Dòng người bất tận viếng Chủ tịch nước

Thứ tư - 26/09/2018 21:56
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các đoàn khách quốc tế và người dân bày tỏ sự tiếc thương, mất mát vì sự ra đi của Chủ tịch nước.
Dòng người bất tận viếng Chủ tịch nước

 

 
Dòng người bất tận viếng Chủ tịch nước


TIN LIÊN QUAN


Ngày 26-9, tang lễ của Đại tướng Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được tổ chức theo nghi thức quốc tang.

Lễ viếng diễn ra trang trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội), TP.HCM và quê nhà của Chủ tịch nước ở Ninh Bình.

Một tổn thất lớn...

Tại Nhà tang lễ Quốc gia, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Ghi vào sổ tang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ niềm tiếc thương về sự ra đi của Chủ tịch nước và viết: Chủ tịch nước là nhà lãnh đạo đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là với lực lượng công an nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết trong sổ tang, có đoạn: “Đây là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn, không gì bù đắp được đối với gia đình, đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè và người thân”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viết: “Sự đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, hết lòng vì nhân dân của đồng chí sẽ mãi mãi được đồng chí, đồng bào ghi nhớ”...

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon đã đến viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long đã tới Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore viếng Chủ tịch nước. Trong sổ tang, Thủ tướng Lý Hiển Long viết: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã cống hiến cả cuộc đời mình phục vụ đất nước, nâng cao cuộc sống người dân cũng như tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Dòng người bất tận viếng Chủ tịch nước - ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chia buồn cùng bà Nguyễn Thị Hiền, phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng toàn thể tang quyến. Ảnh: TTXVN


Người luôn ủng hộ chủ trương của TP.HCM

Tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM, từ sáng sớm hàng ngàn người đã tới xếp hàng để vào viếng Chủ tịch nước.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND,  UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tiếp ngay sau đó, các đoàn Quân khu 7, đoàn Văn phòng Trung ương Đảng, đoàn Ban Tổ chức Trung ương... cũng kính cẩn dâng vòng hoa kính viếng.

Ghi vào sổ tang, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân viết về sự quan tâm ủng hộ của Chủ tịch nước trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững hơn vì cả nước. “Xin vĩnh biệt, xin gửi đến gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất...” - ông Nguyễn Thiện Nhân viết.

Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, ghi trong sổ tang: “Toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an TP.HCM nguyện noi theo tấm gương sáng hết lòng vì Đảng, vì nước, vì dân của Chủ tịch nước”.

Theo ông Lê Đông Phong, trong thời gian giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang là người lãnh đạo bản lĩnh, đầy trách nhiệm, sống bình dị, nghĩa tình với các đồng chí, đồng đội, gần dân và thương yêu nhân dân. Ông ghi vào sổ tang: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang ra đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là niềm tiếc thương vô hạn của gia đình và bạn bè quốc tế”.

Cùng ngày, nhiều đoàn lãnh sự quán tại TP.HCM như Nga, Cuba, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào… đã tới thắp hương, viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.
 

50.000 người của khoảng 1.500 đoàn trong nước, quốc tế đến viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tính đến 17 giờ ngày 26-9. Một số lãnh đạo, cựu lãnh đạo Đảng, Nhà nước do điều kiện không đến được đã gửi vòng hoa viếng, chia buồn cùng gia đình. 


Sống mãi trong lòng người dân

Trong hàng ngàn người đến viếng, có những người rất đặc biệt, họ đến với ước mong “thắp nén nhang tiễn ông lần cuối”. Gia đình ông Đặng Việt Bích, con trai cố Tổng Bí thư Trường Chinh, có mặt từ rất sớm. Cụ Bích và vợ lặng lẽ chọn một góc nhỏ chờ đợi. “Chúng tôi vẫn biết sức khỏe Chủ tịch nước đã không tốt nhưng chúng tôi vẫn nghĩ rằng ông vẫn ráng cầm cự được. Vậy mà… đau xót quá” - ông Bích trầm ngâm.

Vợ ông Bích chia sẻ: “Chú là một người rất thân thiện, dễ gần. Từ cái bắt tay, trong ánh mắt có thể cảm nhận được sự trân trọng, thân thiết của một người lãnh đạo”.

Những người con của đất Ninh Bình hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM cũng xuyên trưa xếp hàng mong được thắp nén nhang viếng hương hồn người con ưu tú của quê hương.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, người của Hội đồng hương Ninh Bình, nói: “Hôm đó, tầm 11 giờ trưa thì đứa con chạy về báo: Ba mẹ ơi, ông Trần Đại Quang mất rồi. Trời ơi, tôi đứng tim luôn! Tự nhiên nước mắt cứ chảy dài. Ông còn trẻ quá. Ngày xưa, dù cùng quê nhưng chúng tôi ít khi tiếp xúc với ông, sau này thì tôi vào TP.HCM nhưng chúng tôi đều nghe tiếng từ bé. Ông học giỏi, là người chính trực, tài năng, là người có chí lớn”.

Ông Vũ Kế Hoạch, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Kim Sơn (Ninh Bình) tại TP.HCM, cho hay: “Năm nào họp hội, bác cũng có lẵng hoa, quà gửi tặng hội, mới đó thôi, vậy mà…”.

Chiều nay sẽ an táng Chủ tịch nước ở quê nhà

Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ tổ chức vào 7 giờ 30 sáng nay (27-9) tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và quê hương Chủ tịch nước xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Lễ an táng sẽ diễn ra từ 15 giờ 30 cùng ngày tại quê hương Chủ tịch nước ở xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây