Chỉ đạo nổi bật: Làm rõ vụ “mắc sai phạm vẫn được đề bạt lên chức”

Chủ nhật - 26/02/2017 10:48
(PL News) -  Kiểm tra thông tin tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa; làm rõ phản ánh liên quan đến công ty Quản lý đô thị và môi trường Đắk Lắk; chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội; rà soát mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển Hải Phòng... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 20-24/2/2017.
Trụ sở công ty Quản lý đô thị và môi trường Đắk Lắk
Trụ sở công ty Quản lý đô thị và môi trường Đắk Lắk

 


Kiểm tra thông tin tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư về việc phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra, kết luận những nội dung các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp khẩn trương nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để bổ sung, sửa đổi hoặc kiến nghị bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.

Trước đó Văn phòng Trung ương Đảng có công văn số 3308-CV/VPTW thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về nội dung các bài báo liên quan đến vấn đề tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa, thứ trưởng Bộ Công thương.

Làm rõ phản ánh liên quan đến công ty Quản lý đô thị và môi trường Đắk Lắk

 Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk và Báo Bảo vệ pháp luật kiểm tra làm rõ nội dung phản ánh của báo này liên quan đến Công ty TNHH một thành viên Đô Thị và Môi trường Đắk Lắk và ông Trương Công Thái, nguyên Giám đốc Công ty.

Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/4/2017.

Trước đó, Báo chí đã có nhiều bài viết phản ánh ông Thái, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý đô thị và môi trường Đắk Lắk có nhiều vi phạm trong quản lý kinh tế nhưng không bị xử lý, còn được đề bạt, bổ nhiệm chức vụ cao hơn.

Bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Công an

Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bổ nhiệm lại Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an.

Tại quyết định khác, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thượng tướng Lê Quý Vương sinh ngày 2 tháng 2 năm 1956, quê quán tại xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Ông Vương được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an năm 2010.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh ngày 15 tháng 5 năm 1957 tại Hà Nội, nguyên quán ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông Vịnh được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2009.

Rà soát mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển Hải Phòng

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến về việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển Hải Phòng.

Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam làm việc với UBND TP. Hải Phòng để rà soát, xem xét cụ thể quy định về mức thu, đối tượng tính phí, nộp phí, tình trạng chồng lấn, trùng lắp (nếu có) và việc thực hiện thu phí trên của Thành phố Hải Phòng đảm bảo phù hợp với Luật phí và lệ phí, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2017.

Từ ngày 1/1/2017, thành phố Hải Phòng triển khai thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Theo UBND thành phố, phần thu này nhằm mục tiêu bù đắp chi phí duy tu bảo dưỡng duy trì, phục vụ tái tạo công trình hạ tầng kĩ thuật ở khu vực cửa khẩu. Tuy nhiên, việc thu phí này đã gây nhiều bức xúc với doanh nghiệp có liên quan.

Phấn đấu đến 2025 xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD

Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam.

Thông báo kết luận nêu rõ, xác định mục tiêu đưa ngành tôm Việt Nam tiến lên thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam.

Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ của nuôi trồng, chế biến tôm chất lượng cao. Cần xây dựng nhiều thương hiệu toàn cầu về tôm.

Ngành tôm phải là tấm gương tiêu biểu trong việc đi tắt, đón đầu trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao; trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, áp dụng công nghệ sinh học, tự động hóa, điện tử, tin học v.v.. vào sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến tôm. Phấn đấu đến năm 2025 đưa kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD.

Thủ tướng chấn chỉnh việc tổ chức các lễ hội

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị 06/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm.

Chỉ thị nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tổ chức lễ kỷ niệm vẫn còn những yếu kém cần phải được nghiêm túc chấn chỉnh và khắc phục.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức lễ hội, tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí; phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Đồng thời có trách nhiệm quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội trong giờ hành chính (trừ trường hợp được giao thực thi nhiệm vụ).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát, điều chỉnh kế hoạch tổ chức lễ hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, không trái với quy định của Nhà nước.
Có phương án tổ chức, bố trí khu vực dịch vụ bảo đảm thuận tiện, phù hợp với không gian tổ chức lễ hội; không bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra bảo đảm thực hiện các quy định về niêm yết giá, bán đúng giá, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Nguồn tin: Biz LIVE

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây