Đảng và Nhà nước đối với các vụ việc tham nhũng. Câu chuyện người dân quan tâm là tình trạng tham nhũng nhiều như thế, nhưng khi xử lý xong sẽ thu hồi những tài sản tham nhũng đó như thế nào. Mặt khác, song song với việc chống tham nhũng, cần làm gì để phòng ngừa được tham nhũng?

Ngoài ra, thời gian qua có những vấn đề rất nóng, ví dụ như câu chuyện về sách giáo khoa, tiêu cực trong thi cử trong lĩnh vực giáo dục, hay câu chuyện muôn thuở về tình trạng thiếu giường bệnh, bác sĩ yếu kém tay nghề trong lĩnh vực y tế... được cử tri cả nước quan tâm, bức xúc.

Đây là những vấn đề tồn tại lâu năm, thậm chí trở thành "căn bệnh" trầm kha. Bản thân các bộ trưởng - tư lệnh ngành - cũng đã có những lời hứa để giải quyết, tuy nhiên đến nay chưa hiệu quả. Vậy ai sẽ là người trực tiếp chịu trách nhiệm, và giải pháp đưa ra là gì?

Quốc hội chất vấn tất cả thành viên Chính phủ - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội - Ảnh: LÊ KIÊN

Mở đầu phiên chất vấn, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Phát biểu mở màn phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh các đại biểu có thể đặt câu hỏi cho bất kỳ thành viên Chính phủ nào về lời hứa của họ từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Riêng các chất vấn về lĩnh vực thông tin truyền thông sẽ do Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực là ông Vũ Đức Đam trả lời, do tân bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ mới được chính thức bổ nhiệm.

Thể thức hỏi nhanh đáp gọn tiếp tục được áp dụng: Đại biểu đặt câu hỏi không quá 1 phút, người trả lời không quá 3 phút cho mỗi câu hỏi.

Các đại biểu có quyền tranh luận không quá 2 lần, mỗi lần không quá 2 phút.

Lấy phiếu tín nhiệm trước, chất vấn sau

Phiên chất vấn của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV được tiến hành sau khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, bao gồm gần như tất cả các thành viên Chính phủ (trừ bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng mới được bổ nhiệm chính thức), Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.

Tại cuộc họp báo trước kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã cho biết chương trình làm việc được sắp xếp như vậy là để đảm bảo công tâm, công bằng.

"Bởi có thể đại biểu Quốc hội chỉ chất vấn một số người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm, còn những người khác thì không bị chất vấn, như vậy nếu chất vấn trước thì có thể tác động không công bằng", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Về cách thức tiến hành phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ, Tổng thư ký Quốc hội cho biết: "Các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung chất vấn những việc chưa làm được theo nghị quyết, những lời hứa chưa thực hiện được, đề nghị trả lời rõ là tại sao chưa làm được, khi nào làm được… Đại biểu hỏi đến người nào thì người đó sẽ trả lời theo nội dung câu hỏi".

Nguồn tin: tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây