'Dị nhân' thổi hồn tre thành... tôm hùm

Thứ hai - 30/01/2017 23:02
'Dị nhân' thổi hồn tre thành... tôm hùm

 

(PhapluatNews) - Để hoàn thành một con tôm hùm tre phải qua hàng chục công đoạn và phối hợp nhiều nguyên liệu.
 

'Di nhan' thoi hon tre thanh... tom hum - Anh 1

Những sản phẩm tôm hùm tre của ông Nguyễn Minh Châu sinh động như tôm thật.

Những thân tre gai góc được lão nông Nguyễn Minh Châu (88 tuổi, trú phường Bình Định, TX An Nhơn, Bình Định) “thổi hồn” thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo...

Căn nhà của cụ Nguyễn Minh Châu trên đường Ngô Gia Tự (phường Bình Định) lúc nào cũng tấp nập người dân, du khách ghé thăm. Thoạt nhìn những con tôm hùm màu xanh vàng óng được treo dọc đường luồng căn nhà ba gian cứ ngỡ tôm thật. “Đây mới là công đoạn tạo dáng. Để hoàn thành một con tôm hùm tre phải qua hàng chục công đoạn và phối hợp nhiều nguyên liệu. Gỗ cây gòn làm đầu tôm, tre làm thân tôm, dây chuối và thép nối làm chân, càng và râu tôm”, cụ Châu bật mí phương pháp chế tác tôm tre có một không hai của mình.

Theo cụ Châu, để có sản phẩm tôm tre đạt chuẩn cần phải chọn được loại tre thích hợp, dày và có độ bền cao. Loại tre này là tre gai, và phải là tre già, có nhiều ở TX An Nhơn và các huyện lân cận. Đích thân cụ Châu lặn lội đến vùng nguyên liệu để chọn từng thân, gốc tre ưng ý mới thuê thợ cắt hạ chở về.

Theo cụ Châu, phần đầu của tôm nhìn phức tạp nhưng được chế tác rất đơn giản bằng gỗ cây bông gòn mềm và nhẹ. Khó nhất là việc tạo dáng cong của thân tôm. Phần thân này được làm bằng những khúc tre tròn, cưa chéo, xếp theo quy cách từ lớn đến nhỏ dần về phía đuôi, được kết nối với nhau bằng keo và dây thép. Phần đuôi là những miếng tre được chẻ rất mỏng, vuốt láng, xếp xòe ra. Râu tôm được làm bằng dây chuối quấn vào sợi thép để dễ ngoe nguẩy.

Trước đây, các khớp nối được kết dính bằng loại keo thông thường ngoài thị trường rất dễ hỏng. Sau nhiều tháng ròng rã nghiên cứu, cụ Châu cho ra đời một loại keo dán đặc biệt được chế tạo từ xốp phế liệu. Cụ Châu đã để thử một con tôm hùm tre sử dụng loại keo đặc biệt trên tường suốt 30 năm qua, giờ vẫn còn như mới.

Mất gần 10 năm, tôi mới hoàn thiện được những con tôm hùm tre như bây giờ”, cụ Châu tâm đắc. Biệt danh “Châu tôm 3 nhất” cũng rộ lên từ đó bởi sản phẩm của cụ: Mới nhất, độc đáo nhất, giống thật nhất.

Còn nhớ, từ năm 1987, sản phẩm tôm hùm tre của cụ Châu đoạt Huy chương Đồng “Hội thi triển lãm tiểu thủ công mỹ nghệ toàn quốc” tại một hội chợ ở Quảng Ngãi. Sau lần đoạt giải, tôm tre của cụ Châu được nhiều người biết đến. Mỗi tháng, cụ Châu xuất bán khoảng 100 con tôm tre cho hai đối tác lớn tại Hà Nội và TP HCM. Rồi sản phẩm tôm tre này cũng tìm đường xuất khẩu sang Mỹ.

Thấy sản phẩm tôm tre đắt khách, nhiều cơ sở đề nghị được rót vốn đầu tư, mở rộng sản xuất nhưng cụ Châu từ chối, bởi sản phẩm thủ công đòi hỏi sự tâm huyết, tỉ mỉ không thể theo kiểu “nhân bản đại trà”. Mỗi sản phẩm thể hiện tính sáng tạo của người làm. Nhà có ba người con, nhưng chỉ riêng vợ chồng người con trai út Nguyễn Phúc Sơn (57 tuổi) nối nghiệp làm tôm tre của cụ Châu truyền lại. “Từ nhỏ, tôi đã theo cha làm tre đến giờ đâm ra nghiện. Ngày nào không chế tác, đục đẽo vài thân tre là ngứa ngáy lắm. Nhiều khi mê tre hơn cả vợ”, ông Sơn vui nói.

Theo ông Phan Thanh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế TX An Nhơn, hiện nay gia đình ông Nguyễn Minh Châu là nơi duy nhất ở Việt Nam sản xuất tôm hùm tre. Đây là sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, có sự sáng tạo đặc biệt. Ở nước ta bất cứ vùng miền nào cũng có tre, có thể nói việc biến những gốc tre vô hồn thành những con tôm hùm sinh động như thật là sáng tạo mang tính “đột phá” trong việc giới thiệu cây tre Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Nguồn tin: Theo Giao Thông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây