Các trường cao đẳng sư phạm đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử?

Thứ hai - 06/03/2017 22:52
(PL News) - Các trường cao đẳng sư phạm rơi vào thời kì ảm đạm, dù đã xoay xở bằng mọi cách như liên kết, liên thông đào tạo; mở mã ngành ngoài sư phạm.
Các trường cao đẳng sư phạm đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử?

 

Bí quyết đào tạo giáo viên ở Phần Lan
Chúng ta còn muốn duy trì hệ đào tạo cao đẳng sư phạm đến bao giờ?
Làm thế nào để kiểm định 35% cơ sở giáo dục đại học trong năm nay?

LTS: Sau khi đăng tải bài viết "Chúng ta còn muốn duy trì hệ đào tạo cao đẳng sư phạm đến bao giờ?" của nhóm tác giả Việt Cường, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết phản hồi của tác giả Y Nguyên.

Bài viết thể hiện quan điểm là một người trong cuộc, một nhà giáo đang công tác tại một trường cao đẳng sư phạm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Gần đây, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài "Chúng ta còn muốn duy trì hệ đào tạo cao đẳng sư phạm đến bao giờ?" của nhóm tác giả Việt Cường.

Nội dung bài báo rất đáng suy ngẫm, nhất là trong bối cảnh hiện nay, câu hỏi này vẫn đang lơ lửng trên đầu các trường cao đẳng sư phạm trong cả nước.

Là người trong cuộc, tôi cũng như nhiều nhà giáo đang công tác tại các trường cao đẳng sư phạm khác, bấy lâu nay đau đáu, trăn trở về vấn đề này.

Nỗi lo bắt đầu cách đây ba bốn năm khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo lần 1 Đề án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm.

Theo đó, Bộ đánh giá, nhiệm vụ đào tạo giáo viên của các trường cao đẳng sư phạm gần như đã tiệm cận, bão hoà với nhu cầu. Có nghĩa là nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử?

Cần có giải pháp hợp lý với các trường cao đẳng sư phạm. Ảnh: hoc.vtc.vn.

Sứ mệnh đó được đặt lên vai các trường sư phạm từ những năm 50, 60 của thế kỉ trước, khi đất nước vừa kết thúc cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp, miền Bắc bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Giáo dục trở thành nhiệm vụ hàng đầu và nhu cầu giáo viên là rất lớn.

Sau ngày thống nhất đất nước, nhu cầu giáo viên càng tăng cao, nhất là ở miền Nam.

Các trường sư phạm lúc bấy giờ dù đã tăng tốc bằng cách mở các hệ đào tạo ngắn hạn, cấp tốc nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tế về giáo viên đang thiếu trầm trọng ở cả hai miền. 

Đó là những năm "làm ăn phát đạt" của các trường sư phạm nói chung và hệ cao đẳng sư phạm nói riêng.

Sang thập niên đầu tiên của thế kỉ 21, nhu cầu giáo viên phổ thông dần bão hòa.

Những năm đầu thập kỉ thứ 2, giáo viên phổ thông dư thừa, sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm.


Một số ít may mắn nhờ các mối quan hệ, nhờ chạy chọt kiếm được chỗ đứng lớp nhưng chỉ là hợp đồng ngắn hạn. Hàng vạn sinh viên sư phạm lần lượt gia nhập đội quân thất nghiệp.

Số khác làm những việc trái nghề hoặc tiếp tục tìm vận may khi thi vào các ngành học khác ở trường đại học.

Sinh viên thất nghiệp nhưng trường sư phạm thì buộc phải tồn tại. Mỗi năm các trường cao đẳng lại được địa phương giao chỉ tiêu tuyển sinh để nuôi bộ máy hàng trăm cán bộ, giảng viên, nhân viên.

Nhưng việc tuyển sinh càng ngày càng khó. Vài năm trở lại đây, hầu hết các trường cao đẳng sư phạm đều tuyển không đủ chỉ tiêu. Thậm chí một số ngành không tuyển được sinh viên nào, buộc phải ngừng đào tạo.

Các trường cao đẳng sư phạm rơi vào thời kì ảm đạm, dù đã xoay xở bằng mọi cách như liên kết, liên thông đào tạo; mở mã ngành ngoài sư phạm. 

Thế nhưng sản phẩm vẫn khó tìm đầu ra bởi những ngành nghề đào tạo chính qui ở bậc đại học còn ế chỏng ế chơ thì sản phẩm ra lò từ cao đẳng sư phạm bị xã hội từ chối là điều không mấy khó hiểu.

Đầu ra không khả quan thì đầu vào tất yếu sẽ giảm sút, không chỉ số lượng mà cả chất lượng.

Sự lãng phí là rất lớn khi một lớp đào tạo bây giờ co lại chỉ còn vài ba chục sinh viên.

Mỗi buổi lên lớp nhìn số sinh viên vốn đã ít ỏi lại không mấy chuyên chú chuyện học hành, nghề nghiệp (bởi trong số họ, mấy ai chọn trường vì yêu nghề?) chúng tôi không khỏi chạnh lòng xót xa.


Bởi một số em coi chuyện vào trường chỉ là "tạm trú" để tiếp tục nuôi giấc mơ đại học.Từ vài ba chục em lúc mới nhập học, sau một vài học kì, con số đó cứ teo tóp dần.

Số khác thì vì sức ép của gia đình, số nữa thì rơi vào cảnh "chuột chạy cùng sào" nhưng là cùng sào bởi năng lực học hành kém.

Trong một bối cảnh như thế, trường cao đẳng sư phạm sẽ ra sao thì ai cũng biết. Chúng tôi những người trong cuộc đau đáu với nghề, lại càng đau đáu hơn.

Tồn tại hay không tồn tại? Tương lai hệ cao đẳng sư phạm sẽ đi về đâu? Đó là những câu hỏi lớn đang cần sự giải đáp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong đề án của mình, “lối thoát” được Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến là giao cho các trường cao đẳng sư phạm gánh vác nhiệm vụ đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên tiểu học, trung học cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 29 và đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

"Lối thoát" này, theo Bộ sẽ mở ra viễn cảnh tương lai tươi sáng: "các trường sư phạm có thể hoạt động quanh năm, mà giáo viên cũng không cùng lúc đi bồi dưỡng hết làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường phổ thông”.[*]

Hi vọng đấy là một giải pháp khả thi dù chỉ mới là dự tính trên bàn giấy.

Nhưng nếu được triển khai thì liệu nhiệm vụ này duy trì được bao lâu nếu như việc đào tạo sinh viên sư phạm bậc đại học ngày càng chất lượng hơn theo xu hướng cải cách của Bộ?

Rốt cuộc, chúng tôi nghĩ, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Về lâu dài, Bộ cần quy hoạch lại mạng lưới trường đào tạo giáo viên; giảm số lượng trường để nâng cao chất lượng, nâng cấp cơ sở vật chất; nâng cao năng lực đào tạo và chuẩn đầu vào cũng như các chính sách chế độ ưu đãi đối với sinh viên sư phạm.

Nguồn tin: Theo Giaoduc.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây