Đà Nẵng động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu trước tuổi, nhường cho cán bộ trẻ

Thứ ba - 14/02/2017 19:36
(PL News) - Cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn thấp nên cần có chính sách để động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu trước tuổi nhường vị trí lại cho cán bộ trẻ.
Đà Nẵng động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu trước tuổi, nhường cho cán bộ trẻ

 

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vừa ký quyết định ban hành “đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo”.

Theo Thành ủy Đà Nẵng, thời gian quan, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng với tổng số 27.692 người.

Đà Nẵng có cơ chế, chính sách động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu trước tuổi để nhường lại vị trí cho cán bộ trẻ. Ảnh: ĐN

Công tác phát triển cán bộ trẻ được đầu tư đến cấp cơ sở. Trong nhiệm kỳ, mỗi cấp uỷ viên phải tiến cử ít nhất một cán bộ để đào tạo thành cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt.

Sau hai nhiệm kỳ triển khai tiến cử, đến nay đã bổ sung cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, đặc biệt cán bộ trẻ tham gia Thành ủy.

Ông Vũ Mão: Với cán bộ trẻ, chăm bẵm quá dễ sinh ra đặc quyền, đặc lợi!

Thành phố cũng đã chủ động, tích cực và làm tốt công tác cán bộ nên bước đầu đã chuẩn bị được đội ngũ cán bộ trẻ kế cận.

Khắc phục dần tình trạng bị động, hẫng hụt cán bộ, từng bước nâng cao chất lượng, số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ.

Tuy nhiên, công tác phát triển cán bộ trẻ vẫn còn một số mặt hạn chế. Rõ nhất là tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp uỷ vẫn chưa đảm bảo theo quy định (không dưới 10%).

Tại đại hội các đảng bộ trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, có 544 cấp ủy viên thì chỉ có 38 đồng chí dưới 35 tuổi (chiếm tỷ lệ 6,99%).

Cơ cấu cán bộ trẻ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thấp, chưa có tính kế thừa.

Nguyên nhân là do từ trước đến nay từ Trung ương đến địa phương chưa có văn bản chỉ đạo hoặc chuyên đề cụ thể về phát triển đội ngũ cán bộ trẻ.

Dẫn đến, một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn e dè, chưa mạnh dạn đưa cán bộ vào quy hoạch hoặc giao việc cho cán bộ trẻ để thử thách, rèn luyện.

Trong bổ nhiệm cán bộ còn có tư tưởng cầu toàn, nhiều nơi mang “giải pháp tình thế”, thiếu tính chiến lược.

Ngoài ra, một số cán bộ trẻ thiếu rèn luyện hoặc tự mãn, ỷ lại khi đã được quy hoạch.

Đề án mới cũng nêu rõ, việc xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là yêu cầu cấp bách.

Đối tượng tạo nguồn là lãnh đạo, quản lý hiện đang giữ các chức vụ ở các cấp.

Trong đó, cấp thành phố: từ phó trưởng phòng (và tương đương) trở lên thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể thành phố.

Cấp quận, huyện thì từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên.

Cấp phường, xã thì từ Bí thư, Phó Bí thư đảng uỷ, Chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân dân phường, xã.

Tiêu chuẩn xây dựng và đào tạo nguồn cán bộ trẻ là phải có trình độ chuyên môn.

Cụ thể, phải tốt nghiệp Đại học chính quy công lập (bằng 1) hoặc tốt nghiệp bậc đại học trở lên tại một số cơ sở đào tạo ở nước ngoài.

Kết quả tốt nghiệp loại khá trở lên, khả năng ngoại ngữ B1 châu Âu, trình độ lý luận chính trị: từ trung cấp trở lên.

Về thực tiễn công tác thì phải công tác ít nhất từ 5 năm trở lên tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc thành phố Đà Nẵng.

Có thành tích tiêu biểu, uy tín tại cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác. Có tuổi đời dưới 35 tuổi tính đến thời điểm tham gia Đề án.

Dựa trên những tiêu chuẩn nói trên, lãnh đạo các cơ quan tiến hành tiến cử cán bộ.

Người tiến cử cán bộ phải có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ cán bộ phát triển.

Từ những cán bộ đã được tiến cử, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thu thập thông tin, lấy ý kiến tham khảo để đánh giá, phân loại để đào tạo, bồi dưỡng định hướng phát triển.

Trên cơ sở đánh giá cán bộ, xem xét và đề nghị đưa ra khỏi Đề án những cán bộ không có triển vọng phát triển, thiếu tinh thần cầu tiến hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ thử thách được giao.

Đồng thời, chọn lựa bổ sung cán bộ khác thay thế. 

Đề án cũng nêu rõ, các cơ quan tạo điều kiện cho cán bộ được rèn luyện thử thách, tích lũy kinh nghiệm qua thực tiễn, kết hợp với công tác luân chuyển, bố trí cán bộ.

Tăng cường tổ chức cho cán bộ tham gia Đề án và cán bộ trẻ đủ điều kiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số lĩnh vực chuyên môn theo quy định của Trung ương.

Song song với công tác tạo nguồn, giao việc cho cán bộ thử thách thì phải có vị trí, môi trường cụ thể để cán bộ rèn luyện, thử thách.

Để thực hiện tốt Đề án, cần có giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, cần có chế độ chính sách để động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu trước tuổi nhường vị trí lại cho cán bộ trẻ.

Có phương án, kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ giữa các cấp, các ngành để tạo điều kiện thuận lợi trong việc bố trí, giao việc, thử thách cán bộ tham gia Đề án.

Nghiên cứu tăng thêm chức danh phó bí thư ở các quận uỷ, huyện uỷ, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, chức danh phó giám đốc (và tương đương) ở các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và nhưng nơi có điều kiện.

Nguồn tin: Theo Giaoduc.net.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây