Dân chủ trong trường học: Giấc mơ bao giờ thành hiện thực?

Thứ ba - 28/03/2017 03:44
(PL News) - “Cụm từ “dân chủ trong trường học” là điều gì đó quá xa xỉ và có lẽ nó chỉ tồn tại trong giấc mơ của giáo viên chúng tôi”, một giáo viên tại TP. Hồ Chí Minh cho hay.
Dân chủ trong trường học: Giấc mơ bao giờ thành hiện thực?

Dân chủ trong môi trường giáo dục, để giáo viên được nói lên tiếng nói của mình, cho tới bây giờ vẫn chỉ là... giấc mơ của các giáo viên.

Nhiều giáo viên cho rằng, trường học hiện nay giống như một “thế giới thu nhỏ” mà ở đó hiệu trưởng là người thống trị. Điều đó khiến giáo viên luôn phải tìm cách che giấu ý kiến, quan điểm của mình.

Điều này được thể hiện rất rõ ở việc ban giám hiệu đi tập huấn các chính sách, thông tư mới nhằm giảm tải áp lực cho giáo viên nhưng khi về tới trường, họ lại truyền đạt kiểu “không giống ai” khiến giáo viên áp lực vẫn hoàn áp lực.

Việc truyền đạt không đúng tinh thần thông tư 22, gây áp lực từ lãnh đạo trường đã khiến nhiều giáo viên mệt mỏi

Ví như, thời gian vừa qua khi áp dụng việc đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 30 khiến nhiều giáo viên mệt mỏi vì số lượng sổ sách quá lớn. Thế nhưng, khi Phòng GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT tại các tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp của giáo viên thì không ai dám ho he gì.

Nhiều giáo viên phải nhờ báo chí lên tiếng nhưng điệp khúc đề nghị được giấu tên vì sợ ban giám hiệu biết là chuyện... bình thường. Cuối cùng Thông tư 30 được thay thế bằng Thông tư 22 trên cơ sở giám áp lực cho giáo viên. Song mọi chuyện vẫn chưa dừng lại, giáo viên lại gặp phải “gợi ý ngầm” từ ban giám hiệu.

Chia sẻ với PV báo Infonet về vấn đề này, một giáo viên tiểu học tại Yên Bái cho hay: “Bản chất của Thông tư  22 là rất tiến bộ, nó kế thừa những ưu điểm của thông tư 30 với mục tiêu là giảm bớt áp lực cho giáo viên. Tuy nhiên, thực tiễn chỉ giảm bớt được một phần rất nhỏ vì chúng tôi gặp phải những gợi ý ngầm từ cấp quản lý.

Tính trung bình một lớp tiểu học có khoảng 30 học sinh với khoảng 9 môn học, đó là chưa kể những môn tự chọn như Tin học… Tổng tất cả là thành hơn 10 môn.

Trong khi, “cấp trên” vẫn yêu cầu dùng 1 trang giấy A4 (có 9 tiêu chí và đánh giá xếp loại 1;2;3) để đánh giá 1 học sinh với 1 môn học trong 4 định kỳ/năm. Thế là giữa nội dung Thông tư và yêu cầu của cấp quản lý đã có sự khác nhau.

Vậy thử hỏi những lớp có từ 40-50 học sinh thì mỗi lần giáo viên phải mất tới hàng trăm bản khác nhau để nhận xét. Điều đáng nói, về mặt bản chất văn bản, Thông tư 22 là tốt, đáp ứng nhu cầu giáo viên, nhưng khi đi vào thực tiễn, giáo viên chúng tôi vẫn rất mệt mỏi.

Bởi lẽ, trong Thông tư 22 không nói mỗi học sinh với mỗi môn học, giáo viên phải làm thang đánh giá gồm 9 tiêu chí để đánh giá mà cái này là do “gợi ý ngầm” từ cấp trên.

Vậy với 1 lớp 50 học sinh thì 1 năm giáo viên phải đánh giá 2.000 bản (4 lần đánh giá/năm). Liệu rằng như vậy giáo viên có đủ sức để đánh giá hay không? Còn thời gian lên lớp, thời gian soạn bài… thì lấy ở đâu ra?

Tuy nhiên, khi có cán bộ từ phòng GD&ĐT về lấy ý kiến thì hiệu trưởng vẫn tươi cười và nói Thông tư 20 thực sự giảm áp lực cho giáo viên, giáo viên rất hài lòng. Vậy thì thử hỏi chúng tôi còn dám nói gì?”.

Cùng bức xúc về việc hiệu trưởng luôn “áp đặt” cho giáo viên trong mọi việc, một giáo viên tiểu học tại TP. Hồ Chí Minh cho hay: “Hiệu trưởng ở trường tôi giờ như "vua con".

Thông thường, mỗi hiệu trưởng sẽ có khoảng 1-2 nhiệm kì, khoảng 8-10 năm ở trường. Chính điều này sẽ tạo cơ hội cho hiệu trưởng dùng quyền lực để thâu tóm quyền hành vào tay của mình.

Bất cứ chuyện lớn, chuyện bé trong trường đều do hiệu trưởng quyết định hết. Ngay từ đầu năm học, khi chuẩn bị cho các kế hoạch năm học, hiệu trưởng tự mình xây dựng một loạt kế hoạch và đưa về giáo viên góp ý, xây dựng.

Nhưng đa phần giáo viên đều nhất trí đồng thuận vì chỉ cần có ý kiến khác với ý của hiệu trưởng là được liệt vào danh sách "đen". Trong suốt năm học, mọi cử chỉ, lời nói đều được chú ý và chăm sóc đặc biệt.

Như trường tôi, hiệu trưởng tự đưa quy định “ép buộc” giáo viên phải tham gia thi giáo viên dạy giỏi, nếu không sẽ bị trừ vào điểm thi đua. Điều đó khiến nhiều giáo viên bức xúc nhưng rồi cũng không ai dám nói ra vì sợ “được quan tâm đặc biệt.

Thực sự, cụm từ “dân chủ trong trường học” là điều gì đó quá xa xỉ và có lẽ nó chỉ tồn tại trong giấc mơ của giáo viên chúng tôi”.

Chia sẻ về vấn đề này, một giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh Thái Bình ứa nước mắt: “Hiệu trưởng lạm quyền là việc nhìn thấy ở các cơ sở giáo dục hiện nay.

Nhất là ở các tỉnh lẻ, ở vùng sâu vùng xa khi giáo viên không được tiếp cận quá nhiều với các phương tiện thông tin đại chúng, không hiểu luật và sợ trù dập.

Bản thân tôi cũng là một nạn nhân của sự trù dập. Tôi còn nhớ năm 2008, khi đó tôi đã công tác ở trường cũ được 5 năm. Thấy rõ những sai phạm của hiệu trưởng trong việc bớt xén phần trăm suất ăn trưa và ăn chiều của học sinh, tôi đã có ý kiến trong cuộc họp giao ban.

Thế nhưng, thứ tôi nhận lại là ánh mắt ngỡ ngàng của giáo viên khác trong trường. Không phải họ ngỡ ngàng vì không biết việc bớt xén của hiệu trưởng mà ngỡ ngàng vì tôi dám nói ra những điều không ai nói bấy lâu.

Rồi tôi bị cô lập hoàn toàn, các giáo viên trong trường không ai dám chia sẻ cùng tôi, thậm chí khi nói chuyện cùng tôi họ cũng sợ sệt và tôi biết mình đã bị liệt vào danh sách “đen” của hiệu trưởng.

Kể từ đó, bất cứ cử chỉ, lời nói hay việc làm của tôi ở trường đều được hiệu trưởng chú ý và “chăm sóc đặc biệt” khiến tôi rất áp lực mỗi khi đến trường. Cuối cùng, như một sự giải thoát, tôi đã xin chuyển trường và thực hiện châm ngôn “im lặng là vàng” cho đến tận bây giờ”.

Vậy, các cấp quản lý cao hơn như Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT cần làm gì để việc dân chủ trường học được thực hiện?

Tác giả bài viết: Hoàng Thanh

Nguồn tin: infonet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây