Kết quả khảo sát với 3.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện độc lập được công bố tại hội thảo cho thấy đã có nhiều cải thiện so với khảo sát năm 2014, nhưng còn không ít hạn chế.
Tỷ lệ gặp phiền hà nhiều nhất là khối doanh nghiệp FDI với tỷ lệ 53%, sau đó là cùng tỷ lệ 41% với khối doanh nghiệp dân doanh.
Cụ thể, thủ tục khai thuế, khai quyết toán thuế bị phàn nàn nhiều nhất với tỷ lệ 31%; thủ tục hoàn thuế là 26%
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay, việc hoàn thuế vẫn diễn ra chậm, có doanh nghiệp dù đã có quyết định nhưng phải tới 1 năm sau tiền mới về tài khoản.
“Nhiều doanh nghiệp khi chúng tôi hỏi tại sao không thực hiện hoàn thuế thì doanh nghiệp cho biết do thủ tục rườm rà và thời gian dài”, ông Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phản ánh về các mẫu biểu báo cáo thường hay thay đổi, gây mất thời gian cập nhật mẫu các phần mềm kế toán.
|
Ông Tuấn dẫn lời một doanh nghiệp nói rằng: “Khi cập nhập theo thông tư mới thì mà riêng công ty phần mềm X đã thu thêm cho 1 phiên bản là 5 triệu đồng. Thử hỏi cả nước này có bao nhiêu doanh nghiệp cần phải cập nhật và toàn quốc phải mất khoản tiền rất lớn”.
Bên cạnh đó, ông Đậu Anh Tuấn cũng nêu rõ phản ánh của doanh nghiệp trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra. Đó là ngoài cơ quan thuế ra có thêm một số tổ chức, cơ quan khác đòi hỏi thanh tra, kiểm tra, gây phiền hà cho doanh nghiệp; thậm chí có những trường hợp doanh nghiệp phải có thêm khoản chi cho các cán bộ thuế để không bị "hành".
Số liệu tổng kết của VCCI chỉ rõ, có 34% doanh nghiệp cho biết phải chi phí không chính thức, tăng 2% so với năm 2014.
81% doanh nghiệp đề nghị phải đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế; 60% doanh nghiệp cho rằng cần tăng cường công khai minh bạch; 43% doanh nghiệp kiến nghị cải thiện thái độ giao tiếp tinh thần phục vụ của cán bộ thuế...
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, nhiều doanh nghiệp phải chi phí cho cán bộ thuế để không bị "hành". ảnh: vcci. |
Đối với các thủ tục nộp thuế điện tử, có 12% doanh nghiệp cho biết vẫn còn gặp vướng mắc trong việc đăng ký sử dụng dịch vụ nộp hồ sơ khai thuế qua mạng lần đầu.
Có tới 64% doanh nghiệp cho biết hệ thống đường truyền dữ liệu thường xuyên bị tắc nghẽn, 8% cho rằng tốn chi phí để sử dụng chữ ký…
Đánh giá về kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2016, TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhận định, kết quả khảo sát đã cho thấy những chuyển biến tích cực của ngành thuế, khi so sánh với kết quả khảo sát năm 2014.
Tuy nhiên, cơ quan thuế cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính thuế như nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật trong lĩnh vực thuế và chú trọng khâu tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, nhằm hạn chế vấn đề chi phí không chính thức.
“Những cải cách ngành thuế tiến hành rõ ràng đang đi đúng hướng nhưng cần đi nhanh hơn nữa. Đích đến là thủ tục thuế của Việt Nam phải so sánh được không chỉ với các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN mà với cả các quốc gia phát triển trên thế giới mà Việt Nam đang tích cực thúc đẩy các hợp tác thương mại”, ông Lộc nhấn mạnh.
Năm 2016, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng được 9 bậc nhưng vẫn còn ở thứ hạng thấp khi xếp thứ 82/190 nước và vùng lãnh thổ.
Đáng chú ý là nhiều tiêu chí xếp hạng rất thấp (nộp thuế đứng thứ 167, giải quyết mất khả năng thanh toán xếp thứ 125, khởi nghiệp xếp thứ 121).
Những con số này cho thấy mục tiêu cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều thách thức.
Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020:
Đến hết năm 2017, đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cụ thể là khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước.
Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, gồm: Nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế là 119 giờ và bảo hiểm là 49 giờ); Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày, bao gồm: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng xuống còn 63 ngày (giảm 19 ngày);...
Đến năm 2020 đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); các chỉ số Đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO) đạt trung bình ASEAN 5.
Tác giả bài viết: Diệu Linh
Nguồn tin: Theo Giáo dục VN::
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn