(PL News) - Kiểm toán Nhà nước vừa công bố báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính năm 2015 và đánh giá hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước… tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN. Theo đó, BHXH chi sai quy định hàng chục tỉ đồng.
Về tình trạng trên, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho biết Cơ quan BHXH đang kiểm tra, rà soát khoản tiền hàng tỉ đồng do các cơ sở y tế chi sai quy định trong quá trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Qua giám định khám chữa bệnh BHYT, cơ quan BHXH đã phát hiện nhiều bệnh viện (BV) thực hiện xã hội hóa không đúng chủ trương và lợi ích nhóm.
Theo ông Sơn, các BV lấy lý do ngân sách không đầu tư, nên phải liên doanh, liên kết hoặc huy động vốn trong cán bộ công nhân viên của BV mua máy. Nhưng một số BV tồn tại cả thiết bị do nhà nước đầu tư và máy mua từ nguồn liên doanh, liên kết. Trong trường hợp này, máy từ ngân sách đầu tư thường xuyên bị hỏng hóc, “đắp chiếu”, còn máy xã hội hóa có công suất rất cao, thường gấp 2 - 3 lần máy được trang bị từ ngân sách.
Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN), cho biết thêm các ràng buộc tiêu thụ hóa chất, số test, thời gian khấu hao (thường ngắn) đã dẫn đến tình trạng BV không quan tâm nhiều đến việc bệnh nhân thực sự có nhu cầu hay không, mà chú trọng chạy theo số lượng đã thỏa thuận khi đặt máy. Ông Phúc nêu rõ có tình trạng có thể song hành máy ngân sách cấp và cả máy xã hội hóa, nhưng máy từ ngân sách đầu tư chỉ hoạt động cầm chừng, máy xã hội hóa thì tối đa để đạt chỉ tiêu với đối tác.
Ông Phúc cho biết thêm: “Kiểm tra kỹ, nhiều xét nghiệm không dùng hết các thông số đó, máy từ ngân sách hoàn toàn có thể đảm đương được nhu cầu cho khám chữa bệnh”.
Nhận xét về việc chi sai của BHXH, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13, đặt vấn đề: “Lâu nay dư luận cho rằng, không ít trường hợp BHXH bắt tay, móc ngoặc với các BV, cơ sở khám chữa bệnh để “thụt quỹ”, trục lợi. Những điều này, Kiểm toán chưa làm rõ cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan thanh tra, đơn vị chức năng khác”.
Bà An nói thêm: “Tôi có đọc trên báo chí kết luận của Kiểm toán, quỹ nợ đọng cả chục nghìn tỉ đồng, rồi mang tiền đi cho Công ty tài chính ALCII vay, đến nay không đòi được. Nếu tất cả số liệu, kết luận của Kiểm toán là chính xác thì theo tôi Chính phủ cần phải vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức dẫn tới BHXH chi sai quy định, làm thất thoát quỹ”.
Về công khai, minh bạch Quỹ BHXH, chuyên gia kinh tế PGS - TS Ngô Trí Long cho rằng người lao động phải có quyền được biết thông tin về BHXH bất cứ lúc nào, thông qua cơ sở dữ liệu của ngành BHXH, không thể để tình trạng “ém” thông tin như thời gian qua. Chỉ đến khi nào có kiểm toán, có thanh tra thì người dân mới được biết.