“Cải cách bộ máy hành chính không nên dập khuôn“

Thứ năm - 19/10/2017 21:47
(Phapluat News) - Tiến sĩ Trần Du Lịch: Cải cách bộ máy hành chính không nhất thiết các địa phương phải giống nhau mà phải căn cứ đặc thù của từng địa phương.
“Cải cách bộ máy hành chính không nên dập khuôn“

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đánh giá: “Số lượng cán bộ, công chức không những không giảm mà lại tăng”. Thực tiễn đó cho thấy, trong nhiệm kỳ 12, nếu cấp ủy, chính quyền các cấp không thực sự quyết liệt thì không thực hiện được mục tiêu tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tinh giản biên chế.

Một trong những giải pháp đã và đang được cấp ủy các địa phương thực hiện có hiệu quả, là nhất thể hóa một số chức danh tương đồng giữa tổ chức đảng với chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội.

 

cai cach bo may hanh chinh khong nen dap khuon hinh 1
Buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình với tỉnh Quảng Ninh  về việc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả. (Ảnh: Kiều My)

Từ năm 2014, Đề án 25 về đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản tổ chức, biên chế đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện với một loạt giải pháp, trong đó có nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, quản lý và sáp nhập các cơ quan đảng, chính quyền có chung chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể ở cấp xã, tỉnh này đã tiến hành nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND tại 76 trong số 186 đơn vị.

 

Việc hợp nhất các cơ quan đảng và chính quyền có chung chức năng, nhiệm vụ cũng đang được thực hiện ở cấp huyện và cơ sở. 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Ninh đã sáp nhập Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội vào một cơ quan với tên gọi ở cấp huyện là “Cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối MTTQ và các đoàn thể chính trị”.

Để chuẩn bị hợp nhất các cơ quan Đảng và chính quyền cấp huyện, Quảng Ninh đang hợp nhất một số chức danh như trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra… Bằng cách làm này, số lượng tổ chức, biên chế giảm đáng kể, đồng thời phương thức lãnh đạo của Đảng đã có sự đổi mới rõ nét.

Bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: “Quan điểm của Quảng Ninh trong việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo nguyên tắc. Nguyên tắc là một người, 1 tổ chức làm nhiều việc. Nhưng một chức năng, 1 nhiệm vụ chỉ giao cho 1 người hoặc 1 tổ chức thực hiện và phải chịu trách nhiệm đến cùng”.

Cũng như Quảng Ninh, tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện Đề án 01 về sắp xếp, tinh giản tổ chức, bộ máy. Mục đích của Đề án này nhằm kiện toàn bộ máy, bảo đảm khoa học, tinh gọn hiệu quả, phù hợp chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, trên quan điểm một cơ quan thực hiện nhiều chức năng, một người làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một người hoặc một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Triển khai từ tháng 12/2016, đến nay đã giảm được 60 phòng, ban, đơn vị đối với các cơ quan Đảng và chính quyền từ tỉnh xuống huyện.
Từ thực tiễn cách làm của một số địa phương vừa qua cho thấy, nhất thể hóa một số chức danh, sáp nhập một số đơn vị ở cấp quận, huyện đang là hướng đi đúng và khả thi hiện nay nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về tinh gọn bộ máy, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, vừa giảm đáng kể nguồn chi của ngân sách nhà nước.

 

Ông Từ Xuân Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Dương cho rằng về tổng thể, hệ thống chính trị ở cơ sở nước ta vẫn còn cồng kềnh. Bởi vậy, cách làm là cần phải xem xét tổng thể từ trên xuống dưới để sắp xếp. Nếu chúng ta nhất thể hóa về chức danh từ trung ương đến địa phương và cơ cấu tổ chức lại bộ máy của Đảng, Nhà nước cho hợp lý sẽ tránh sự chồng chéo, trùng nhau về chức năng.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội khóa XIII, cải cách bộ máy hành chính không nên dập khuôn, có nghĩa là không nhất thiết địa phương nào cũng giống nhau mà có thể căn cứ khối lượng công việc, quy mô đô thị, yêu cầu phát triển và thế mạnh của từng địa phương. Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới cũng có cơ quan, tổ chức đó và không nhất thiết các địa phương phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau.

Ông Trần Du Lịch cũng cho rằng, chúng ta cải cách hành chính sẽ không bao giờ hiệu quả nếu như không cải cách toàn bộ nền hành chính quốc gia đồng bộ về thể chế, bộ máy tổ chức và con người. Một bộ máy tổ chức mà công vụ chồng chéo, không rõ đâu là trung ương, đâu là địa phương, như vậy sẽ không bao giờ có hiệu quả.

Đề án "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" sẽ là định hướng lớn giúp các địa phương sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cấp cơ sở./.

 

Nguồn tin: Lại Hoa-Minh Châm/VOV-Trung tâm Tin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây