Nhưng khó không có nghĩa là được phép chần chừ, đùn đẩy..., nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì những việc nào đã rõ, đã chín thì kiên quyết làm ngay; việc nào chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tích cực nghiên cứu, mạnh dạn cho làm thí điểm rồi tổng kết, mở rộng dần...
Đổi mới - trước hết phải bắt đầu từ cấp trên
Có thể nói, đây là vấn đề rất cấp thiết bởi bộ máy công quyền của chúng ta quá cồng kềnh, chồng chéo với khoảng 2,7 triệu người hưởng lương. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước với quyết tâm chính trị rất cao đã tiến hành nhiều giải pháp nhằm tinh giản bộ máy, nhưng như Nghị quyết Đại hội XII đã đánh giá: “Số lượng cán bộ, công chức không những không giảm mà lại tăng”. Chính sự phình ra của bộ máy đang gây áp lực cho ngân sách rất lớn. 70% ngân sách hiện nay tập trung chi cho thường xuyên, chỉ có 30% đầu tư cho phát triển – đây là con số theo đánh giá là rất thấp. Vấn đề đặt ra là phải làm sao tinh gọn bộ máy, giảm những người làm trong bộ máy này.
Khai mạc Hội nghị Trung ương 6, khi đề cập đến một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ rõ, cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; cơ cấu bên trong chưa hợp lý; tổ chức bộ máy của khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập chậm được đổi mới; tổ chức và biên chế ngày càng phình to. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều...
Để xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài sự quyết tâm lớn còn cả cả sự “hy sinh” về mặt quyền và lợi ích mà nhiều người, nhiều ngành không muốn buông ra; bởi lẽ tinh gọn bộ máy cũng có nghĩa là phải “cắt” bớt những bộ phận lâu nay hoạt động kém hiệu quả, thậm chí là không cần thiết. Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thì việc đổi mới hệ thống chính trị một cách tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng là công việc cần phải làm ngay, làm chắc chắn và lâu dài. “Đây cũng là bài toán lớn cần giải quyết sao cho có tình, có lý bởi nó đụng chạm đến thân phận và lợi ích của từng con người”- PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng nhận định. Bên cạnh đó, việc đổi mới trước hết phải bắt đầu từ cấp trên, từ Trung ương và bộ ngành thay vì bắt đầu từ cơ sở như cách làm lâu nay.
Phải có lộ trình, bước đi vững chắc
Hiện nhiều bộ, ngành và địa phương đang quyết tâm thực hiện tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và bước đầu có hiệu quả, nhưng một số nơi, công tác này vẫn chưa thật sự có nhiều chuyển biến. Là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội của cả nước, Hà Nội được biết tới là một trong những địa phương đi đầu trong việc cải cách hành chính và có kết quả cao trong việc sắp xếp tinh gọn lại bộ máy. Điển hình là đến nay, Hà Nội đã giảm được 46 phòng ban, hơn 220 đơn vị trực thuộc cấp huyện.
Đối với cấp cơ sở, sau khi sắp xếp lại, thành phố cũng đã giảm hơn 2.000 thôn, gần 1.000 chi bộ và gần 5.000 cán bộ ở khu vực này. Tuy nhiên, bên cạnh thành tích trên, Hà Nội cũng còn những vấn đề cần phải giải quyết tiếp. Cụ thể, hiện thành phố có 5 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành (gồm có: Ban Quản lý Dự án Dân dụng và Công nghiệp, Ban Quản lý Dự án Giao thông, Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Dự án văn hóa xã hội, Ban Quản lý Dự án cấp nước, thoát nước và môi trường). Điều đáng nói là tổng số cán bộ của 5 Ban Quản lý dự án chiếm gần 1.000 người, trong đó có 5 công chức, 706 viên chức và 273 lao động hợp đồng.
Theo đánh giá của HĐND TP Hà Nội thì các Ban Quản lý dự án này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động mà một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn này là do số lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn so với khối lượng công việc...
Đổi mới, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là việc làm khó khăn và không phải ngày một, ngày hai. “Bộ Chính trị nhận thấy, đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng nhưng cũng rất khó, rất phức tạp và nhạy cảm, vì nó liên quan đến những vấn đề lý luận cơ bản về phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh. Và cũng vì còn nhiều bất cập, tồn tại trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nên tại Hội nghị Trung ương 6 lần này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở nhiều giải pháp thực hiện, trong đó Tổng Bí thư lưu ý, các nhiệm vụ và giải pháp đề ra phải phù hợp, khả thi, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, góp phần giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra đối với tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị cũng như các tổ chức cụ thể của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là tổ chức bộ máy bên trong từng cơ quan, đơn vị.
Nguồn tin: PLVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn